Soạn bài: Khi con tu hú
I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Nhà thơ Tố Hữu (1920 - 2002), tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, từ sáu, bảy tuổi Tố Hữu đã học và tập làm thơ. Ông giác ngộ cách mạng trong thời kì Mặt trận Dân chủ và trở thành nguời lãnh đạo Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế. Những bài thơ đầu tiên đuợc ông sáng tác từ nhũng năm 1937 -1938. Tháng 4 -1939, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt, giam giữ ở các nhà lao miền Trung và Tây Nguyên, tháng 3 - 1942, vuợt ngục Đắc Lay, tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng 8 - 1945 ở Huế. Sau Cách mạng, Tố Hữu đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng và chính quyền (từng là uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thu Ban Chấp hành Trung uơng Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ truởng).
Tác phẩm đã xuất bản : Từ ấy (thơ, 1946) ; Việt Bắc (thơ, 1954) ; Gió lộng (thơ, 1961) ; Ra trận (thơ, 1971) ; Máu và hoa (thơ, 1977) ; Một tiếng đờn (thơ, 1992)... Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, 1973) ; Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981).
Nhà thơ đã đuợc nhận : Giải nhất Giải thuởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam 1954 -1955 (tập thơ Việt Bắc) ; Giải thuởng văn học ASEAN (1996) ; Giải thuởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996).
2. Khi con tu hú thể hiện một tình yêu cuộc sống tha thiết, niềm khát khao tự do cháy bỏng của người chiến sĩ cách mạng khi bị giam hãm trong nhà tù thực dân.
Bài thơ có nhiều hình ảnh gần gũi, giản dị mà giàu sức gợi cảm ; sử dụng thể thơ lục bát, lời thơ tự nhiên, truyền tải đuợc xúc cảm tha thiết, lắng sâu, lại thể hiện đuợc nguồn sống sục sôi của nguời cộng sản trẻ.
II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. - Tên bài thơ đã gợi mở mạch cảm xúc của toàn bài, nó như một vế phụ chỉ thời gian trong một câu : khi con tu hú được mở rộng hơn ở ngay câu thơ đầu tiên Khi con tu hú gọi bầy.
- Có thể viết câu văn như sau :
Khi con tu hú gọi bầy cũng là khi đất trời chuyển sang mùa hè, trong không gian lao tù bức bối, ngột ngạt, người chiến sĩ cách mạng lắng nghe mùa hè đang rạo rực càng thêm cháy bỏng niềm yêu sống, khao khát tự do.
- Tiếng chim tu hú là âm thanh của cuộc sống tự do dội vào lòng tác giả, gợi nhắc về mùa hè phóng khoáng, tưng bừng với bao cảnh sắc quyến rũ đối lập với chốn lao tù chật chội. Điều đó càng khiến cho bầu nhiệt huyết cách mạng, niềm yêu sống, yêu tự do thêm sôi sục.
2. Cảnh miêu tả mùa hè ở 6 câu thơ đầu :
Tiếng chim tu hú gọi bầy đã làm sống dậy trong lòng tác giả cảnh sắc mùa hè với ngập tràn những thanh âm, màu sắc của sự sống đang rạo rực, mê say :
- Không gian khoáng đạt : Trời xanh càng rộng càng cao...
- Âm thanh náo nhiệt : tu hú gọi bầy, dậy tiếng ve ngân
- Màu sắc rực rỡ, tươi mới : Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào, trời xanh
- Hương vị ngây ngất, mời gọi : Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần
3. Trạng thái cảm xúc bức bối, ngột ngạt của người tù - người chiến sĩ được thể hiện trực tiếp ở 4 câu thơ cuối :
- Cách ngắt nhịp bất thường ở câu 8, 9 : Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi ! (6/2), Ngột lảm sao, chết uất thôi (3/3).
- Các từ ngữ diễn đạt hoạt động, trạng thái với sắc thái mạnh : dậy, đạp tan, ngột, chết uất.
- Các từ ngữ cảm thán, diễn đạt sự bức xúc : ôi, làm sao, thôi, cứ...
Mở đầu và kết thúc bài thơ đều thấy xuất hiện tiếng chim tu hú kêu như là tượng trưng cho âm thanh của cuộc sống tự do, tươi đẹp từ bên ngoài vọng vào chốn lao tù. Nhưng trước âm thanh ấy, tâm trạng của nhân vật trữ tình ở đầu và cuối bài thơ lại rất khác nhau. Tiếng chim ở đầu bài gợi ra trong cảm nhận của người tù - người chiến sĩ cảnh tượng của mùa hè, của cuộc sống tự do háo hức, rộn rã ; còn ở cuối bài thơ, khi cảm giác ngột ngạt, u uất lên đến cao độ thì tiếng chim lại khiến cho tâm trạng người chiến sĩ thêm đau khổ, bức bối vì cảnh giam hãm, mất tự do.
4. Những giá trị nổi bật của bài thơ : Xem mục I.