Soạn bài: Kể chuyện: Kể chuyện đã nghe, đã đọc

Đề bài: Kể lại một câu chuyện mà em dã được nghe hoặc được đọc về một người có tài.

Ở học kì I em đã được học bài Ông Trạng thả diều.

Đó là một câu chuyện rất lí thú kể về ông Trạng Nguyễn Hiền đời vua Trần Nhân Tông.

Chuyện kể rằng Nguyễn Hiền sinh trong một gia đình nghèo. Chú bé rất thích chơi diều và lúc còn nhỏ đã có thể tự làm lấy diều để thả.

Ham chơi diều như vậy nhưng Nguyễn Hiền vẫn học rất giỏi vì chú có trí thông minh lạ thường. Thầy giáo dạy chú lúc chú mới sáu tuổi đã phải kinh ngạc vì trí nhớ khác người của chú: học đâu hiểu đó, học đâu nhớ đó.

Tuy thông minh như vậy nhưng vì gia đình quá nghèo chú phải nghỉ học ở nhà chăn trâu giúp đỡ bố mẹ. Tuy vậy hằng ngày chú vẫn vừa chăn trâu vừa đứng ngoài lớp nghe lén thầy giảng bài. Tối về chú mượn lại sách của bạn để học. Đèn dầu chả có, chú bắt nhiều đom đóm thả vào chiếc vỏ trứng để lấy ánh sáng mà đọc sách. Giấy bút cũng không có tiền mua, chú lấy lưng trâu, nền đất, mặt cát làm trang vở, lấy tay, miếng gạch vỡ hay đoạn tre làm bút viết. Ấy thế mà việc học của chú vẫn tiến bộ lạ thường. Mỗi kì thầy cho học sinh làm bài thi, chú đều xin đề bài, viết bài vào lá chuối khô và nhờ thầy chấm giúp. Bài viết của chú luôn vượt xa chúng bạn vì chữ tốt, văn hay, ý nghĩa sâu xa.

Thế rồi vua mở khoa thi. Chú cũng xin vào dự thi và chú đã đậu Trạng nguyên. Lúc ấy chú mới có mười ba tuổi. Ông Trạng thả diều Nguyễn Hiền đúng là một bậc kì tài có tuổi đời nhỏ nhất trong số các Trạng nguyên lừng danh của nước nhà.

* Ý nghĩa: Ca ngợi ý chí và tài năng của Nguyễn Hiền. Ý chí và nghị lực đã giúp Nguyễn Hiền trở thành một bậc kì tài.

Viết bình luận