Soạn bài: Con Hổ có nghĩa

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Truyện trung đại Việt Nam là thể loại truyện văn xuôi chữ Hán, có cách viết không giống hẳn với truyện hiện đại. ở đây truyện nhiều khi gần với kí (ghi chép sự việc), với sử (ghi chép chuyện thật) và thường mang tính giáo huấn. Cốt truyện nhìn chung còn đơn giản. Nhân vật thường được miêu tả chủ yếu qua ngôn ngữ và hành động.

2. Tóm tắt truyện

Bà đỡ Trần người huyện Đông Triều một đêm nọ được hổ cõng vào rừng. Hoá ra hổ cái sinh nở khó khăn nên hổ đực tìm bà giúp đỡ. Bà giúp hổ cái sinh con. Hổ đực mừng rỡ, quỳ bên gốc cây đào lên một cục bạc tặng bà. Hổ đực còn đưa tiễn bà ra khỏi rừng, về nhà bà cân bạc được hơn mười lạng. Nhờ số bạc bà sống qua được năm mất mùa đói kém.

Bác tiều ở huyện Lạng Giang giúp hổ móc chiếc xương bò hóc trong cổ ra, Để tạ ơn, hổ biếu bác con nai. Hơn mười năm sau bác tiều mất, hổ về viếng “dùng đầu dụi vào quan tài, gầm lên, chạy quanh quan tài vài vòng rồi đi”. Mỗi lần giỗ bác, hổ lại đưa dê hoặc lợn về cho gia đình.

3. Truyện Con hổ có nghĩa thuộc loại truyện trung đại, trong đó sử dụng thủ pháp nghệ thuật nhân hoá, mượn chuyện hổ để nói chuyện con người nhằm đề cao ân nghĩa trong đạo làm người.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HlỂU VĂN BẢN

1. Văn bản Con hổ có nghĩa thuộc loại truyện trung đại. Truyện có hai đoạn. Đoạn một kể chuyện xảy ra giữa con hổ và bà đỡ Trần người huyện Đông Triều. Đoạn hai kể chuyện con hổ với bác tiều phu người huyện Lạng Giang.

2. Biện pháp nghệ thuật cơ bản bao trùm được sử dụng là biện pháp nghệ thuật nhân hoá.

Con hổ trong câu chuyên với bà đỡ Trần lo lắng cho vợ, vui mừng khi có con, biết lấy bạc tạ ơn, lại đưa tiễn ân nhân ra khỏi rừng.

Con hổ trong câu chuyện với bác tiều thì biết đem nai đến tạ ơn, khi bác chết thì về viếng, lại đem lễ vật cho gia đình bác làm giỗ.

Nói chuyện hổ có nghĩa cũng là một cách để nói về con người có nghĩa. Con hổ là loài cầm thú, hung dữ mà còn có nghĩa tình trong cư xử thì lẽ nào con người lại sống thiếu ơn nghĩa được. Đây là cách nói gián tiếp về con người.

3. Chuyện xảy ra giữa bà đỡ Trần và con hổ thứ nhất là chuyện đỡ đẻ. Hổ cái đẻ khó. Hổ đực đi đón bà đỡ Trần, nhỏ nước mắt cầu xin bà giúp đỡ. Bà đỡ Trần đã giúp hổ đẻ được và hổ đực vui mừng, đào bạc lên tạ ơn bà, lại đưa bà ra tận cửa rừng.

Con hổ thứ hai thì bị hóc xương bò. Bác tiều liền giúp móc xương ra. Hổ bắt nai về tạ ơn. Khi bác mất, hổ về viếng. Khi làm giỗ, hổ mang lễ vể cho gia đình.

Chi tiết bà đỡ Trần giúp hổ cái sinh con, hổ đực vui mừng, tạ ơn bà là chi tiết thú vị. Với con hổ thứ hai, nó nghe lời bác tiều “nằm phục xuống, há miệng nhìn bác tiều ra dáng cầu cứu” là chi tiết hay.

Con hổ thứ hai không chỉ trả ơn một lần. Khi ân nhân chết, nó còn về để viếng. Rồi sau đó còn tiếp tục mang lễ vật về làm giỗ. Câu chuyện này nhấn mạnh ý nghĩa của tư tưởng ân nghĩa. Trả nghĩa suốt đời.

4. Truyện Con hổ có nghĩa đề cao, khuyến khích cách sống nghĩa tình trong cuộc sống của con người. Làm người phải biết giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn. Và người được giúp đỡ phải biết ghi nhớ ơn nghĩa, biết báo đáp ơn nghĩa cho ân nhân của mình.

Viết bình luận