Soạn bài: Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu)

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Lí Công Uẩn (974 - 1028) tức Lí Thái Tổ, người châu cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông là người thông minh, nhân ái, có chí lớn và lập được nhiều chiến công. Dưới thời Tiền Lê, ông làm đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Khi Lê Ngọa Triều mất, ông được triều thần tôn lên làm vua, lấy niên hiệu là Thuận Thiên.

2. Chiếu là một thể loại văn bản hành chính của nhà nước quân chủ, được vua dùng để ban bố các mệnh lệnh. Chiếu cũng được dùng trong khoa cử Nho học như một môn thi.

3. Chiếu dời đô phản ánh khát vọng của nhân dân về một đất nước độc lập, thống nhất, giàu mạnh, đồng thời phản ánh ý chí tự cường của nước Đại Việt trên đà lớn mạnh. Bài chiếu có sức thuyết phục mạnh mẽ vì thể hiện được ý nguyện của nhân dân, có sự kết hợp hài hoà giữa lí và tình.

Tác giả đã sử dụng một hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng điệu mạnh mẽ, khoẻ khoắn để thuyết phục dân chúng tin và ủng hộ cho kế hoạch dời đô của mình.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Sự viện dẫn các triều đại Trung Quốc đã từng có những cuộc dời đô nhằm mục đích khẳng định đây là một việc đã từng có người làm, chứ không phải là lần đầu. Mặt khác, các triều đại Trung Quốc dời đô là thuận theo mệnh trời, ý dân. Các cuộc dời đô đó có kết quả là mưu toan được nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, dẫn đến "vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh". Sự viện dẫn đó làm cơ sở để đưa ra ý kiến dời đô của mình.

2. Theo Lí Công Uẩn, kinh đô cũ ở vùng Hoa Lư (Ninh Bình) không còn thích hợp vì hai nhà Đinh, Lê đã làm theo ý riêng của mình, khinh thường mệnh trời, không theo dấu cũ của Thương, Chu, "khiến cho triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn, muôn vật không được thích nghi".

Thực ra, vì thế lực chưa đủ mạnh, nên hai triều đại trên vẫn phải dựa vào nơi hiểm yếu của vùng núi đá vôi Ninh Bình để dễ bề chống lại sự xâm lược của thế lực phương Bắc.

3. Theo tác giả, địa thế thành Đại La có những lợi thế để chọn làm nơi đóng đô :

- Đây là kinh đô cũ của Cao Vương.

- Ở nơi trung tâm trời đất ; được thế rồng cuộn hổ ngồi (thế đất đẹp theo quan niệm của thuật phong thuỷ).

- Có 4 ưu điểm là rộng rãi, bằng phẳng, cao ráo, thoáng đãng. Do đó dân không bị lụt, muôn vật phong phú, tốt tươi.

Với những ưu điểm đó, đây là nơi có địa thế và phong cảnh đẹp, nơi hội tụ quan trọng, xứng đáng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

4. Chiếu dời đô có sức thuyết phục vì đã kết hợp giữa lí và tình, giữa ý chí của nhà vua với nguyện vọng của nhân dân.

Mở đầu Lí Công Uẩn dẫn sử sách Trung Quốc. Các triều đại trên nhờ biết theo ý trời, thuận lòng dân, nhiều lần dời đô nên trường tồn. Sau đó đối chiếu với hai nhà Đinh, Lê. Chỉ vì hai triều đại này không dời đô nên kết cục là vận số ngắn, trăm họ phải hao tốn. Như vậy dời đô là điều phải làm. Nhưng dời đi đâu ? Tác giả đã xem xét kĩ thành Đại La. Với những ưu điểm vượt trội, cả về phong thuỷ lẫn điều kiện tự nhiên, tât nhiên Đại La xứng đáng được chọn làm kinh đô mới. Việc lập luận để tới kết luận cần dời đô thật chặt chẽ. Đó là nói về lí lẽ.

Còn nói về tình cảm : Dời đô vừa thuận theo ý trời, vừa noi theo lịch sử, mà mục đích cuối cùng là để cho triều đại được trường tồn, trăm họ không bị hao tốn. Tác giả đã bộc lộ trực tiếp tình cảm của mình : "Trẫm rất đau xót" vì trăm họ phải hao tốn dưới hai triều Đinh, Lê. Ngay cả khi ban bố mệnh lệnh, thì Lí Thái Tổ cũng nêu ra như một chủ đề để bàn bạc dân chủ : Các khanh nghĩ thế nào ? Ý vua sáng suốt, hợp lẽ tự nhiên, hợp với nguyện vọng của triều thần, hợp lòng dân. Bởi vậy mà việc dời đô đã được mọi người ủng hộ, hưởng ứng.

5. Nói Chiếu dời đô phản ánh ý chí độc lập, tự cường và sự phát triển lớn mạnh của dân tộc Đại Việt vì rõ ràng từ bỏ vùng núi Ninh Bình, ra thành Đại La, nơi giao lưu trọng yếu, nơi bằng phẳng, rộng rãi, cao ráo, thoáng đãng, nhà Lí đã có đủ sức mạnh về quân sự để phòng thủ đất nước, chống lại sự xâm lược phương Bắc. Mặt khác, ra thành Đại La, nơi trung tâm, nhiều ưu điểm như vậy, kinh tế đất nước mới có điều kiện phát triển, dân mới có khả năng giàu có, làm cho nước càng thêm mạnh. Dời đô, dám đưa kinh đô từ núi rừng ra đồng bằng chính là phản ánh thế và lực đang lớn mạnh của nước Đại Việt.

Viết bình luận