Soạn bài: Ánh trăng

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, quê ở làng Quảng Xá, nay thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hoá. Năm 1966, Nguyễn Duy gia nhập quân đội, vào binh chủng Thông tin, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường. Ồng được giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1972 -1973. Sau năm 1975 ông làm báo Văn nghệ cho đến nay.

2. Tập thơ Ánh trăng được tặng giải A của Hội nhà văn Việt Nam năm 1984.

3. Với giọng điệu tâm tình, tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm, Ánh trăng của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước. Bài thơ gợi nhắc, củng cố thái độ sống thuỷ chung, ân tình với quá khứ tươi đẹp, chân chất, hồn nhiên của lớp người đi trước.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Bài thơ có thể chia làm ba phần, mỗi phần 2 khổ. Hai khổ đầu nói về sự hồn nhiên gắn bó với vầng trăng. Hai khổ giữa nói về sự lãng quên và bất ngờ gặp lại vầng trăng khi đột ngột mất điện. Hai khổ cuối là sự đối diện với vầng trăng và suy ngẫm, giật mình về những ngày đã sống.

Bước ngoặt để tác giả bộc lộ cảm xúc chính là khi đã coi vầng trăng như người dưng qua đường, thì bỗng mất điện, gặp lại vầng trăng tròn. Gặp lại vầng trăng, trăng vẫn tròn vành vạnh, vẫn lặng im soi sáng, không kể gì đến sự vô tình của người đã coi mình là người dưng. Điều đó khiến con người giật mình nhìn lại. Đó chính là chỗ để thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

2. Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa, vầng trăng trước hết là trăng của thiên nhiên, của đất trời. Trăng là biểu tượng cho những gì gắn bó với con người lúc gian khổ. Trăng là tình cảm của quá khứ hồn nhiên, tươi đẹp. Trăng cũng là phần sáng trong, phần tốt đẹp trong con người luôn soi rọi, chiếu sáng những góc khuất, góc tối mới nảy sinh khi con người sống với nhà lầu, cửa gương, với những tiện nghi vật chất. Chính vì thế mà trăng không lời, trăng cứ im phăng phắc, cứ tròn vành vạnh. Trăng để cho con người vô tình tự soi lại mình, tự nhận ra những sai sót của mình để sống trong trẻo, thuỷ chung hơn.

3. Về kết cấu, bài thơ như một câu chuyện nhỏ, phát triển theo thời gian. Quá khứ hồn nhiên, trần trụi với thiên nhiên, thân thiết với vầng trăng. Hiện tại về thành phố, sống với các tiện nghi buyn-đinh, cửa gương, điện sáng, vầng trăng bị lu mờ, bị coi như người dưng qua đường. Nhờ mất điện mà gặp lại vầng trăng, giật mình về thái độ sống “vô tình” của mình. Chính sự giật mình là một yếu tố quan trọng. Nó là sự bừng thức để soi lại bản thân, xét lại cách sống vô tình, dửng dưng, quay lưng lại với quá khứ tốt đẹp, tình nghĩa.

4. Bài thơ ra đời khi đất nước hoà bình, thống nhất được ba năm. Những người kháng chiến gian khổ ở rừng núi đã trở về thành phố. Họ có một cuộc sống mới trong thời bình. Các phương tiện sống khác xa với hồi chiến tranh. Không có bom đạn, được ở trong buyn-đinh, cửa gương, được dùng điện sáng. Lúc này một số người đã quên quá khứ, say sưa hưởng thụ, vun vén cá nhân. Điều quan trọng nhát là họ quên quá khứ, quên bạn bè, đồng chí, đồng bào từng gian khổ có nhau một thời. Tình cảm xưa kia đằm thắm thì bây giờ dửng dưng. Người trước kia gắn bó, tình nghĩa thì nay coi như xa lạ, qua đường. Câu chuyện không chỉ là của nhân vật trữ tình nhà thơ, mà là câu chuyện của nhiều người. Bài thơ của Nguyễn Duy là một lời nhắc nhở thái độ sống thuỷ chung, uống nước nhớ nguồn, trân trọng những tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp của những năm tháng gian khổ đấu tranh.

III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Hãy chú ý lời kể của nhân vật, ngôi kể nên chọn ngôi thứ nhất số ít khi diễn tả dòng cảm nghĩ của nhân vật trữ tình thành một bài tâm sự ngắn, cần đảm bảo các chi tiết về địa điểm : đồng, sông, bể, rừng ; chi tiết về thời gian : hồi nhỏ, chiến tranh, hoà bình về thành phố.

Viết bình luận