Soạn bài: Viết bài làm văn số 6: Thuyết minh văn học (Bài làm ở nhà)

Đề bài: Thuyết minh về một tác giả văn học.

BÀI THAM KHẢO

Tản Đà và bài thơ "Thề Non Nước"

1. Tản Đà tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939). Ông sinh ở làng Khê Thượng, bên núi Tản sông Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Nội), nhưng gốc là dòng họ Nguyễn danh tiếng triều Hậu Lê, ở làng Kim Lũ (làng Lủ), huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Tản Đà theo nghiệp khoa cử, nhưng thi không đỗ. Kịp với đẩy đưa của thời thế, ông quay sang làm thơ viết văn đăng báo “Nôm na phá nghiệp kiếp ăn xoàng”. Tản Đà là “người thứ nhất có can đảm làm thi sĩ” (Xuân Diệu, 1939), và cũng là thi sĩ đầu tiên dám lấy thi ca làm nghề nghiệp, và cam sống chết với nghề. Mà có lẽ, như vậy mới đúng với cốt cách Tản Đà, vì chỉ cái cốt cách ấy thôi đã “chính là cái tác phẩm tuyệt xảo, một bài thơ hay nhất” (Lưu Trọng Lư, 1939). Song, đời ông vui ít buồn nhiều, càng về cuối càng chật vật. Có điều, đáng quý là, trước sau Tản Đà vẫn giữ được mình trong sạch.

Ồng viết và thành công ở nhiều thể loại, nhưng làm nên một Tản Đà danh tiếng, trước hết là thơ. Những tác phẩm chính là: Khối tình con (thơ, ba tập: 1916, 1918, 1932), Còn chơi (tập thơ, 1921), Thơ Tản Đà (tập thơ, 1925), Nhàn tưởng (kiểu thơ văn xuôi, 1928), Giấc mộng con (truyện giả tưởng, hai tập: 1917, 1927 - 1928), Giấc mộng lớn (tự truyện kiểu hồi kí, 1929), Thề non nước (tập truyện, 1932, Tản Đà văn tập (tập hợp thơ lẫn văn xuôi, 1932)... “Sinh vào lúc (...) thơ cổ tàn và thơ kim đang phôi thai” (Xuân Diệu, 1939), nhà thơ Tản Đà, một mặt là đại biểu xuất sắc nhất của thơ ca theo lối truyền thống hồi đầu thế kỉ XX; nhưng mặt khác, cũng ở Tản Đà đã xuất hiện nhiều dấu hiệu mới lạ của thơ - nhất là về một cái tôi lãng mạn đang ấp ủ, báo hiệu chỉ nay mai nó sẽ làm đứt tung cái chật chội lề luật của thơ lối cũ... Tản Đà chính là cầu nối giữa hai thời đại văn học dân tộc: từ trung đại sang hiện đại; hoặc nói như Hoài Thanh (1941), Tản Đà là “người của hai thế kỉ”. Trên văn đàn công khai bị thực dân Pháp kiểm duyệt, thơ văn Tản Đà vẫn ẩn hiện một tấm lòng thắm thiết với đất nước, nhân dân - đó lại là bình diện đáng quý khác mà hồn thơ, đời thơ của nhà thơ núi Tản sông Đà gửi lại.

2. Bài thơ Thề non nước ban đầu có 12 câu (dòng) lục bát, được làm vào đầu năm 1920, kết quả chuyến đi đầu tiên của nhà thơ theo chiều dài đất nước. Đến 1922, ông sửa lại và viết thêm 10 câu để đưa vào truyện ngắn cùng tên, làm một tình tiết truyện, về sau, khi công bố bài thơ như một tác phẩm độc lập (1925, 1938), Tản Đà lấy lại hầu như nguyên vẹn bài thơ trong truyện. Nước - non là hình tượng thơ nhiều tầng nghĩa, và Thề non nước là bài thơ nhiều tầng ý nghĩa. Có non nước - thiên nhiên với chuyện vịnh cảnh (cảnh mà nhà thơ gặp trong chuyến đi dài; và cảnh trong bức tranh của truyện); có non nước - tình yêu đã thành giọng điệu riêng khó lẫn của thơ Tản Đà (giữa Tản Đà với “nữ sĩ” nào đó, như nhà thơ thổ lộ trong thư cho bạn; và giữa Vân Anh với ông khách, hai nhân vật truyện); và sâu kín bên trong chính là nước non - Tổ quốc với tình cảm yêu nước của nhà thơ, dẫu bóng gió nhưng không kém thắm thiết chân thành.

(Văn học 11 - NXB Giáo Dục 2000)

Nguyễn Công Trứ và bài thơ "Bài ca ngất ngưởng"

Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại quen nề nếp nho phong. Cha là tri phủ Nguyễn Công Tấn, từng xướng nghĩa phò vua Lê chống lại phong trào Tây Sơn. Nguyễn Công Trứ học hành cần cù, say mê và mặc dầu thi cử lận đận, nhiều lần bị đánh hỏng, ông vẫn theo đuổi khoa cử đến tận năm 42 tuổi mới đỗ được giải nguyên. Sau đó, Nguyễn Công Trứ là một bề tôi trung thành của nhà Nguyễn. Cuộc đời làm quan lên xuống đảo điên: khi làm đến thị lang bộ Hình và đại tướng, lúc bị cách tuột làm lính thú ở biên thùy, nhưng bao giờ Nguyễn Công Trứ cũng năng nổ thi hành chức trách, nhiều lần tham gia đánh dẹp nông dân khởi nghĩa.

Mặt khác, Nguyễn Công Trứ tiếp thu được những yếu tố tích cực của nhà nho chân chính: yêu nước, thương dân. Nguyễn Công Trứ nổi tiếng thanh liêm khi làm quan. Trong việc khai khẩn ruộng đất, chiêu mộ dân lưu vong để ổn định, củng cố trật tự phong kiến đương thời. Nguyễn Công Trứ cũng đã đem lại lợi ích cho nhân dân các vùng Kim Sơn, Tiền Hải. Ngày nay, ở những nơi đó vẫn còn nhiều đền thờ khẳng định công ơn của Nguyễn Công Trứ. Năm 1858, Nguyễn Công Trứ đã 80 tuổi, khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp bùng nổ, ông vẫn dâng sớ xin cầm quân đánh giặc (nhưng không được chấp nhận vì đã quá già yếu). Cũng năm đó, ông mất.

Nguyễn Công Trứ còn để lại khoảng trên 50 bài thơ, trên 60 bài ca trù và một bài phú nổi tiếng Hàn nho phong vị phú, đều viết bằng chữ Nôm. Ngoài ra, còn có một số bài thơ chữ Hán, một số câu đối Nôm. Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát là hai thi sĩ nổi tiếng nhất của nửa đầu thế kỉ XIX.

Bài ca ngất ngưởng là tác phẩm kiệt xuất của Nguyễn Công Trứ, được làm vào sau năm 1848 là năm ông cáo quan về hưu. Bài thơ làm theo thể ca trù, một thể thơ vận luật tương đối tự do, phóng khoáng kết hợp song thất lục bát, lục bát với kiểu nói lối của hát chèo.

(Văn học 11 - NXB Giáo Dục 2000)

ĐỌC THÊM: THỂ PHÚ

Phú là một thể văn có vần hoặc xen lẫn văn vần và văn xuôi của Trung Quốc và Việt Nam để tả phong cảnh, kể sự việc, bàn chuyện đời... Trong ba loại phú, tỉ, hứng thì phú là phô diễn, là miêu tả trực tiếp chứ không qua so sánh, liên tưởng như tỉ, hứng. Kinh Thi viết: “Phú giả trực trần kì sự” (phú là phô bày thẳng sự thực).

Phú có thể chia làm hai lối: Phú cổ thể (thể cũ) là thể phú có trước đời nhà Đường, có vần mà không có đối, hoặc như một bài ca thật dài, hoặc như một bài văn xuôi mà có vần, lối sau này gọi là lối phú lưu thủy (nước chảy), như bài Bạch Đằng giang phú. Còn phú cận thể (hay phú Đường luật hoặc Đường phú) là thể phú đặt ra từ thời nhà Đường, có vần, có đối, có theo luật bằng trắc. Lối này phải theo quy củ nhất định và là lối phú thông dụng nhất.

Phú cận thể có thể gieo vần theo nhiều lối khác nhau như: độc vận (đầu cuối cùng một vần) hoặc liên vận (một bài dùng nhiều vần); hạn vận (ra sẵn một câu làm vần, phải theo thứ tự các chữ trong câu ấy mà gieo) hoặc phóng vận (tùy ý gieo vần).

Phú cận thể bao giờ cũng đặt câu gồm hai vế đối nhau, vần nằm ở cuối vế dưới. Có mấy loại câu: câu thứ tự (mỗi vế 4 chữ), câu bát tự (mỗi vế 8 chữ), câu song quan (hai cửa, mỗi vế gồm từ 5 đến 9 chữ), câu cách cú (mỗi vế chia làm hai đoạn, một đoạn ngắn, một đoạn dài), câu hạc tất (gối hạc, mỗi vế gồm từ ba đoạn trở lên, đoạn giữa thường ngắn, xen vào các đoạn kia như cái đầu gối giữa hai ông chân con hạc).

Về luật bằng trắc thì phú cận thể yêu cầu các chữ cuối các vế trong câu phải đối nhau: bằng đối với trắc hoặc trắc đối với bằng.

Về bố cục, một bài phú cận thể thường có sáu phần: lung (mở đầu, nói bao quát toàn bài), biện nguyên (nói gốc tích, ý nghĩa của đầu bài), thích thực (giải thích, phân tích ý nghĩa của đầu bài), phu diễn (trình bày, dẫn chứng minh họa cho rõ phần giải thích, phân tích), nghị luận (bình luận, nhận định ý nghĩa của đầu bài), kết (thắt lại, kết thúc).

(Tổng hợp từ Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, NXB Tổng hợp Đồng Tháp và bài của Nguyễn Xuân Nam, trong Từ điển văn học, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1984).

Viết bình luận