Soạn bài: Văn bản văn học

I. Tiêu chí chủ yếu của văn bản văn học

1. Đi sâu phản ánh và khám phá thế giới tình cảm và tư tưởng, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người với các chủ đề như tình yêu, hạnh phúc, băn khoăn đau khổ, khát vọng vươn đến chân - thiện - mĩ.

2. Ngôn từ của tác phẩm phải là ngôn từ nghệ thuật xây dựng được những hình tượng nhân vật, cảnh sắc đất nước, đi sâu diễn tả tư tưởng, tình cảm con người.

3. Được xây dựng theo một phương thức riêng, nói cụ thể hơn là mỗi văn bản văn học đều thuộc về một thể loại nhất định và theo những quy ước, cách thức của thể loại đó. Kịch bản viết có hồi, có cảnh, có lời đối thoại, độc thoại... Thơ thì có vần điệu, có câu thơ, khổ thơ...

II. Cấu trúc của văn bản văn học

1. Tầng ngôn từ - từ ngữ âm đến ngữ nghĩa

Tầng ngôn từ là bước thứ nhất phải vượt qua để đi vào chiều sâu văn bản. Đọc văn bản trước hết, ta phải hiểu rõ ngữ nghĩa (nghĩa đen, nghĩa bóng) và ngữ âm.

2. Tầng hình tượng

Hình tượng được sáng tạo trong văn bản nhờ những chi tiết, cốt truyện, nhân vật, hoàn cảnh, tâm trạng, tùy quy mô văn bản: truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài... Và tùy thể loại: tự sự, trữ tình, kịch... mà có sự khác nhau.

3. Tầng hàm nghĩa

Từ tầng ngôn từ đến tầng hình tượng, dần dần ta tìm ra tầng hàm nghĩa là ý nghĩa ẩn kín, ý nghĩa tiềm tàng của văn bản.

Tầng hàm nghĩa chính là những “tấc lòng” mà nhà văn muốn kí thác cho đời.

Để đi sâu vào hàm nghĩa của văn bản văn học, ta cần đi qua các lớp: đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng chủ đạo...

III. Từ văn bản đến tác phẩm văn học

Nhà văn sáng tác ra văn bản văn học. Khi nằm yên trên giá sách văn bản chỉ là một tập giấy có chữ. Phải thông việc đọc, những giá trị văn học vốn tiềm ẩn trong văn bản mới được người đọc tiếp nhận. Nội dung tác phẩm văn học mới hiện lên đầy đủ trong tâm trí con người.

Ghi nhớ:

Ngày nay một văn bản được coi là văn bản văn học khi:

- Nó phản ánh và khám phá cuộc sống, bồi dưỡng tư tưởng và tâm hồn, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.

- Ngôn từ có nhiều tìm tòi sáng tạo, có hình tượng mang hàm nghĩa sâu sắc, phong phú.

- Được viết theo một thể loại nhất định với những quy ước thẩm mĩ riêng: truyện, thơ, kịch...

- Văn bản văn học mang nhiều tầng lớp: ngôn từ, hình tượng, hàm nghĩa. Đi sâu vào các tầng lớp đó ta mới hiểu được văn bản văn học.

LUYỆN TẬP

1. Về bài thơ Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi.

- Bài thơ văn xuôi Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi có hai đoạn rõ rệt. Chỉ cần nhìn vào văn bản ở sách giáo khoa là nhận ra ngay. Hai đoạn thơ chừng như đối xứng nhau về cách cấu trúc câu: câu mở đầu và câu kết của mỗi đoạn.

- Theo lô-gic thông thường, người yếu đuối tìm “nơi dựa” ở người vững mạnh. Nhưng trong bài thơ này thì như ngược lại, người mẹ trẻ đẹp lại dựa vào đứa bé bước còn chưa vững. Người chiến sĩ dạn dày chiến đấu lại dựa vào cụ già còng lưng từng bước run rẩy trên đường. Các hình tượng ấy khiến người đọc nghĩ suy về “nơi dựa”. Nơi dựa trong bài thơ là nơi dựa tinh thần, là chốn mà con người tìm thấy niềm vui sống. Tình yêu, trong đó có tình yêu đối với con cái, tình yêu đối với cha mẹ, và những bậc tiền bối khác, chính là nơi dựa vững chắc của con người. Ở đời, người ta sống với lòng mong mỏi hướng vọng về ngày mai, về tương lai và lòng tri ân quá khứ. Chính những tình cảm ấy tạo nên nét đẹp nhân văn của con người, giúp con người vượt qua mọi trở ngại, khó khăn.

Ngần đó đủ thấy Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi là một tác phẩm văn học với ngôn từ có tính sáng tạo nâng lên thành những hình tượng. Các hình tượng này thể hiện được những thể nghiệm sâu sắc về cuộc sống.

2. Về bài thơ Thời gian của Văn Cao

Mở đầu bài thơ là sức mạnh tàn phá của thời gian:

Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỉ niệm trong tôi

Rơi

như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn

“Qua kẽ tay” thời gian trôi lặng thầm, trôi nhè nhẹ, từ từ tưởng là yếu ớt thế nhưng đã đủ sức để “làm khô những chiếc lá”. “Những chiếc lá” là gì? Nếu mỗi đời người là cây của sự sống, thì những chiếc lá của sự sống chính là những mảnh vụn, mảnh vỡ của cuộc đời. Thời gian trôi qua làm cho những chiếc lá kia khô héo và rơi rụng xuống đời. Từ đó, những kỉ niệm của đời người cũng chìm lắng xuống cõi lãng quên biệt vô tăm tích, “rơi/như tiếng sỏi/trong lòng giếng cạn” là như thế. Đúng là sức mạnh tàn phá của thời gian đã khiến cho cả cuộc đời và những kỉ niệm của đời người đều bị tàn phai, lãng quên.

Phần sau bài thơ với các câu 5, 6, 7 còn lại nói về những điều có sức sống mạnh mẽ tồn tại được với thời gian khắc nghiệt:

Riêng những câu thơ

còn xanh

Riêng những bài hát

còn xanh

“Những câu thơ, những bài hát” là gì? Là văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật nếu đạt đến mức độ tuyệt vời thì sẽ bất tử, bất chấp cả thời gian nghĩa là sẽ tươi xanh mãi mãi. Thành Thăng Long xưa hư nát chỉ còn chút phế tích và di tích, nhưng những áng hùng văn như Sông núi nước Nam, Hịch tướng sĩ, Đại cáo bình Ngô, Phú sông Bạch Đằng vẫn tồn tại vĩnh hằng.

Khép lại bài thơ là câu kết:

đôi mắt em

như hai giếng nước.

“Đôi mắt em” chính là đôi mắt người tình, là kỉ niệm tình yêu. “Giếng nước” (không phải là giếng cạn) nước đầy gợi lên được những gì ngọt lành trong mát.

Như thế, với sức mạnh tàn phá của thời gian, mọi thứ đều bị xóa nhòa kể cả cuộc đời con người. Chỉ có văn học nghệ thuật và kỉ niệm tình yêu là có sức sống mãnh liệt vĩnh hằng.

3. Về bài thơ Mình và ta của Chế Lan Viên

Đây là một bài thơ do Chế Lan Viên sáng tác nhằm nói lên quan niệm của mình về văn học nghệ thuật.

Hai câu đầu:

Mình là ta đấy thôi, ta vẫn gửi cho mình,

Sâu thẳm mình ư? Lại là ta đấy!

Mình ở đây là người đọc và ta ở đây là nhà văn, nhà thơ. Hai câu thơ thể hiện mối quan hệ thân thiết giữa mình và ta nghĩa là giữa bạn đọc và người viết. Chốn sâu thẳm của tâm hồn mình, tâm hồn người đọc cũng là chôn sâu thẳm tâm hồn mà nhà văn, nhà thơ, người viết nhắm tới để thể hiện. Cũng do mối quan hệ tương thông và tương đồng đó, nhà văn, nhà thơ, người viết mới có thể tiêu biểu cho tâm hồn dân tộc, có thể sáng tác nên những bản hùng ca, tráng khúc của đất nước.

Hai câu còn lại:

Ta gửi tro, mình nhen thành lửa cháy,

Gửi viên đá con, mình dựng lại nên thành.

Đây là hai câu thơ nói rõ quan niệm của Chế Lan Viên về văn bản văn học và tác phẩm văn học trong tâm trí người đọc. Theo tác giả, viết không nên nói hết, không nên cạn ý cạn lời, mà nên dành cho người đọc cơ hội để tái tạo lại, tưởng tượng thêm, cảm xúc nghĩ suy rộng hơn, thế giới nghệ thuật được mở ra từ văn bản: từ tro nhen lên lửa, từ viên đá con dựng lại nên thành.

Viết bình luận