Soạn bài: Tuần 29 - Truyện Kiều (tiếp theo - Trao duyên)

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Vị trí của đoạn trích

Gia đình Thuý Kiều bị thằng bán tơ vu oan giá hoạ. Bọn sai nha nhân cơ hội đó gây nên vụ án oan sai. Tài sản gia đình bị vơ vét hết, Thuý Kiều đành phải chấp nhận hi sinh mối tình với Kim Trọng, bán mình lấy tiền đút lót cho bọn sai nha để cứu cha và em khỏi những đòn tra khảo dã man. Việc bán mình thu xếp đã xong xuôi, đêm trước khi đi theo Mã Giám Sinh, Thuý Kiều đã ngồi trắng đêm nghĩ đến phận mình và tình yêu, rồi nàng nhờ em gái mình là Thuý Vân thay mình kết duyên cùng Kim Trọng. Đoạn trích Trao duyên trích từ câu 723 dến câu 756 của Truyện Kiều.

2. Đoạn trích Trao duyên thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Thuý Kiều. Qua cái nhìn hiện thực và nhân đạo của Nguyễn Du, Thuý Kiều hiện ra không chỉ với tư cách “con người hoàn thành bổn phận” mà còn thiết tha với tình yêu, với cuộc sống riêng tư của mình. Cách nhìn mới mẻ này, vượt ra khỏi những khuôn mẫu giáo huấn cứng nhắc của Nho giáo thời bấy giờ.

3. Đoạn trích cũng đồng thời cho thấy tài năng xuất sắc của Nguyễn Du trong việc khám phá và thể hiện những quy luật nội tâm sâu sắc của con người.

II - HUỚNG DẪN ĐỌC - HlỂU VĂN BẢN

1. Trong Truyện Kiều, đã có rất nhiều lần Thuý Kiều phải đứng trước những quyết định khó khăn, nhưng có lẽ không có quyết định nào khiến nàng phải dằn vặt nhiều như lúc nàng trao duyên cho Thuý Vân. Có thể nói đó chỉ là một màn trao duyên về hình thức bởi Kiều trao duyên cho em mà dường như cái tình đối với Kim Trọng như càng thêm sâu nặng. Trong khi nói với Thuý Vân, Kiều tưởng mình đang sống lại không khí của đêm thề nguyền thiêng liêng. Kỉ niệm nào cũng gợi nỗi nhớ, kỉ vật nào cũng phong kín nghĩa tình sâu nặng của Thuý Kiều. Kiều sống bằng hồi ức, trong hồi ức nên thấy tất cả đều đẹp, nhưng không thể níu lại.

Kiều cấm thấy đớn đau khi đem kỉ vật riêng tư ra san sẻ... Cuộc trao duyên của Kiều xuất phát từ tâm thế chia li tuyệt vọng đã biến thành một cuộc vật lộn, giằng xé với chính mình. Nó cho thấy, trong tâm hồn Kiều, những kỉ niệm đẹp đẽ về tình yêu với chàng Kim có một sức sống mãnh liệt.

2. Tinh yêu tan vỡ, đớn đau và tuyệt vọng, Kiều nghĩ nhiều đến cái chết, cái chết của cuộc đời riêng tư và cái chết định mệnh của kẻ tài hoa. Kiều hình dung ra thân phận mình qua mẫu hình bạc phận của Đạm Tiên: “Trông ra ngọn cỏ lá cây - Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”... Các từ ngữ “hồn”, “dạ đài”, “người thác oan”,... thể hiện sự ám ảnh về cái chết, nói về cái chết đau thương. Qua lớp từ ngữ cùng trường nghĩa đó, ta thấy sự băn khoăn day dứt của Nguyễn Du trước nỗi đau của con người. Nó là tiếng nói thương thân xót phận cho người con gái tha thiết yêu thương nhưng số kiếp lại vô cùng nghiệt ngã đã cướp đi tất cả những ước mơ tốt đẹp của nàng.

3. Xét về hình thức, ta thấy toàn bộ đoạn trích là lời thoại của Kiều nói với Thuý Vân. Tuy nhiên có lúc, ta lại như thấy nàng đang đối thoại với Kim Trọng:

Trăm nghìn gửi lạy tình quân,

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!

Phận sao phận bạc như vôi!

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Cũng có khi nàng tự nói với chính mình (những từ ngữ và hình ảnh gợi lại kỉ niệm tình yêu hoặc những câu như: “Hồn còn mang nặng lời thề - Nát thân bồ liễu đền nghỉ trúc mai”; “Bây giờ trâm gãy gương tan - Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”... đều là những lời tự nói với chính mình). Việc chuyển đổi đối tượng trong đối thoại của Thuý Kiều đã giúp ta nắm bắt được những biến chuyển tâm lí một cách tinh tế của nhân vật.

Thuý Kiều mở đầu màn trao duyên bằng những lời ràng buộc Thuý Vân nhưng nếu đoạn trích chỉ đơn thuần là những lời căn dặn Thuý Vân thì chắc chắn cảm xúc của Thuý Kiều không đạt tới cao trào, bi kịch thân phân và tình yêu của nàng không lên đến đỉnh điểm và nhân cách cao đẹp của Kiều cũng không có điều kiện bộc lộ. Kiều trao duyên mà tình thì không trao được, càng không thể nói hết nỗi lòng đớn đau, tuyệt vọng, nuối tiếc, xót xa,... của mình khi trước mắt mình chỉ có Thuý Vân. Kiều trao duyên mà dường như càng muốn níu kéo nó mạnh mẽ hơn. Vì thế phần hay nhất trong đoạn trích chính là những lời mà Kiều nói với bản thân mình. Đó là những dàn vặt đau nhói tân tâm can mà không dễ gì có ai chia sẻ được.

Nó lí giải tại sao càng về cuối đoạn, Kiều càng rã rời đi. Đớn đau, tuyệt vọng không cùng, nàng chỉ còn nghĩ đến một cái chết thật đau thương tủi khổ. Nhưng rồi ngay trong lúc khốn khổ không cùng ấy, nàng vẫn tự nhận tất cả những lầm lỗi về mình, nhận rằng chính mình là người đã “phụ tình chung" (lời đối thoại hướng đến Kim Trọng):

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Cái tình của Thuý Kiều sâu sắc và cao thượng chính là vì thế.

4. Nguyễn Du khắc hoạ tính cách Kiều qua rất nhiều tình huống mâu thuẫn. Trước mâu thuẫn tình - hiếu, ta thấy Kiều chấp nhận hi sinh tình yêu trong trắng của mình. Đứng giữa một bên tình một bên nghĩa, Kiều nhận thức được sự tất yếu phải nhờ em trả nghĩa chàng Kim. Có lúc Kiều hành động thiên về bổn phận có khi nàng ứng xử nghiêng về nghĩa tình. Kiều tỉnh táo để chấp nhận mệnh bạc. Kiều day dứt đớn đau vì sống trọn vẹn, sâu sắc với tình yêu đầu đời. Kiều được sống chân thực và tự nhiên với tất cả đời sống tình cảm của con người. Nguyễn Du không biến Kiều thành một tấm gương đạo đức đơn giản.

Viết bình luận