Soạn bài: Đề văn thuyết minh và cách làm bài văn thuyết minh

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Đề văn thuyết minh

Đề văn thuyết minh ở đây được hiểu là đề bài tập làm văn được các thầy (cô) giáo nêu ra trong các giờ tập làm văn trong nhà trường. Vì kiểu văn bản thuyết minh là kiểu văn bản các em mới được làm quen, vì vậy để biết được cách viết bài văn thuyết minh đúng với yêu cầu của đề bài, các em cần phải hiểu được cách cấu tạo của loại đề bài này.

Ở dạng đầy đủ, đề bài tập làm văn này thường bao gồm hai phần:

- Phần nêu đối tượng phải thuyết minh.

- Phần nêu yêu cầu thuyết minh.

Ví dụ: Vải thiều là loại vải ngon nổi tiếng của đất Hải Dương. Em hãy giới thiệu loại vải này với khách du lịch đến thăm đất Hải Dương quê em.

Trong đề bài trên:

- Phần nêu đối tượng phải thuyết minh là: Vải thiều là loại vải ngon nổi tiếng của đất Hải Dương.

- Phần nêu yêu cầu thuyết minh là: Em hãy giới thiệu loại vải này với khách du lịch đến thăm đất Hải Dương quê em.

Cũng có thể, trong đề bài tập làm văn, thầy (cô) giáo chỉ cần nêu đối tượng phải thuyết minh mà không cần phải nêu yêu cầu thuyết minh. Lúc này các em phải giải thích, giới thiệu hoặc trình bày cho rõ, cho tường tận về đối tượng đó.

Ví dụ:

- Một gương mặt trẻ của thể thao Việt Nam.

- Chiếc áo dài Việt Nam

- Bánh chưng ngày Tết

- Vịnh Hạ Long

- Bến cảng Nhà Rồng

- Một loại động vật quý hiếm cần phải bảo vệ

- Một trò chơi dân gian được nhiều người yêu thích

- Một lễ hội dân gian

2. Cách làm bài văn thuyết minh

a) Để làm bài văn thuyết minh cần hiểu rõ:

- Viết về đối tượng nào (vật, việc, người, hiện tượng,...)

- Các tri thức cần thiết phục vụ cho việc thuyết minh (về cấu tạo, đặc tính, màu sắc, hình dáng, ích lợi,... của đối tượng cần thuyết minh).

- Phương pháp thuyết minh cần phải sử dụng để giúp người đọc hiểu tường tân, cụ thể về đối tượng.

- Ngôn từ sẽ sử dụng thuộc loại nào: khoa học, thường thức khoa học, biểu cảm,...

b) Bố cục

Một bài văn thuyết minh thông thường cũng tương tự những bài văn các em vẫn làm trong nhà trường, gồm ba phần:

- Phần Mở bài: giới thiệu đối tượng thuyết minh.

- Phần Thân bài: trình bày chi tiết, cụ thể, rõ ràng về đối tượng. Sự trình bày này có thể tập trung vào những đặc điểm nổi bật, dễ thấy hoặc những nét độc đáo, riêng biệt của đối tượng.

- Phần Kết bài: Bày tỏ thái độ của người viết đối với đối tượng.

c) Cách viết

Văn bản thuyết minh cần nhất là ở sự giải thích, thuyết minh bằng những tri thức chính xác với lời lẽ gãy gọn, khúc chiết. Văn thuyết minh không lấy mục đích là sự diễn đạt giàu hình ảnh, ngôn ngữ sinh động với những biện pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, đảo ngữ, trùng điệp cú pháp. Nhưng nói như vậy cũng không có nghĩa là văn thuyết minh thì khô khan, thuần lí trí, thuần trí tuệ. Trong những trường hợp nhất định, với những đối tượng thuyết minh khác nhau, lời lẽ thuyết minh cũng có những sự thay đổi nhất định. Khi cần thiết, thuyết minh có thể kết hợp với miêu tả, thậm chí với tự sự, để lời văn có sức hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc. Chẳng hạn như với các đối tượng miêu tả là những danh lam thắng cảnh, những hoa thơm trái ngọt, những đối tượng gắn với đời thường như chiếc áo dài, cái nón trắng,... ta có thể dùng phương pháp ấy. Ngược lại, trong những trường hợp đối tượng thuyết minh là những hiện tượng khoa học thì sự khô khan không thể tránh khỏi. Cái hay, cái đẹp của văn bản thuyết minh lúc này lại là ở sự chính xác, rõ ràng.

Có sự khác biệt trong cách viết của văn thuyết minh với các loại văn khác là do mục đích của văn bản quyết định. Ví dụ, văn bản miêu tả nhằm tái hiện con người, sự vật, hiện tượng trong đời sống thực tế, giúp người đọc, người nghe cảm nhận được chúng dưới góc độ thẩm mĩ, thấy chúng hiện lên như chúng vốn có ; trong khi đó, văn thuyết minh lại giúp cho con người có tri thức, có hiểu biết chính xác, đầy đủ về chúng. Trong văn bản nghị luận, chúng ta thấy có giải thích nhưng giải thích là để nhằm bàn bạc, trao đổi về sự vật, hiện tượng theo một quan điểm nào đó theo cách hiểu của người giải thích, bình luận ; trong khi đó, giải thích trong văn bản thuyết minh lại là trình bày những hiểu biết của người viết về chính sự vật, hiện tượng ấy. Có hiểu được điều này, khi viết, chúng ta mới chọn được cách viết thích hợp, mới đạt được mục đích văn bản.

II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Các em lập dàn ý và viết bài giới thiệu Chiếc nón lá Việt Nam theo những gợi ý trong sách giáo khoa.

2. Dưới đây, các em có thể tham khảo cách viết bài giới thiệu Chiếc áo dài Việt Nam để viết bài tập làm văn trên của mình.

ÁO DÀI VIỆT NAM

Cho đến trước ngày giải phóng Thủ đô (1954), phụ nữ vẫn theo phong tục cũ: ra đường phải mặc áo dài, dù là người giàu hay người nghèo, dù đi lâu hay chóng, gần hay xa.

Ở Hà Nội vào những năm 30, từ những tấm áo dài cổ điển dân tộc, có phần nào cổ lỗ, hoạ sĩ Cát Tường đã cách tân, biến tấm áo dài cũ thành áo dài kiểu mới, gọi là “áo tân thời”. Thứ có cổ áo cao, thứ không cổ, còn khoét thêm cho rộng để ngầm khoe cái cổ trắng nõn, hoặc cổ cao ba ngấn. Tà trước không mở mà giữ kín, chỉ cài cúc ở phía bên phải. Tấm áo “tân thời” đó vẫn mang những nét cơ bản cho đến hôm nay. Nhưng thời đó, tấm áo ấy vẫn còn rất ít người mặc, chủ yếu là con nhà giàu sang, sinh viên, “các cô, các mợ”,... .

Tấm áo dài cổ, loại từ xưa để lại có cái khác. Sang trọng ngày hội, ngày lễ, ngày tết,... có áo mớ ba mớ bảy, là loại áo mặc nhiều cái chồng lên nhau với nhiều màu khác nhau.

Áo dài thường ngày giản dị hơn. Đi chợ, đi làm, đi buôn bán chỉ là tấm áo tứ thân, nghĩa là bốn khổ vải dọc. Riêng hai thân trước mở ở giữa, và thắt nút hai vạt lại với nhau, khi chỉ hờ hững thắt trễ tràng một nút, hoặc vội vã, cần chắc chắn hơn, thì thắt con đo lỏng lẻo để gió không tốc tung lên, kẻo bị chê là không đứng đắn.

Vài năm trở lại đây, sau mấy chục năm bị quên lãng, áo dài được xuất hiện trở lại. Thật đẹp và thật vui. Các cô nhân viên tiếp tân, bưu điện, một số cửa hàng, nhất là ngày lễ, ngày tết... làm đường phố tươi đẹp, sinh động hẳn lên. Giờ tan trường các nữ sinh với tấm áo dài trắng như bướm bay phấp phới trên đường phố khiến nhiều người bồi hồi trước tuổi trẻ được chăm sóc chu đáo, và nhớ lại dăm chục năm trước, những tấm áo dài nữ sinh như thế đã làm mê mệt bao chàng trai thành phố. Với nữ sinh, có lẽ vẫn là màu trắng, tinh khiết. Nhưng nghịch mắt nếu một cô nào muốn khoe cái ba lô quai đen mới mua được, đem quàng qua vai, thay cho chiếc cặp ôm trước ngực. Đây là những nét phá nhau, nó không còn là mốt nữa mà là phản mốt. Áo dài là sự mềm mại, mỏng manh, nó không chấp nhận cái ba lô mang dáng du lịch ôm đồm, tất bật và cứng đờ.

Năm 1993, váy đầm các loại phát triển rầm rộ. Cũng là mốt. Không sao cả. Nhưng xét ra, tấm áo dài, từ áo mớ ba mớ bảy, áo đổi vai, áo đồng lầm, áo tân thời, đến nay chỉ đơn thuần là tấm áo dài, ngắn một chút theo kiểu miền Nam hay dài hơn theo kiểu Hà Nội, tay thụng hay tay lửng, cổ cao hay cổ rộng, để trơn hay vẽ hoa... vẫn là nét đẹp Việt Nam.

Mong sao tấm áo dài được có mặt nhiều hơn nữa, làm cuộc sống tươi vui lên.

(Theo Băng Sơn, trong tạp chí Thời trang, số 1/1993)

Viết bình luận