Soạn bài: Bài 9 - Viết bài làm văn số 2 - Văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm (làm tại lớp)

Đề 1: Hãy kể về một kỉ niệm đáng nhớ của em đối với một con vật nuôi mà em yêu thích.

Đề 2: Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến thầy, cô giáo buồn.

Đề 3: Kể về một việc em đã làm khiến bố mẹ rất vui lòng.

Đề 4: Nếu là người được chứng kiến cảnh lão Hạc kể chuyện bán chó với ông giáo trong truyện ngắn của Nam Cao thì em sẽ ghi lại câu chuyện đó như thế nào?

Đề 5: Hãy kể một câu chuyện đáng nhớ nhất đối với em đã xảy ra trong tuần qua.

BÀI VĂN THAM KHẢO (Đề 5)

Từng đợt gió thổi như quất vào người tôi. Kéo lại chiếc cổ áo, tôi co người lại. Đang bước vào nhà bỗng có tiếng “choang” từ nhà bên vọng sang. Tiếng đổ vỡ đó làm tôi thấy lạnh thêm. Nó gợi lại trong tôi một kỉ niệm đáng nhớ trong tuần qua.

Hôm đó là một ngày rét nhất trong tuần. Buổi sáng, bố mẹ đi làm chỉ còn mình tôi với con Cún ở nhà. Mẹ có dặn tôi phải rửa ấm chén cho sạch rồi dọn nhà cửa. Từ trên giường lăn xuống đất, tôi rét run lên cầm cập. Cún từ trong buồng ngoe nguẩy đuôi chạy ra nhảy lên lòng tôi. Tôi âu yếm vuốt ve nó. Đó là một con chó rất đáng yêu. Mùa hè, mỗi khi tôi đi học về muộn lại thấy chú đứng ở cổng vẻ rất “sốt ruột”. Ở nhà bao giờ cũng chỉ có mình tôi và nó nhưng mà vui đáo để. Nó thường nô đùa với tôi. Hiếm có một con chó nào thông minh như nó. Cún quấn lấy chân tôi, chạy theo tôi ra cửa. Chờ tôi đánh răng rửa mặt xong, nó lại theo tôi vào. Nó quấn quít với tôi suốt cả ngày. Tôi bắt đầu lôi vải ra may cho nó một cái nơ. Loay hoay suốt cả buổi sáng tôi mới làm xong. Tôi cẩn thận buộc vào cổ cho nó, trông nó lúc này thật ngộ nghĩnh. Nó vui mừng ra mặt. Tôi với nó nô đùa mãi cho tới khi mệt lử. Liếc nhìn đồng hồ, tôi giật mình: đã 10 giờ rồi. Mẹ sắp về. Tôi vội vàng thu dọn nhà cửa. Lúc đó Cún nằm ngoan ngoãn cho tôi dọn. “Ái còn rửa cốc chén”, tôi chợt nhớ. Vội vàng, tôi chạy xuống múc nước lên. Con Cún tưởng tôi đùa, nó cũng chạy theo đùa giỡn. Tôi bực lắm, cố đuổi nó ra, nhưng tưởng tôi đùa nó lại tiếp tục nhảy lên. Đang rửa, tôi quay ra định vụt nó nhưng tay lại lôi chiếc khăn trải bàn. Thế là “choang" - Một chiếc đĩa rơi xuống. Tôi sợ quá, cúi nhìn. Chiếc đĩa bằng pha lê rất quý do ông nội tôi để lại. Sợ quá, tôi đã khóc. Con Cún trông thật tội nghiệp. Nó cúp tai xuồng nằm im. Lúc đó tôi nhìn nó mà chỉ muốn đánh nó thật nhiều.

- Hoa ơi! Mở cửa cho mẹ với!

Tôi lo lắm, đầu rối bời lên. Tôi từ từ ra mở cửa cho mẹ. Trông thấy tôi giàn giụa nước mắt, mẹ hỏi:

- Con làm sao vậy?

- Dạ... dạ... cái đĩa pha lê bị... v...ỡ.

- Sao? Ai làm vỡ?

Giọng mẹ tôi nghiêm lại. Không kịp suy nghĩ, tôi trả lời:

- Con... Cún.

Dắt xe vào nhà, mẹ tôi lấy cán chổi đánh con Cún. Tôi thấy thương nó quá mà không làm gì được. Tại tôi cơ mà? Ánh mắt nó ngơ ngác như muốn hỏi tôi: '‘Tại sao mẹ lại đánh em?”

- Tối nhốt nó ngoài sân.

- Ơ mẹ... ơi... đừng...

- Đừng cái gì? Cho vào trong nhà để nó phá à!

Tôi biết mẹ rất giận bởi vì cả bộ đĩa có năm cái. Trước khi mất, ông để lại cho mỗi gia đình một chiếc và dặn bố:

- Cố gắng giữ đủ nghe con!

Thế mà tôi đã làm vỡ. Cả ngày hôm đó tôi cứ thấy trong lòng day dứt, bồn chồn. Con Cún không nô đùa như mọi ngày nữa, nó nằm im, mắt buồn buồn. Nó nhìn tôi với ánh mắt rất lạ. Đêm hôm đó, trời rét như cắt da cắt thịt. Gió từng trận ào ào quật vào lá chuối. Tôi đã xin nhưng mẹ bảo:

- Con không biết mẹ buồn thế nào đâu!

Tôi lẳng lặng lên giường nằm. Tôi không thể nào nhắm mắt nổi. Tiếng con Cún sủa ầm ĩ, nó cào cửa đòi vào. Chắc nó rét lắm! Nhớ lại ánh mắt nó, tôi thấy mình có lỗi vô cùng. Tôi ôm lấy mẹ khóc:

- Mẹ ơi! Hãy tha lỗi cho con!

- Có chuyên gì vậy? - Mẹ từ tốn hỏi.

- Mẹ ơi, nếu con có lỗi mẹ có tha thứ cho con không?

- Sao không hả con?

Giọng mẹ vẫn dịu dàng làm tôi bối rối. Tôi kể hết cho mẹ nghe.

- Mẹ ơi, mẹ cứ đánh con đi nhưng mẹ đừng để Cún ở ngoài.

- Con ạ, chuyện gì đã xảy ra thì cứ để cho nó trôi qua. Mẹ không giận con đâu, con biết lỗi vậy là tốt, con ạ!

Mẹ đứng dậy ra mở cửa. Còn tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn. Bật đèn, tôi bước xuống giường. Con Cún đi vào, người nó run, lạnh cóng. Tôi ôm nó vào lòng ủ ấm.

- Cún ơi, hãy tha lỗi cho tao nhé!

Rồi tôi cùng mẹ đốt lò sưởi ấm cho nó. Trong ánh lửa tôi thấy ánh mắt nó sáng lên, cái đuôi ngoe nguẩy, đầu nó dụi dụi vào lòng tôi. Đưa tay tôi vuốt ve bộ lông mượt của nó. Đôi mắt nó lim dim mơ màng.

(Trần Thị Tuyết Minh - Trường THCS Trần Đăng Ninh, Nam Định)

Đề bài: Em hãy kể về một người bạn học cùng lớp.

Bài tham khảo 1

Người mà tôi muốn giới thiệu với các bạn là một học sinh giỏi toàn diện của lớp 6A trường Võ Trường Toản, bạn Nguyễn Thị Thùy Linh.

Thùy Linh có dáng người nhỏ nhắn, thon thả. Làn da trắng mịn với đôi mắt bồ câu trong sáng, tạo nên cho bạn một gương mặt vừa đẹp lại vừa thông minh.

Thùy Linh là một cô bé vui tính, hay hát. Giọng hát của Thùy Linh ngọt ngào, ấm áp, chính vì thế mà bạn được mệnh danh là "con chim sơn ca của lớp". Những buổi sinh hoạt lớp, Thùy Linh thường hát tặng chúng tôi những bài hát của nhạc sĩ Phạm Trọng cầu, làm cho buổi sinh hoạt lúc nào cũng sinh động, vui nhộn.

Thùy Linh học giỏi đều các môn, nhưng môn học mà Linh thích nhất là môn toán. Trong các tiết luyện tập ở lớp, Linh thường xung phong lên giải. Các cách giải của Linh đều rất độc đáo khiến cho cả lớp đều ngạc nhiên và phục tài thông minh của cô bạn xinh đẹp này.

Mặc dù học giỏi nhưng chưa bao giờ Linh chủ quan, kiêu ngạo. Gặp những đề văn hay toán, Linh đều suy nghĩ cẩn thận rồi mới bắt tay vào làm. Tính cẩn thận đó càng được thể hiện rõ hơn khi nhìn vào tập vở của Linh. Tất cả đều được bao bọc cẩn thận, chữ viết thì nắn nót, nét nào ra nét đó, thật hoàn hảo. Chả thế mà cô giáo chủ nhiệm đã phân công bạn làm trưởng ban biên tập tờ báo tường của lớp.

Linh không chỉ là một cô bé thông minh, học giỏi mà còn là một người chăm làm. Việc gì đến tay bạn đều được bạn hoàn thành một cách chu đáo. Ở nhà, Linh là một người con ngoan. Ngoài giờ học, Linh còn giúp đỡ bố làm những việc trong gia đình. Hoàn cảnh gia đình Linh thật éo le: mẹ mất sớm, Linh phải thay mẹ chăm sóc em và động viên bố.

Đối với bạn bè, Linh sống hòa đồng, gần gũi với mọi người, ai cần gì Linh đều sẵn sàng giúp đỡ. Sự bao dung, độ lượng trong tình cảm của Linh khiến mọi người trong lớp đều quý mến bạn.

Linh là một người bạn tốt, một tấm gương sáng, xứng đáng là một đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, một cháu ngoan Bác Hồ.

(Nguyễn Thị Kim Dung)

Bài tham khảo 2

Tâm vừa là bạn thân ở trường, vừa là người bạn hàng xóm gần gũi của em. Đó cùng là người bạn mà cả lớp em đều quý mến.

Tâm cũng trạc tuổi như chúng em. có vóc dáng trung bình và khỏe mạnh, rắn chắc. Khuôn mặt Tâm tròn, sáng-sủa với vầng trán rộng thông minh. Đôi mắt Tâm sáng long lanh, luôn nhìn thẳng vào người đối diện, thể hiện bản chất ngay thẳng, đôi má đầy đận. hồng hào. Tâm có nụ cười rất tươi, mỗi khi cười để lộ hai hàm răng đều đặn, trắng bóng. Mái tóc đen mướt lúc nào cũng được cắt ngắn gọn gàng và sạch sẽ.

Ở trường. Tâm học rất chăm chỉ và luôn là người đứng đầu lớp. Lúc nào Tâm cũng tỏ ra bình tĩnh khi được cô giáo hỏi bài. Đối với bạn bè, Tâm nhiệt tình giúp đỡ mỗi khi bạn gặp khó khăn trong học tập. Bạn đối xử vui vẻ với mọi người, đặc biệt là chưa bao giờ em thấy bạn nổi nóng với bất cứ ai. Tuy học giỏi, được bạn bè và thầy cô thương mến nhưng Tâm không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo.

Ở nhà, Tâm là một người con ngoan. Ngoài việc học tập, bạn còn giúp bố mẹ đóng sách thuê kiếm thêm tiền. Tâm siêng năng trong công việc và sáng ý nên gấp, đóng sách rất nhanh. Số tiền kiếm được. Tâm trích một phần mua sách vở tặng các bạn nghèo trong lớp.

Tâm sống rất điều độ và ngăn nắp: giờ chơi ra chơi, giờ học ra học. Bạn sắp xếp thời gian rất khéo để vừa có thời gian học tập, vừa có thời gian phụ giúp gia đình, vừa có lúc rảnh rỗi luyện tập thể thao và vui chơi cùng bạn bè. Tâm chơi đùa rất hăng say, bày ra nhiều trò mới lạ thu hút bạn cùng chơi. Bạn còn là một thủ môn "có bàn tay vàng” tuyệt vời của đội bóng đá trường em.

Không riêng gì em, cả lớp ai cũng yêu quý Tâm. Em cố gắng học tập những đức tính tốt của Tâm để trở thành một trò giỏi, con ngoan cho cha mẹ vui lòng.

(Nguyễn Thị Kim Dung)

Đề bài: Em hãy tưởng tượng một kết thúc khác cho truyện Tấm Cám và kể lại.

Bài tham khảo.

Từ khi đón được Tấm từ quán hàng nước trở về, nhà vua vô cùng sung sướng, ngày đêm quấn quýt bên người vợ trẻ, lòng lâng lâng như sống trong mơ.

Nhưng cũng từ ngày bị vua bỏ rơi, lạnh nhạt, Cám đã thấy buồn tủi trong lòng. Nay lại thấy Tấm về xinh đẹp, hạnh phúc hơn xưa thì lòng ghen tức của Cám lại sôi lên sùng sục. Như mọi lần, Cám lại về nhà mách mẹ. Mẹ Cám bảo:

- Yên trí đi! Ta sẽ làm giỗ cha con, rồi lại gọi Tấm về trèo cau như trước, rồi lại chặt cây cho nó toi mạng một lần nữa. ,

Cám bảo mẹ:

- Nhưng nó có chết đâu! Nó lại được biến thành vàng anh, thành xoan đào, thành quả thị rồi trở về thành hoàng hậu đấy thôi!

- Vậy, chỉ còn một cách, là con phải đẹp hơn nó. Mà muốn đẹp thì tự mình phải hóa kiếp.

Cám nói:

- Để được đẹp hơn nó, con không sợ gì cả, chết mấy lần con cũng cam lòng! Nói rồi, Cám lập tức hăm hăm hở hở chạy nhào ra vườn, trèo cuống cuồng lên cây cau và rối rít giục mẹ lấy dao chặt. Người mẹ tham lam, thương con nên hóa ngu muội, không biết hay dở, cũng vội cầm dao chặt lấy, chặt để. Cây cau cao vút, nghiêng ngả, vặn mình răng rắc rồi đổ sầm. Cám rơi từ ngọn cây xuống đất, chết tươi.

Nhưng có lẽ vì Cám độc ác quá nên nấm mồ nó đất rắn như gạch nung. Cỏ không mọc được, Cám không thể hóa thành bất kì cái gì, con gì được. Mẹ Cám mỏi mắt chờ đợi con gái hóa thành chim, thành cây, thành cô gái... (như Tấm), nhưng chờ mãi không được, đành chết già bên nấm mộ khô!

(Lê Xuân Anh)

Đề bài: Kể chuyện mười năm sau em về thăm lại trường cũ hiện nay, tưởng tượng những đổi thay có thể xảy ra.

Bài làm

Hơn xiiười năm xa quê, xa mái trường thân thương, nơi đã từng dạy dỗ tôi trong những năm tháng đầu tiên của tuổi học trò, hôm nay, tôi mới có dịp trở về quê hương, trở về ngôi trường yêu dấu với bao kỉ niệm của tuổi ấu thơ. Lòng tôi bồi hồi, xôn xao khó tả. Bao câu hỏi cứ hiện lên trong đầu: “Quê mình bây giờ thế nào nhỉ? Ngôi trường ngày xưa mình học có còn nữa không?...” Rồi tôi mường tượng như mình đang đứng trước cổng của ngôi trường cũ.

Ngôi trường lợp lá ngày nào không còn nữa, thay vào đó là một ngôi trường mới xây, nhìn từ xa những mảng tường trắng, ngói đỏ như những cánh hoa láp lánh.

Tôi bước vào cổng trường, vừa ngỡ ngàng vừa thấy thân quen. Tường vôi trắng, cánh cửa xanh, bàn ghế gỗ cao su nổi vân như lụa. Tôi thấy tất cả đều sáng lên thơm tho trong nắng mùa thu.

Đứng dưới mái trường mới, lòng tôi tràn ngập một niềm vui: vui vì sự đi lên “thay da đổi thịt” của quê hương, vui vì từ nay trẻ em đến trường không còn vất vả như chúng tôi thuở trước. Tôi còn nhớ, mỗi khi có trận mưa lớn, thầy trò phải dồn, bàn ghế lại ngồi sát vào nhau để tránh nước mưa, vì mái lá lâu ngày đã nát hết. Rồi những ngày mùa đông giá rét, gió lạnh từ ngoài thổi vào khiến chúng tôi lạnh buốt đến thấu xương. Giờ đây, cái cảnh đó không còn nữa, lớp học bây giờ ấm cúng, khang trang và đẹp hơn nhiều.

Đang mải ngắm quang cảnh ở trường, bỗng có một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai tôi. Giật mình quay lại, tôi nhận ra thầy Hiệu trưởng. Thầy bây giờ đã già đi nhiều, mái tóc thầy bạc trắng, đôi mắt dường như cũng mờ đi bởi tôi thấy thầy đeo tròng kính rất dầy. Tôi cúi mình chào thầy, thầy khẽ nói:

- Hùng về thăm trường phải không?

Tôi không ngờ thầy nhận ra và nhớ tên tôi. Thật cảm động, tôi nắm chặt tay thầy, không hiểu sao lúc đó hai hàng nước mắt của tôi cứ lã chã rơi. Thầy mời tôi vào phòng Hiệu trưởng. Thầy kể tôi nghe rất nhiều về sự thay đổi của trường. Tôi cũng kể cho thầy nghe về những thành tích mà tôi đã đạt được từ sau khi chuyển trường lên thành phố. Thầy chúc mừng sự thành công của tôi.

Đang mải suy tư với sự tưởng tượng của mình, bỗng xe ô tô hãm phanh dừng lại, tiếng anh lơ xe cất lên:

- Tới bến rồi, xin mời bà con cô bác xuống.

Tôi giật mình nhìn ra, đúng quê mình rồi. Tôi xuống xe và mong tất cả những gì mà tôi vừa tưởng tượng đều trở thành sự thật. Tôi hối hả mong sao cho chóng đến trường.

(Nguyễn Thị Kim Dung)

Đề bài: Em hãy kể về một con chó có nghĩa với chủ.

Bài tham khảo

Ngày xưa có một bác tiều phu nghèo sống ở trong một túp lều gần bìa rừng. Hằng ngày bác vào rừng đốn củi để kiếm sống. Cũng như thường lệ, sau khi bán củi xong bác ra về. Trên đường về nhà, bác thấy một người mang ra bến một con chó bị trói, toan vứt xuống sông. Lấy làm thương hại, bác nông dân vội ngăn lại hỏi duyên cớ. Người ấy cho biết con chó này là của chủ mình. Hôm nay chủ đi chợ về dọn tiệc, không rõ cất đặt thế nào để chó ăn vụng mất cả. Chủ tức giận trói chó đánh một trận thừa sống thiếu chết rồi sai đi vứt xuống sông. Nghe kể thế, bác bèn xin mua lại con chó. Người kia cười mà rằng:

- Nó chỉ chuyên ăn vụng, bác mua về làm gì?

Bác đáp:

- Thây kệ, cứ bán cho tôi.

Bác đưa hết số tiền vừa bán củi, mua lại con chó. Bác cởi trói cho nó. Con chó chạy lon ton phía sau theo bác về nhà.

Hằng ngày, chó vào rừng cùng bác. Trong lúc bác đốn,, củi, chó dùng hai chân của mình đào bới những cây măng tre, củ mài tha đến cho bác. Có hôm nó còn dồn bắt được cả con thỏ rừng. Từ khi có con chó, cuộc sống của bác tiều phu dường như vui vẻ hơn. Suốt ngày con chó cứ quanh quẩn bên bác.

Một hôm, trong lúc bác đang mải mê với công việc của mình, bỗng đâu xuất hiện một con sói xám to lớn, nó xông vào định vồ bác ăn thịt. Sợ quá, bác kêu thét lên. Chó đang đào bới, giật mình khi nghe thấy tiếng kêu của chủ. Nó phóng như bay, tới gần nó thấy con sói đang chực cắn vào cổ bác tiều phu. Không sợ nguy hiểm, chó xông ngay vào cắn sói. Sói đau quá bèn nhả bác tiều phu ra, quay lại đánh nhau với chó. Hai con quần nhau hơn một tiếng đồng hồ, đến khi sói thấy chó nằm bất động và lúc này nó cũng thấm mệt nên đành bỏ đi.

Thấy sói đi rồi, bác tiều phu chạy lại bế chó lên, con chó bị thương rất nặng, trên người nó toàn là vết răng cắn của con sói, máu chảy lênh láng. Bác tiều phu ôm nó vào lòng vừa đi vừa khóc.

Hằng ngày, bác vào rừng kiếm lá thuốc về đắp lên các vết thương của nó. Sau hơn hai tháng, con chó khỏi hẳn. Nó lại lon ton theo bác vào rừng.

Thời gian trôi qua, bác tiều phu nay đã già, lại ốm đau luôn nên không vào rừng kiếm củi được nữa. Công việc trong nhà chỉ còn biết trông cậy vào con chó mà thôi. Chó vẫn vào rừng kiếm măng và củ mài mang về cho bác. Thế rồi một hôm, nó cặp về một cây măng mai rất to, hí hửng chạy lên nhà để khoe với bác. Nó kéo tay mãi không thấy bác tiều phu dậy, rồi dường như nó hiểu một chuyện gì đó xảy ra, nó rú lên một tiếng dài, tiếng rú của nó vang vọng khắp núi rừng. Mấy ngày liền nó chẳng đi đâu, chỉ phủ phục nằm bên cạnh bác.

Khi những người trong làng kéo đến, họ đều lặng đi khi nhìn thấy một cảnh tượng đau lòng. Con chó nằm chết bên cạnh bác tiều phu, đầu nó gối lên cánh tay bác.

(Nguyễn Thị Kim Dung)

Đề bài: Cho sự việc và nhân vật sau đây: Sau khi bán chó, lão Hạc sang báo cho ông giáo biết.

Em hãy đóng vai ông giáo, kể lại giây phút lão Hạc sang báo tin bán chó với vẻ mặt và tâm trạng đau khổ.

Bài tham khảo

Tôi đang ngồi một mình buồn thì thấy bóng lão Hạc lững thững vào cổng. Mừng vì tưởng có bạn trò chuyện thì lão lại xuất hiện với khuôn mặt ủ ê quá chừng.

Tôi chưa kịp hỏi ra làm sao, tiếng lão đã nặng nề:

- Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!

- Cụ bán rồi? - Tôi hơi ngạc nhiên.

Lão nói mà cứ như chực khóc. Tiếng lão như mếu. Đôi mắt lão ầng ậng, nước mắt cứ như chỉ muốn trào ra, khó mà kìm được, thấy lão như vậy nên tôi cũng buồn. Thương lão lắm, lão Hạc ơi!

Tôi hỏi tiếp:

- Thế nó cho bắt à?

Lúc này thì lão khóc thật. Cái đầu lão ngoẹo hẳn xuống cứ như người bị phải gió. Mặt lão nhăn nhó, rúm ró lại, những nếp nhăn dài, liên tiếp trông như những vết nứt nẻ trên mặt đất mùa hanh. Hai hàng nước mắt cứ thế trào ra, ròng ròng hai bên má, tưởng như không ngăn lại được. Cái mồm lão mếu máo, lão khóc hu hu như con nít. Lần đầu thấy cảnh một người đã già mà lại khóc như thế, lòng tôi xúc động, thương xót vô cùng. Chắc trong lòng lão cũng đang đau lắm.

Rồi lão kể chuyện, con Vàng nghe tiếng lão gọi, chạy về ăn cơm như thế nào, rồi sau đó thằng Mục, thằng Xiên xông vào bắt trói bất ngờ cậu Vàng ra sao. Lão đau xót, còn chó Vàng cứ kêu ư ử và nhìn lão như trách lão đã lừa nó. Nó cũng không ngờ lão Hạc có thể lừa nó. Nhìn lão Hạc, nghe lão kể, tôi thấy rõ lão dằn vặt, đau đớn và tự trách mình như thế nào. Tôi đã lựa lời an ủi lão. Tôi thương lão vô cùng. Lão Hạc ơi! Sao cái thân lão khổ đến thế!

(Cao Bích Xuân)

Viết bình luận