Soạn bài: Xa ngắm thác núi Lư (Vọng Lư sơn bộc bố)

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Đời Đường (thế kỉ VII - VIII) ở Trung Quốc xuất hiện một trào lưu thơ ca lớn với hàng ngàn nhà thơ lớn (Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Thôi Hiệu, Tô Đông Pha,...) và hàng vạn bài thơ hay còn lưu lại được. Xa ngắm thác núi Lư là tác phẩm của Lí Bạch, một trong số các nhà thơ Đường nổi tiếng.

2. Thơ Đường luật rất phong phú và đa dạng nhưng tiêu biểu nhất và cũng ảnh hưởng đến thơ ca trung đại nhiều nhất là hai thể thất ngôn bát cú (7 chữ 8 câu) và thất ngôn tứ tuyệt (7 chữ 4 câu).

3. Bài thơ trên được sáng tác theo thể thất ngôn tứ tuyệt gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ, gieo vần ở chữ cuối các câu thứ n hất, thứ hai và thứ tư (hoặc cũng có thể chỉ gieo vần ở câu thứ hai và thứ tư).

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Vọng là. "trông từ xa", dao là "xa". Căn cứ vào hai từ đó cũng có thể thấy rằng tác giả đứng ngắm thác nước từ xa. Từ vị trí này tuy khó miêu tả chi tiết từng cảnh vật nhưng lại có thể quan sát toàn cảnh để có được cái nhìn tổng thể. Cái đẹp của thác nước là cái đẹp được quan sát và miêu tả từ xa.

2. Câu thơ thứ nhất chưa miêu tả thác nước mà chủ yếu nhằm tạo ra một cái nền làm phông cảnh cho đối tượng miêu tả trung tâm. Ánh nắng mặt trời chiếu xuống ngọn núi Hương Lô sinh ra làn khói tía. Thực ra, theo như tên gọi (Lò Hương), sương khói trên đỉnh Hương Lô vẫn có từ trước, nhưng khi được ánh nắng chiếu vào thì cảnh vật ấy càng trở nên lộng lẫy. Lí Bạch như một hoạ sĩ tài hoa, tính tế, đã nắm bắt được cái khoảnh khắc kì diệu khiến cho khung cảnh sáng bừng lên. Trong tư duy thơ của Lí Bạch, chính ánh sáng mặt trời chiếu xuống đã làm nên vẻ đẹp của núi Hương Lô. cần lưu ý rằng câu thơ dịch có chỗ chưa sát. "Nắng chiếu xuống núi Hương Lô sinh ra làn khói tía" được dịch thành "Nắng rọi Hương Lô khói tía bay" thì sự tác động của tia nắng đến làn khói tía không rõ lắm nữa.

3. Các nhà thơ xưa thường nói: "Thi trung hữu hoạ". Câu thơ tiếp theo khắc hoạ một khung cảnh tráng lệ:

Xa nhìn dòng thác treo trên dòng sông phía trước

Chữ quải (treo) không có trong bản dịch thơ nhưng đúng là một "nhãn tự". Từ xa trông lại, dòng thác như một dải lụa trắng treo trên vách núi, phía trên là dòng sông chảy, phía dưới là bọt nước trắng xoá. Các nhà thơ cô thường "lấy động tả tĩnh" nhưng trong bài thơ này, nhà thơ đã lấy cái tĩnh để tả cái động. Không có cái nhìn nghệ thuật của một hoạ sĩ, thật khó có thể hình dung nổi rằng, con thác là nơi dòng sông chảy xiết, dữ dội nhất lại bất động như vuông lụa trắng khổng lồ đang treo trên vách núi phía xa kia.

Đó là từ xa nhìn lại. Khi đến gần thì cái tráng lệ đã thành cái kì vĩ, cái tĩnh lại trở về với cái động vốn có. Nhưng không vì thế mà trí tưởng tượng hết bay bổng. Xúc cảm của nhà thơ chuyển đổi manh mẽ. Từ xa nhìn lại là sự ngưỡng mộ, giờ đến gần, ngước mắt trông lên mà như choáng ngợp, bàng hoàng:

Thác chảy như bay đổ thang xuống từ ba nghìn thước

Trí tưởng tượng được phát huy đến mức tối đa. Dòng nước vừa yên tĩnh, hiền hoà là thế, giờ trút xuống mãnh liệt như không phải từ dòng sông trước mặt mà từ tít trên cao, giữa lưng chừng trời. Liên tưởng mãnh liệt đã biến hiện thực thành ra huyền ảo:

Ngỡ là sông Ngân Hả rơi tự chín tầng mây.

Nhà thơ đúng ở ranh giới giữa thực và ảo ấy. Nghi thị (ngỡ là, tưởng là) không phải dòng sông, không phải thác nước mà chính là dải Ngân Hà với hàng tỉ ngổi sao bỗng dưng lạc khỏi chín tầng trời mà trút xuống. Tình cảm đã lấn át cả lí trí. Lí trí mách bảo rằng đó là dòng thác chứ không phải dải sao đêm (vì ánh nắng còn đang chiếu rọi xuống núi Hương Lô nên không thể có dải Ngân Hà) nhưng xúc cảm nảy sinh từ hình tượng nghệ thuật đã thuyết phục ta tin vào điều đó. Câu thơ thật xứng với tên gọi "thần cú" khi nó gợi lên cảm xúc kì diệu trong lòng nhà thơ và bạn đọc khi chiêm ngưỡng một vẻ đẹp hiếm có trong trời đất.

4. Lí Bạch là một trong số những nhà thơ nổi tiếng nhất đời Đường không chỉ vì tài thơ trác việt. Tâm hồn ông luôn rộng mở, phóng khoáng. Ông yêu và luôn trân trọng, ngợi ca những cảnh đẹp của quê hương đất nước. Những câu thơ của ông vừa mang đậm nét tài hoa vừa thể hiện những tình cảm tha thiết, đằm thắm với thiên nhiên.

5. So với bản dịch nghĩa, bản dịch thơ tuy bỏ qua một số ý làm giảm đi giá trị của bài thơ nhưng cũng rất giàu hình ảnh, thể hiện khá rõ nét xúc cảm, tâm trạng của tác giả và của bạn đọc.

Viết bình luận