Soạn bài: Tập đọc: Hạt gạo làng ta

I. CÁCH ĐỌC

Đọc trôi chảy, lưu loát bài thơ.

Đọc diễn cảm, giọng nhẹ nhàng, tình cảm, tha thiết.

Nhấn giọng tự nhiên những từ ngữ nói đến vị phù sa, hương sen, lời hát, bão mưa, giọt mồ hôi chứa trong hạt gạo và nỗi vất vả của nông dân, những người làm ra hạt gạo.

* Giải thích từ:

- phù sa: nghĩa là cát nổi, nghĩa thường dùng là các chất màu mỡ có chứa trong sông nước.

- tiền tuyến: nghĩa đen là tuyến trước, nghĩa thường dùng là mặt trận.

II. GỢI Ý TÌM HIỂU BÀI

1. Đọc khổ thơ 1, em hiểu hạt gạo được làm nên từ tinh túy của đất, của nước và công lao của con người, của cha mẹ.

2. Những hình ảnh nói lên nỗi vất vả của người nông dân là Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu, / Nước như ai nấu / Chết cả cá cờ / Cua ngoi lên bờ / Mẹ em xuống cấy.

3. Tuổi nhỏ đã thay cho anh ở chiến trường ra tay gắng sức lao động, làm ra hạt gạo tiếp tế cho tiền tuyến. Hình ảnh thiếu nhi “chống hạn vục mẻ miệng gàu, bắt sâu lúa cao rát mặt, gánh phân quang trành quét đất” là những hình ảnh xúc động thể hiện sự nỗ lực của tuổi nhỏ, ý thức trách nhiệm và tấm lòng của các bạn này với tiền tuyến.

4. Tác giả gọi hạt gạo là “hạt vàng” vì hạt gạo rất quý báu. Hạt gạo đã được làm nên nhờ đất, nước, mồ hôi và công sức của mẹ cha và các bạn thiếu nhi.

Hạt gạo đóng góp lớn vào chiến thắng chung của dân tộc ta.

Nội dung: Hạt gạo đã được làm nên từ mồ hôi công sức của mẹ cha, của các bạn thiếu nhi. Đó là tấm lòng của hậu phương góp phần vào chiến thắng của tiền tuyến trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Viết bình luận