Soạn bài: Bài 22 - Luyện tập lập luận chứng minh

Đề bài: Chứng minh rằng nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay luôn sống theo đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”.

Bài tham khảo

Mở bài:

Trong cuộc sống cộng đồng, người Việt Nam chúng ta luôn đề cao đạo lí “Ăn quả nhớ kể trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Đó là một truyền thống tốt đẹp đã được truyền lại là giữ gìn từ xa xưa cho tới bây giờ.

Thân bài:

Vậy thì “Ăn quả nhớ kể trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” là như thế nào? Câu thứ nhất có ý nghĩa như sau: khi ta được hưởng thụ một thành quả nào đó, ta không được quên ơn người đã làm ra nó. Ăn bát cơm phải nhớ ơn người làm ruộng, ăn trái cây phải nhớ ơn người trồng, mặc tấm áo phải nhớ ơn người dệt vải, đọc cuốn sách phải nhớ ơn tác giả, người thợ làm ra giấy và những người làm việc trong nhà in, đi trên một con đường bằng phẳng đẹp đẽ phải nhớ ơn những người công nhân cầu đường đã hai sương một nắng san nền, đổ đá, trải nhựa... Còn “Uống nước nhớ nguồn” khuyên người ta phải luôn nhớ tới gốc gác, cội nguồn của mình.

Trong thực tế cuộc sống, đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “Uống nước nhớ nguồn” luôn được nhân dân ta ghi nhớ và thực hiện. Phần lớn các gia đình ở Việt Nam đã làm lễ cúng giỗ tổ tiên ông bà, cha mẹ. Đó là ngày mà con cháu tập họp lại để nhớ về những người đã sinh ra mình, những người đã có công gây dựng nên dòng họ, gia đình. Cả nước ta có chung ngày giỗ tổ Hùng Vương. Người các nơi kéo về đền thờ vua Hùng ở Phú Thọ để dâng hương tưởng niệm những người đầu tiên đã có công khai sinh ra nước Việt Nam ta. Ngoài ra ở các địa phương đều có các lễ hội riêng. Mỗi lễ hội cũng là dịp để cháu con tưởng nhớ đến công lao giữ nước, dựng nước, bảo vệ làng xã quê hương và xây dựng một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho muôn đời của những vị anh hùng dân tộc, của những người đã có công khai đất, đào sông, lập ấp mở đường...

Ngoài các lễ hội ra chúng ta còn có ngày Thương binh Liệt sĩ để tỏ lòng nhớ ơn những người đã công hiến và hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc, ngày Nhà giáo Việt Nam để tỏ lòng nhớ ơn các thầy giáo, cô giáo đã dạy dỗ chăm lo cho bao thế hệ, ngày Thầy thuốc Việt Nam để nhớ tới công ơn của các bậc “lương y như từ mẫu” đã ngày đêm cứu chữa cho hàng triệu người thoát khỏi bệnh tật hiểm nghèo, ngày Sinh Nhật Bác để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ...

Tất cả những điều trên đều chứng tỏ rằng đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn” đã trở thành một nếp sống quen thuộc của chúng ta, trở thành một điểm nổi bật trong nền văn hóa Việt Nam.

Kết bài:

Là một người Việt Nam, em rất tự hào về truyền thống đạo lí trên đây. Em nguyện góp phần mình vào việc bảo vệ duy trì truyền thống ấy mà trước hết là luôn biết ơn cha mẹ đã sinh thành và nuôi dạy cho em khôn lớn, biết ơn các thầy giáo cô giáo đã dạy dỗ cho em nên người, biết ơn bao người đi trước đã đỗ máu đấu tranh để cho em có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc hôm nay.

II. Thực hành trên lớp: Theo sự hướng dẫn của SGK Ngữ văn 7 tập hai.

CÁC BÀI VĂN THAM KHẢO

Đề bài: Hãy chứng minh rằng bảo vệ sự trong sạch của kênh rạch là bảo vệ chính cuộc sống của em.

Bài làm

Trong cuộc sống hàng ngày, nước rất quan trọng đốì với con người. Nó mang lại nguồn tài nguyên dồi dào. Tại sao chúng ta làm ô nhiễm nguồn nước? Nó là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, mang lại cho ta rất nhiều lợi ích, trong cuộc sống hằng ngày nước phục vụ nhu cầu ăn uống. Nếu như mỗi người đều có ý thức thì nguồn nước ở đất sẽ được sạch sẽ, trong lành. Con người có thể uống được mà thủy sản vẫn dồi dào, sẽ thu hút được nhiều người định cư và phát triển kinh tế. Nước giúp những vườn cây đâm hoa kết trái, tươi tốt xanh quanh năm và muôn thuở. Nước ta là nước trồng lúa cho nên nhu cầu về nước rất cần thiết. Ở nông thôn quanh năm gắn bó với cây cối, nghề nuôi thủy sản (như cá, tôm...) rất phổ biến, cho nên nước rất quan trọng. Bên cạnh đó, những người dân nông thôn lại thiếu ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước, làm cho nguồn nước có thể bị ô nhiễm mạnh, ảnh hưởng tới đời sống. Cho nên mỗi người chúng ta phải biết bảo vệ nguồn nước để nó trong lành, sạch sẽ. Nếu như mỗi chúng ta có ý thức làm sạch nguồn nước thì cuộc sống của chúng ta sẽ văn minh, tiến bộ. Nước rất quan trọng, mang lại nguồn tài nguyên vô tận, cho nên bảo vệ nguồn nước là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.

(Nguyễn Thị Thủy)

Đề bài: Chứng minh rằng bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Bài làm

Ai cũng biết, rừng là tài nguyên vô giá, nó có vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Thế nên ông cha ta mới có câu “Rừng vàng, biển bạc” để khuyên ta biết bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.

Rừng như một cỗ máy kì diệu, nó hấp thu mọi khí độc, bụi bẩn và trả lại không khí sạch sẽ, trong lành. Nó cũng giúp điều hòa khí hậu, như ở những nơi không có rừng hay rừng bị tàn phá. Nơi nào mà có rừng xanh tốt thì khí hậu khô nóng, khắc nghiệt trở thành mát mẻ, dễ chịu. Đây còn là ngôi nhà chung của muông thú đủ loài, nơi chúng chung sống với nhau thoải mái, không bị bàn tay con người làm hại.

Những cây trong rừng là nguồn cung cấp gỗ vô tận cho mọi hoạt động của ta, để làm ra các đồ dùng như bàn ghế, tủ, nhà cửa... rồi còn có những loài cây giúp ta chữa bệnh, sản xuất ra các hóa chất cần thiết. Rừng là nơi ta nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về các loài động vật, thực vật về cội nguồn xa xưa của con người. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, rừng là chỗ trú ẩn của ta, đã góp phần rất lớn cho thắng lợi của dân tộc. Trong thời bình, rừng lại là lá chắn ngăn chặn lũ lụt, thiên tai, bảo vệ tài sản, tính mạng người dân hay là một khu du lịch sinh thái thu hút khách đến thăm, đem đến nguồn thu nhập lớn cho đất nước. Và nhiều nhà thơ, nhà văn lớn đã lấy rừng làm cảm hứng sáng tạo nên nhiều tác phẩm nổi tiếng như bài “Côn sơn ca” của Nguyễn Trãi, “Cảnh khuya”, “Cảnh rừng Việt Bắc” của Bác Hồ... Rừng quả thật quan trọng, quý giá biết bao.

Tuy quý như thế nhưng nhiều người vẫn không coi trọng rừng mà cứ dần hủy hoại nó. Cụ thể là ở nhiều cánh rừng, nạn chặt phá cây lấy gỗ, săn bắt thú quý để kiếm lời vẫn còn nhiều, làm kiệt quệ tài nguyên rừng. Hay việc du canh, du cư của các dân tộc ít người cũng rất có hại. Những người dân này đi đến nơi đâu lại đốt rừng, làm nương rẫy đến đó, rồi khi đất rừng bạc màu họ lại đi đến nơi khác đốt rừng tiếp, cuộc sống vẫn khó khăn mà rừng lại bị mất.

Cuối cùng, rừng bị phá đã gây ra hậu quả xấu cho chính những người làm việc này. Các trận mưa do không có cây cối làm chậm dòng chảy, cứ thế tuôn xuống cuốn theo đất đá gầy nên lũ lụt, cướp đi tài sản, sinh mạng bao người, hay như vụ đàn voi ở Bình Thuận do bị mất chỗ ở, đã tức giận, kéo xuống phá bản làng của người dân, thiệt hại rất lớn về tiền của lẫn con người.

Vì thế, mỗi chúng ta phải cùng nhau góp sức để bảo vệ, phát triển rừng, dù chỉ là những việc rất nhỏ, khuyên mọi người không phá rừng, trồng cây gây rừng.

Nếu ai ai cũng có ý thức tốt về tầm quan trọng của rừng thì hẳn cuộc sống của chúng ta sẽ vô cùng tươi đẹp.

(Lê Xuân Phong)

Đề bài: Chứng minh rằng bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Bài làm

Rừng - một thứ quà tặng vô giá của bà mẹ thiên nhiên đã trao tặng cho chúng ta. Nơi mà chim thú, hoa cỏ sinh sôi, nảy nở. Nơi mà con người chúng ta sinh sống và cũng là nơi làm cho cuộc sống của mọi vật trở nên trong lành, tươi đẹp hơn. Vậy thì bạn ơi! Vì lí do gì mà chúng ta còn không bảo vệ lấy rừng? Bảo vệ lấy rừng chính là bảo vệ cuộc sống tươi đẹp của chúng ta.

Qua các kênh thông tin truyền hình, các sách báo, các cuộc du lịch ngoại khóa... không ai là không biết đến rừng. Rừng không chỉ là một nét đẹp văn hóa, tô điểm cho cuộc sống nhân loại mà còn là một nơi lí tưởng để nghiên cứu, tìm hiểu khoa học, lịch sử...Ở đó các nhà nghiên cứu đã tìm ra không biết bao nhiêu các di vật khảo cổ, các vết tích của con người xưa và rồi ở đó họ nghiên cứu tác dụng của cây cao su, thông, lim, xà cừ... Rừng còn là nơi sinh sống của chim muông, thú vật, cây cỏ...

Trong rừng không chỉ có những loài chim thú thường thấy như cú, sẻ, sâu, gõ kiến, vẹt... rồi hổ, báo, sư tử, thằn lằn, voi, gấu... mà còn có cả những loài thú hiếm như voọc, đười ươi, rắn chuông, khỉ đầu đỏ, gấu trúc, hổ trắng... Rừng là ngôi nhà thân thương nhất của chúng và chỉ khi sống ở rừng chúng mới thực sự có cuộc sống bình thường. Không chỉ có vậy, cây rừng còn có thể cản lũ nước, giữ đất chống xói mòn, giúp cho bao người dân sống quanh vùng sông biển không bị chịu lũ lụt... Hàng năm có hàng triệu lượt khách du lịch tới thăm thú cảnh rừng. Ở đó không chỉ vì có cảnh đẹp, chim thú sinh sống mà còn vì rừng là một nơi có sinh thái trong lành, mát mẻ...

Rừng mang lại cho chúng ta bao lợi ích như vậy, ấy thế mà nhiều người vẫn coi thường, phá hoại rừng một cách tàn bạo. Chắc các bạn không thể quên vụ cháy rừng U Minh năm 2003 vừa qua. Do một số người đã đốt cây rừng mà một phần của cây rừng đã bị thiêu rụi. Họ đã làm một việc mà họ không thể tưởng: họ đã phá hoại tài nguyên của đất nước, ngôi nhà của chim muông và cũng là phá hoại cuộc sống của chính họ. Bên cạnh đó, vẫn có những đường dây buôn bán, vận chuyển gỗ rừng bất hợp pháp, khai phá chặt cây rừng vì mục đích cá nhân, lấn chiếm đất rừng để vỡ ruộng đất tư... Tất cả những việc làm ấy là vô nhân đạo, không thể chấp nhận. Nhà nước ta đã có những biện pháp bảo vệ rừng nhưng chưa triệt để. Vì vậy tình trạng chặt phá rừng vẫn diễn ra rất nhiều trên đất nước ta.

Cuộc sống của chúng ta không thể tiếp diễn mà không thể không có rừng. Hãy thử tưởng tượng một thế giới mà không có rừng thì sẽ ra sao: ô nhiễm, bụi bẩn, chim thú chết đầy vì không có chỗ ở... Nếu cuộc sống của chúng ta như vậy trong một vài năm nữa thì sao nhỉ? Điều đó sẽ không còn là điều xa xôi nữa nếu như vẫn còn có tình trạng phá hoại, chặt cây rừng như hiện nay. Vậy thì các bạn ơi! Hãy ra sức bảo vệ rừng! Hãy bảo vệ cuộc sông của chúng ta. Đừng tàn phá rừng vì tàn phá rừng là điều đồng nghĩa với việc các bạn tàn phá cuộc sống của chúng ta.

(Nguyễn Hương Lan)

Viết bình luận