Soạn bài: Tuần 34 - Ôn tập phần văn học

1. Những phát hiện khác nhau về số phận và cảnh ngộ của người dân lao động trong các tác phẩm Vợ nhặt (Kim Lân), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài). Phân tích nét đặc sắc trong tư tưởng nhân đạo của mỗi tác phẩm.

- Vợ nhặt (Kim Lân):

Tác giả đặt nhân vật của mình vào bối cảnh nạn đói năm 1945. Mở đầu truyện, tác giả đã dựng lên không khí tối tăm ảm đạm bao trùm xóm ngụ cư. Ngòi bút của tác giả đi sâu lí giải phân tích hiện thực bằng cái nhìn vừa đau xót vừa căm giận.

Các nhân vật trong truyện đều là những người nông dân nghèo khổ, thậm chí là dân ngụ cư: Tràng, bà cụ Tứ, người vợ Tràng. Nhưng tất cả gặp nhau trong tình huống truyện oái oăm "vợ nhặt". Chọn một hoàn cảnh như vậy, đặt nhân vật vào một tình huống truyện như vậy, Kim Lân đã thể hiện được tất cả sự nghèo hèn và tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945, đồng thời cũng thể hiện thành công niềm khao khát hạnh phúc của con người. Ước mơ hi vọng của họ còn mạnh hơn cả cái đói, cái chết đang rình rập quanh đó.

Đặt nhân vật vào một tình huống éo le, Kim Lân đã làm nổi bật được nhiều giá trị nhân bản sâu sắc:

Dù không có những lời kết tội to tát, thế nhưng tác phẩm vẫn tô' cáo một cách thật sâu sắc tội ác của bọn thực dân, phát xít và tay sai vì chúng đã gây ra nạn đói khủng khiếp 1945. Bóng tối và cái chết phủ xuống mọi nơi. Trong hoàn cảnh ấy, giá trị của con người thật rẻ rúng. Người ta có thể quên đi danh dự, có thể nhận theo không người khác chỉ với vài ba bát bánh đúc.

Tố cáo kẻ thù, Kim Lân cũng đồng thời trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của con người. Nhà văn cảm thông với họ, nhất là với người mẹ vì nghèo khổ nên thương con mà chẳng lo gì được cho con.

Nổi bật nhất trong những nét đặc sắc làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc của truyện đó là sự khám phá ra một quy luật về người nông dân, đó là dù ở trong những tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết, họ vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai.

- Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài):

Số phận của người lao động trong Vợ chồng A Phủ còn đáng thương hơn. Có thể nói, đến tác phẩm này, Tô Hoài đã làm đậm đà và sâu sắc hơn hình ảnh những kiếp người đau khổ trong xã hội cũ. Tuy nhiên, dù bị vùi dập tưởng chừng không thể nào ngẩng đầu lên được, hai người nô lệ Miị và A Phủ vẫn tiềm tàng một sức sống như sự vững chãi và cứng rắn của cây rừng. Họ gặp nhau, cảm thông với nỗi khổ của nhau rồi tự giải thoát cho nhau và đưa nhau đến một miền đất mới có tương lai sáng sủa và vững chắc hon.

Tô Hoài lựa chọn nhân vật là những người dân tộc Mông ở miền Tây Bắc xa xôi trong thời kì thực dân Pháp còn nô dịch nhân dân. Đồng bào miền núi một cổ đôi ba tròng xiết chặt: thực dân Pháp, chế độ phong kiến (thống lí Pá Tra), những quan niệm mê tín dị đoan và những hủ tục xa xưa.

Mị, cô gái xinh đẹp, nghèo khổ, nhân vật chính của truyện là nạn nhân của tất cả những ách áp bức đó. Nhưng trong lúc tưởng như cô đang chết mòn chết mỏi trong xó nhà kẻ thù thì bất chợt sức sống tiềm tàng trong cô trỗi dậy toả sáng toàn trong bộ tác phẩm. Sự gặp gỡ giữa Mị và A Phủ, một cô con dâu gạt nợ và một người ở trừ nợ trong nhà thống lí Pá Tra là sự gặp gỡ vừa ngẫu nhiên vừa tất yếu của hai người khốn khổ cùng cảnh ngộ. Mị đã cắt dây trói cứu A Phủ rồi cùng trốn với A Phủ, tự giải thoát cuộc đời mình.

Truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là một truyện mang tính nhân vãn, tính nhân đạo sâu sắc. Tính nhân đạo của tác phẩm trước hết thể hiện ở sự cảm thông sâu sắc với số phận của những con người bất hạnh. Ở khía cạnh này, Tô Hoài tỏ ra có sự am hiểu sâu sắc từ đời sống vật chất đến đời sống tâm lí của đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc.

Trong khi miêu tả, bên cạnh sự cảm thông với những trớ trêu của sô' phận, người đọc cũng cảm nhận được khá rõ thái độ phê phán sâu sắc của nhà văn đối với bọn quan lại phong kiến miền núi, thái độ căm giận trước những thế lực chà đạp con qgười. Cảm thông và chia sẻ, Tô Hoài còn phát hiện và trân trọng những phẩm chất cao đẹp của con người, nhất là tình yêu tự do và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của người dân miền núi.

Yêu thương và căm giận hoà trộn, Tô Hoài đã không chấp nhận nhìn nhân vật của mình rơi vào ngõ cụt. Phần một khép lại với một kết thúc mở. Mị và A Phủ đã được giải phóng. Và ở phần hai, như chúng ta đã biết họ đã trở thành vợ chồng, đã có cuộc sống mới được soi đường bởi lí tưởng cách mạng. Truyện Vợ chồng A Phủ là một trong những truyện giải quyết được khá sớm vấn đề số phận của con người trong xã hội cũ.

2. Các tác phẩm Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Những đứa con trong gia đình (Nguyên Thi) đều viết về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Hãy so sánh để làm rõ những khám phá, sáng tạo riêng của từng tác phẩm trong việc thể hiện chủ đề chung đó.

Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là tác phẩm khơi gợi rõ nhất âm hưởng sử thi. Qua câu chuyện về một cuộc đời, một số phân sống và gắn bó sâu sắc với buôn làng nhưng bị quân thù chà đạp một cách dã man, truyện muốn nói lên một chân lí tất yếu đối với cách mạng miền Nam lúc đó: phải lấy bạo lực cách mạng để trấn áp bạo lực phản cách mạng. Những đứa con trong gia đình lại biểu hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng dưới một cách tiếp cận khác - đó là cách tiếp cận truyền thống lịch sử, truyền thống trong mỗi gia đình. Khai thác truyền thống đánh giặc trong gia đình Việt, Nguyễn Thi đã nói lên vẻ đẹp của sự hi sinh thầm lặng và cao cả của mỗi người trong chiến tranh. Cuộc chiến đấu thần kì của dân tộc thắng lợi được chính là nhờ những hạt nhân như thế. Những khám phá riêng của hai tác phẩm biểu hiện cụ thể như sau:

- Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành): chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước trong tác phẩm được thể hiện qua hình ảnh một tập thể nhân dân anh hùng, đó là dân làng Xô Man.\

Nguyễn Trung Thành chọn một loại cây rất gần với đời sống của đồng bào Tây Nguyên và xây dựng hình ảnh â'y thành biểu tượng đẹp đẽ - biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và phẩm chất anh hùng của dân làng Xô Man, nhân dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ: cây xà nu.

Dưới bóng cây xà nu, lớp lớp các thế hệ người Xô Man đã trưởng thành và chiến đấu cho sự nghiệp chung của buôn làng, của đất nước.

Nguyễn Trung Thành đã xây dựng một hê thống các nhân vật đại diện cho các thế hệ nhân dân tiếp nối nhau trong cuộc chiến đấu giải phóng: từ cụ Mết, đến Tnú, Mai, rồi Dít, Heng. Các nhân vật đại diện cho những thế hệ cách mạng đều mang phẩm chất chung của cộng đồng - phẩm chất anh hùng. Họ đều là những con người yêu dân làng, yêu nước bất khuất kiên trung, thuỷ chung với cách mạng. Tuy vậy, tác giả cũng chú ý khấc hoạ những nét riêng tạo nên tính cách của họ.

+ Hình tượng cụ Mết:

Ngoại hình: quắc thước, sáu mươi tuổi mà tiếng nói vẫn ồ ồ dội vang trong lồng ngực, mắt sáng, ngực căng như một cây xà nu lớn.

Tính cách của ông tiêu biểu cho tính cách quật cường bất khuất của dân tộc ta. Cụ Mết mang dáng dấp của nhân vật anh hùng trong các bản trường ca Tây Nguyên.

Cụ Mết trở thành người cha tinh thần, người truyền ngọn lửa khát vọng tự do, giải phóng và trở thành linh hồn của phong trào đồng khởi của dân làng Xô Man. Đó là người lưu giữ, kể lại lịch sử cuộc đấu tranh của dân tộc, đồng thời phát ngôn cho những chân lí về con đường giải phóng của nhân dân. Cụ Mết chính là nhân vật tượng trưng cho lịch sử, cho sức sống bền bỉ của dân làng Xô Man.

+ Hình tượng Tnú:

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng, đùm bọc của dân làng Xô Man. Tnú mang những phẩm chất tiêu biểu của cộng đồng.

Tnú là người con gan góc táo bạo của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Khi làm liên lạc, Tnú không đi đường mòn; qua sông, không lội chỗ nước êm mà cứ "lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình". Khi bị giặc đốt cháy mười ngón tay, Tnú nghiến răng chịu đựng chứ quyết "không thèm kêu van". Tnú trung thành với cách mạng. Lòng trung thành của anh được bộc lộ qua nhiều thử thách: khi bị giặc bắt tra hỏi chỗ ở của cộng sản, khi chứng kiến cảnh vợ con bị giặc tra tấn,... Khi miêu tả Tnú, Nguyễn Trung Thành dụng công miêu tả bàn tay của anh. Từ đôi bàn tay người đọc có thể thấy cuộc đời và tính cách nhân vật.

Cả Tnú và Mai đều thuộc thế hệ được tiếp nhận lí tưởng cách mạng ngay từ những năm tháng đau thương, đen tối của làng Xô Man. Thế hệ ấy đã trải qua nhiều đau thương, căm hận, cả những hi sinh để rồi trưởng thành.

+ Hình tượng Dít: Dũng cảm kiên cường. Từ nhỏ Dít đã tỏ ra là người gan dạ trước kẻ thù. Chị tích cực tham gia cách mạng và trở thành người lãnh đạo chủ chốt của cuộc chiến đấu.

+ Bé Heng: Là hình ảnh tiêu biểu cho lớp thiếu niên đang kế tục các thế hệ cha anh để đưa cuộc chiến đấu tới thắng lợi cuối cùng.

Bên cạnh sự xuất hiện trực tiếp, các thế hệ cách mạng trong thiên truyện còn được biểu hiện bằng những thế hệ "xà nu" khác nhau trong rừng xà nu bạt ngàn tít tắp tận chân trời. Thế hê già làng (tiêu biểu là cụ Mết); thế hệ thanh niên tiêu biểu là Tnú, Mai, Dít. Truyện còn hé mở cho người đọc thấy thế hệ thứ ba, thế hệ của những bé Heng, để hoàn thiện bức tranh chiến tranh nhân dân "lớp cha trước lớp con sau..." mang đậm chất sử thi.

- Những đứa con trong gia đình (Nguyên Thi): Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong tác phẩm được thể hiện sắc nét trong truyền thống anh dũng đáng tự hào của một gia đình. Tiêu biểu cho ý tưởng đó của tác giả là hình ảnh hai chị em Chiến và Việt.

Hai chị em Việt, Chiến xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, biết kế thừa phẩm chất anh hùng của cha mẹ, của dòng họ nên có khát vọng lập chiến công. Chiến và Việt sống, chiến đấu dũng cảm trong những năm tháng khói lửa chiến tranh. Cả hai chị em đều giàu lòng yêu nước, hăng hái tòng quân. Tâm lí, tính cách của Việt, Chiến tiêu biểu cho tính cách của người dân Nam Bộ. Qua cái nhìn của Nguyễn Thi, họ trở thành biểu tượng đẹp đẽ của một thế hệ: trẻ trung và anh hùng.

Việt tiêu biểu cho hình ảnh người con trai Nam Bộ: bộc trực, giàu tình nghĩa. Chiến tiêu biểu cho hình ảnh người con gái Nam Bộ: vô cùng gan góc, quả cảm. Chiến thì sâu sắc, đảm đang. Còn Việt hồn nhiên trong sáng.

3. Phân tích tình huống truyện trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

Truyện Chiếc thuyền ngoài xa được tổ chức xung quanh "tình huống nhận thức". Nếu tình huống hành động có ý nghĩa bước ngoặt trong đường đời nhân vật, thì tình huống nhân thức lại chú trọng cắt nghĩa giây phút con người bừng tỉnh thấu suốt chân lí. ở truyện này, điều mà Phùng và Đẩu nhận ra không hoàn toàn giống nhau.

Phùng được giao nhiệm vụ đi thực tế chụp bổ sung một bức ảnh cảnh biển đẹp đẽ để có thể xuất bản một bộ lịch nghệ thuật. Nơi anh tới có phong cảnh thơ mộng. Chính sự kiên nhẫn, công phu của Phùng đã khiến anh chớp được cảnh trời cho toàn bộ khung cảnh vùng đầm phá miền Trung "từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích". Phùng thoả mãn với hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa thấp thoáng trong bầu sương mù trắng một màu sữa và pha đôi chút màu hồng hồng. Phùng "tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiên, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn". Nhưng rồi khi chiếc thuyền đâm thẳng vào trước chỗ anh đứng thì một cảnh khắc nghiệt, lam lũ lấm lem của đời thường lộ rõ. Phùng nhận ra có một mâu thuẫn, nghịch lí đang tồn tại: giữa cái đẹp vẫn có cảnh sống tăm tối, cực nhọc. Chiếc thuyền trước mặt Phùng giờ đây được thay thế bằng hình ảnh người đàn bà cam chịu đầy nhẫn nhục và người đàn ông hùng hổ, thô bạo. Phùng được sống trong nhiều cảm xúc mạnh, từ ngỡ ngàng, ngơ ngác đến cảm thông, rồi thấm thìa. Niềm tin của Phùng lung lay. Anh bắt đầu ngộ ra mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

Đẩu, người bạn chiến đấu năm xưa cùng Phùng, nay làm chánh án của một toà án cấp huyện. Người đàn bà được mời đến Toà án để giải quyết bi kịch gia đình. Đẩu kêu gọi hoà thuận và khuyên người đàn bà tội nghiệp li hôn để thoát khỏi những trận đòn nặng nhẹ của gã vũ phu kia. Đẩu nói với vẻ hào hứng của một người bảo vê công lí. Anh tin thiện chí của mình sẽ thay đổi chiều hướng con đường đời của người phụ nữ làng chài khốn khổ. Nhưng anh nhầm. Anh chưa bao giờ thấu hết "nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông". Kiến thức sách vở cùng lòng tốt của Đẩu trở nên vô nghĩa lí trước cảnh huống nhân sinh đầy chua chát. Chỉ đến lúc này Đẩu mới hiểu người phụ nữ ấy dù bị đánh đập tàn bạo đến bao nhiêu đi nữa thì chị ta cũng buộc phải chấp nhận vì các con. Lí lẽ thực tế của người đàn bà làng chài đã xô đổ mớ lí thuyết đẹp đẽ của Đẩu. Vị chánh án huyện vùng biển vỡ ra nghịch lí của cuộc sống.

4. Ý nghĩa tư tưởng của đoạn trích kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ)

Đoạn trích kịch mang ý nghĩa tư tưởng sâu sắc, điều đó thể hiện qua những sự việc, chi tiết trọng tâm của đoạn trích.

- Những nỗi dằn vặt, trăn trở của nhân vật hồn Trương Ba về cuộc sống ngang trái của mình. Đó là quá trình tự đấu tranh của con người để lựa chọn giữa việc sống thật - sống giả của mình. Đó là sự đấu tranh tất yếu khi cuộc sống xô đẩy con người đến bờ vực của những cám dỗ ngang trái.

- Những lí lẽ đầy cám dỗ của nhân vật xác hàng thịt: cuộc sống có rất nhiều cám dỗ, điều quan trọng là con người cần phải biết vượt qua chúng.

- Sự bế tắc trong đường đi của nhân vật hồn Trương Ba: sống mà chấp nhận sự mỉa mai của tạo hoá như vậy hay sao? Đó là bi kịch của sự sống, sống mà không được là chính mình.

—> Ý nghĩa triết lí của vở kịch: sự thống nhất giữa tư tưởng và hình thức. Đây là một ý nghĩa triết lí có tính khái quát cao, bao trùm nhiều mặt của đời sống xã hội.

Ngoài ra, qua vở kịch này, Lưu Quang Vũ cũng lên tiếng phê phán một số hiên tượng xấu trong xã hội ngày nay.

+ Đó là lối sống giả dối, sống dựa, sống nhờ vào uy tín, thế lực, tiền tài,... của người khác.

+ Đó là lối sống "tầm gửi" không có tự trọng và liêm sỉ.

+ Đó cũng là lối sống, cách làm việc thực dụng, ào ạt bất chấp cách thức, đốt cháy quá trình, chỉ tính đến lợi nhuận mà không quan tâm đến hậu quả.

+ Đó cũng là cách làm việc cứng nhắc, rập khuôn, giáo điều thiếu sự linh hoạt, mềm dẻo trong những trường hợp cụ thể thậm chí thiếu tính nhân văn,...

5. Ý nghĩa tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Số phận con người (Sô-lô-khốp).

- Ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm: Đoạn trích khẳng định sức mạnh tiềm ẩn và những cống hiến của con người Nga nói chung trong sự nghiệp bảo vệ xây dựng Tổ quốc. Thể hiện lòng khâm phục và tin tưởng ở tính cách Nga kiên cường và nhân hậu, đồng cảm trước vô vàn khó khăn trở ngại mà con người phải vượt qua trên con đường vươn tói tương lai hạnh phúc. Tác giả vừa biểu dương ca ngợi khí phách anh hùng của nhân dân, vừa tô' cáo chiến tranh phát xít mạnh mẽ. Thông qua tác phẩm, Sô-lô-khốp muốn nhắc nhở, kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội đối với cá nhân con người. Sô-lô-khốp khẳng định nhân dân tạo nên lịch sử, song cũng nhấn mạnh lịch sử phải có trách nhiệm trước mỗi cá nhân. Truyện ca ngợi tính cách Nga, ngợi ca những con người yêu nước có ý chí kiên cường, có nghị lực và niềm tin vào cuộc sống.

- Tác phẩm có nghệ thuật kể chuyện và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc.

+ Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc:

Tác phẩm viết theo kiểu truyện lồng trong truyện: Nhân vật "tôi" trên chuyến đò được nghe Xô-cô-lốp kể lại câu chuyện đời mình. Từ đó, xuất hiện hai người kể chuyện: người kể chuyện - tác giả và người kể chuyện - nhân vật. Cách kể chuyên đó đảm bảo tính khách quan, chân thực và tạo ra một phương thức miêu tả lịch sử mới: lịch sử trong quan hệ mật thiết với số phận cá nhân mỗi con người.

Nhà văn còn tạo dựng được những tình huống truyện đặc sắc để nhân vật có dịp bộc lộ tính cách của mình.

Ngoài ra, nhà văn còn sử dụng nhiều chi tiết chọn lọc, đắt giá để khám phá nhân vật: như chi tiết Va-ni-a nhớ ra chiếc áo bành tô da của bố, điều đó cho thấy tâm hồn ngây thơ của cậu bé, những kí ức về người cha cho thấy cậu rất yêu cha dù không còn nhớ được gì nhiều, thâm chí cả khuôn mặt cha. Cậu bé luôn khao khát yêu thương và khao khát được che chở. Chi tiết này cũng cho thấy trái tim nhân hậu, tinh tế và sự trải nghiệm cuộc sống của Xô-cô-lốp.

- Nghệ thuật thể hiện tâm lí nhân vật của nhà văn Sô-lô-khốp trong đoạn trích.

+ Đặt nhân vật vào những tình huống đặc biệt để nhân vật bộc lộ mình: các nhân vật của nhà văn trong đoạn trích đều gặp phải những tình huống hết sức éo le, bi đát. Từ người lính Xô-cô-lốp đã mất hết người thân trong chiến tranh đến cậu bé Va-ni-a cũng vì chiến tranh mà không còn gia đình. Hai con người bất hạnh ấy gặp nhau, Xô-cô-lốp như nhìn thấy sự trơ vơ trống trải của đời mình ở hình ảnh chú bé con côi cút ấy... Cứ như vậy, những tình huống truyện éo le đã khiến các nhân vật tự bộc lộ tâm lí của mình.

+ Những chi tiết tinh tế thể hiện rõ tâm lí nhân vật: "Thằng bé... bỗng nhiên không biết vì sao lại lặng thinh, tư lự, chốc chốc lại liếc nhìn tôi dưới đôi hàng mi dài cong vút, và lại thở dài", "Những giọt nước mắt nóng hổi sôi lên ở mặt tôi", "Nó nhảy chồm lên cổ tôi hôn vào má, vào môi, vào trán...", "bà chủ múc xúp bắp cải vào đĩa cho nó, rồi đứng nhìn nó ăn ngấu nghiến mà nước mắt ròng ròng",...

+ Các mối quan hệ giúp bộc lộ tâm lí nhân vật: những mối quan hệ trong đoạn trích đều không phải là mối quan hệ ruột thịt nhưng những hành động, việc làm của họ đã thể hiện những tình cảm tốt đẹp, cao quý họ dành cho nhau. Đó là mối quan hệ giữa những người bạn (vợ chồng người bạn và Xô-cô-lốp, Xô-cô-lốp và nhân vật người nghe câu chuyện của Xô-cô-lốp,...), quan hệ người dưng rồi chuyển sang cha con (Xô-cô-lốp và chú bé Va-ni-a).

6. Trong truyện ngắn Thuốc, Lỗ Tấn phê phán căn bệnh gì của người Trung Quốc đầu thế kỉ XX? Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm?

- Thuốc là một nhan đề đa nghĩa. Trước hết nó được hiểu đúng theo nghĩa đen, ấy là thứ thuốc chữa bệnh lao của những người Trung Quốc lạc hậu, u mê. Một cách chữa bệnh đầy mê tín - lấy máu người để chữa bệnh lao. Rốt cuộc, con bệnh vẫn chết. Chết trong cái không khí ẩm mốc, hôi tanh mùi máu của nước Trung Hoa lạc hậu.

Nhưng không chỉ có vậy. Thuốc đề cập đến một vấn đề khác sâu xa hơn và khái quát hơn, đó là sự u mê, đớn hèn, mông muội về chính trị xã hội của quần chúng và bi kịch không được hiểu, không được ủng hộ của những người cách mạng tiên phong.

- Nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.

Thuốc có một cốt truyện khá đơn giản mà sâu sắc giống như một bài thơ Đường vẽ một bức tranh thuỷ mặc bằng những nét chấm phá vậy. Cốt truyện dung dị nhưng Thuốc độc đáo ở khả năng lựa chọn các tình tiết, ở cách sấp xếp thời gian nghệ thuật và đặc biệt là ở khả năng tạo ra tính đa nghĩa của ngôn từ và hình tượng.

+ Về cách khắc hoạ các hình ảnh, nhân vật:

Tác giả triển khai nhiều điểm nhìn về phía nhân vật Hạ Du, nhân vật Hạ Du được miêu tả gián tiếp qua suy tư, lời đối thoại của nhiều nhân vật. Để thể hiện căn bệnh tinh thần của người Trung Quốc, Lỗ Tấn đã dựng lên bối cảnh một quán trà nghèo nàn, gần gũi cuộc sống đời thường. Không chỉ trong tác phẩm mới có nhiều hình ảnh tượng trưng (hình ảnh con đường mòn nhỏ, hình ảnh chiếc bánh bao, hoặc hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du,...) mà ngay tên tác phẩm cũng có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.

+ Về nghệ thuật trần thuật: Truyện được kể theo ngôi thứ ba. Thuốc là tác phẩm hiện thực phê phán, nhưng lại có yếu tố lãng mạn tích cực.

7. Ý nghĩa biểu tượng của đoạn trích Ông già và biển cả (Hê-minh-uê)?

Đoạn văn trích rất giàu hàm nghĩa. Nó thể hiện nổi bật những nét phong cách nghệ thuật trong sáng tác của Hê-minh-uê: để nhân vật hành động nhiều, thiên về độc thoại nội tâm; để nhiều khoảng trống, khoảng lặng, khoảng mờ trong tác phẩm để người đọc có thể phóng túng suy ngẫm và thưởng thức.

Đoạn trích xây dựng một biểu tượng về con người cho đến giờ phút cuối cùng vẫn đuổi theo một kì vọng và ráng sức đoạt lấy nó. Cuộc săn bắt cá của ông lão thực chất là một ẩn dụ về hành trình thực hiện khát vọng, dù có đơn độc và thất bại, nhưng âm hưởng gợi lên lại đầy sinh khí, ấm áp và mãnh liệt. Có thể hình dung những mảng chìm theo nguyên lí "Tảng băng trôi" ở đoạn trích là:

- Việc bắt cá, đặc biệt là cá lớn chính là mong muốn khẳng định sự tồn tại kì vĩ, có ý nghĩa của con người.

- Cuộc vận lộn gay gắt của con người với thiên nhiên trong tác phẩm làm nổi bật cái tàn bạo quyết liệt của đời sống và khả năng chống trả cũng rất ngoan cường của con người.

- Ông lão thất bại vì đã đi quá xa, vượt quá giới hạn cho phép. Nhưng chính vì thế mà sự thất bại của ông lão lại là chiến thắng. Con người tự vượt qua bản thân mình. Con người có thể chết mà không thể bị khuất phục.

Viết bình luận