Soạn bài: Tuần 33 - Giá trị văn học và tiếp nhận văn học

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Giá trị văn học

a) Giá trị nhận thức

Tác phẩm văn học mang lại cho con người nhiều tri thức về đời sống, sinh hoạt, phong tục của một xã hội, một thời đại. Thông qua tác phẩm, người đọc nhân thức được những vấn đề đang đặt ra trong xã hội, nhận biết được cái đẹp, cái xấu hoặc những vấn đề liên quan đến vận mệnh của nhiều người. Văn học nâng cao năng lực nhận thức của con người, giúp con người nhìn rõ những giá trị về nhân cách, về sức sống của cái thiện và lẽ công bằng. Ví dụ, ở một khía cạnh nhất định, tác phẩm Chữ người tử tù giúp người đọc hiểu nghệ thuật thư pháp. Chí Phèo khắc hoạ mâu thuẫn đối kháng gay gắt giữa bọn địa chủ cường hào với nông dân, đặt ra vấn đề cải thiện môi trường sống để con người có điều kiện làm người lương thiện. Số đỏ khám phá phương diện sinh hoạt đạo đức của xã hội thực dân nửa phong kiến,...

Nếu khoa học nhận thức thông qua khái niệm, thì văn học lại nhận thức cuộc sống thông qua hình tượng.

b) Giá trị giáo dục

Văn học bồi đắp cho con người khát vọng vượt lên trên cái tầm thường để sống cuộc đời có ý nghĩa. Văn học giáo dục con người các tư tưởng nhân đạo, lòng vị tha, tinh thần yêu công lí, chuộng lẽ phải. Giá trị giáo dục của văn học được thực hiên thông qua những trải nghiệm, những rung động,... của độc giả đối với những cuộc đời, những số phận,... trong tác phẩm văn học.

c) Giá trị thẩm mĩ

Giá trị thẩm mĩ của văn học là vẻ đẹp do văn học tạo nên: những bức tranh, những hình tượng sống động, độc đáo, giàu ý nghĩa, có sức lôi cuốn và lay động tâm hồn con người. Trong văn học, phẩm chất thẩm mĩ biểu hiện tập trung ở hình tượng nghệ thuật mà khi thể nghiệm thẩm mĩ độc giả đã lưu giữ những gây ấn tượng nổi bật không dễ phai mờ.

Đặc điểm nổi bật của giá trị thẩm mĩ là nó hấp dẫn con người một cách vô tư, bằng chính sự hứng thú của hoạt động thưởng thức. Nó lôi cuốn con người vào một thế giới hư cấu, để con người thả hồn theo những hình ảnh tưởng tượng đẹp đẽ, để có thể sống bằng tình cảm và mơ ước với nhiều cuộc đời, số phận...

2. Tiếp nhận văn học

a) Quá trình tiếp nhận văn học có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử phát triển của văn học. Ý nghĩa của tác phẩm văn học trên thực tế không hề tĩnh mà có biến động, phong phú thêm theo tiến trình lịch sử. Nó cho thấy vai trò khá quan trọng của người đọc trong quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học.

Người đọc tiếp nhận tác phẩm do nhiều nhu cầu khác nhau: giải trí, hiểu biết, nâng cao năng lực cảm thụ, phát hiện đánh giá, học tập sáng tác,... Quá trình tiếp nhận văn học vì vậy cũng trải qua các giai đoạn: đọc văn bản, phát hiện, kiến tạo ý nghĩa tác phẩm, thưởng thức đánh giá các giá trị, tư tưởng, nghệ thuật,... Chính trong quá trình này, những giá trị văn học được khám phá và thế giới tinh thần của người đọc cũng bộc lộ rõ.

b) Trong tiếp nhận văn học, người đọc phải giữ vai trò chủ động tích cực, chủ động biến văn bản ngôn từ thành một thế giới nghệ thuật sinh động, giàu ý nghĩa. Muốn vậy người đọc phải hiểu được nghĩa các từ, các hình ảnh, mối liên hệ giữa các câu, các phần,... giải thích được những khoảng trống, những thứ tưởng như vô lí trong tác phẩm. Đây là quá trình đồng sáng tạo của người đọc.

Mỗi người có trình độ văn hoá, kiến thức, hiểu biết, tính cách... khác nhau nên kết quả tiếp nhận văn học cũng khác nhau. Có bao nhiêu người đọc thì có bấy nhiêu "dị bản" về tác phẩm văn học trong tâm hồn người đọc xét về mặt đậm - nhạt, nông - sâu, toàn diện - phiến diện. Như vậy quá trình tiếp nhận có mang tính chủ quan của người tiếp nhận nhưng tiếp nhận cũng không thể tuỳ tiện mà cần phải dựa trên cơ sở ngôn từ tác phẩm.

Người đọc trước khi tiếp nhận tác phẩm đã có một "tầm đón nhận" nhất định. Tầm đón nhận giúp họ phân biệt tác phẩm mới - cũ, quen thuộc hay xa lạ, tác phẩm thấp hơn "tầm đón nhận" thì không đáp ứng được nhu cầu của người đọc còn nếu cao hơn "tầm đón nhận" sẽ khiến người đọc lúng túng, nhưng nó có tác dụng kích thích, nâng cao "tầm đón nhân" ở người đọc.

Trong quá trình tiếp nhận văn học, người đọc sẽ khám phá ra những ý nghĩa thú vị của tác phẩm, tức là tác phẩm văn học sẽ trở nên phong phú hơn, sâu sắc hơn. Mặt khác, quá trình này không chỉ giúp người đọc bộc lộ tư tưởng, tình cảm, hiểu biết của bản thân mà còn trau dồi để những yếu tố đó trở nên phong phú hơn.

II - HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

1. Nêu vắn tắt cơ sở xuất hiện và nội dung cụ thể từng giá trị nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ của văn học (Xem mục I)

2. Trong sự tồn tại của văn học, giá trị nhận thức luôn là tiền đề của giá trị giáo dục. Không có nhận thức đúng đắn thì văn học không thể giáo dục được con người. Ngược lại, giá trị giáo dục làm sâu sắc thèm giá trị nhận thức của văn học đối với đời sống, bởi người ta nhận thức không chỉ để nhận thức mà nhận thức còn để hành động.

Giá trị nhận thức và giá trị giáo dục của văn học chỉ có thể phát huy một cách tích cực nhất, có hiệu quả cao nhất khi gắn với một giá trị tạo nên đặc trưng của văn học, đó là giá trị thẩm mĩ. Giá trị thẩm mĩ là khả năng của văn học có thể phát hiện và miêu tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động, giúp con người cảm nhận được và biết rung động một cách tinh tế, sâu sắc trước những vẻ đẹp đó.

3. Quá trình tiếp nhận văn học là quá trình người đọc chuyển hoá văn bản ngôn từ nghệ thuật thành tác phẩm văn học thông qua các giai đoạn như đọc văn bản (tri giác ngôn từ, tái tạo hình ảnh...), phát hiện, kiến tạo ý nghĩa của tác phẩm, thưởng thức các giá trị tư tưởng, nghệ thuật, ghi nhớ những điều hay, tâm đắc, ...

Những tính chất của tiếp nhận văn học bao gồm:

- Thực chất đó là một quá trình giao tiếp: sự giao tiếp giữa tác giả với người tiếp nhận; sự giao tiếp giữa người nói và người nghe; người viết và người đọc; người bày tỏ và người chia sẻ, cảm thông.

- Trong sự giao tiếp giữa tác phẩm với độc giả, tính chất cá thể hoá, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận đóng vai trò quan trọng.

- Tính đa dạng, không thống nhất của việc tiếp nhận văn học: cùng một tác phẩm nhưng sự cảm thụ và đánh giá của công chúng là rất khác nhau.

4. Quá trình tiếp nhận văn học bao gồm các cấp độ:

+ Cảm thụ chỉ tập trung vào nội dung cụ thể, nội dung trực tiếp của tác phẩm.

+ Cảm thụ qua nội dung trực tiếp để thấy nội dung tư tưởng của tác phẩm.

+ Cảm thụ chú ý đến cả nội dung hình thức và nội dung biểu hiện (nghệ thuật).

- Để tiếp nhận văn học có hiệu quả thật sự, người đọc cần không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết của mình, tích luỹ kinh nghiệm tiếp nhận, biết trân trọng sản phẩm sáng tạo của một ý thức khác, lắng nghe một tiếng nói khác, làm quen với một giá trị văn hoá khác, tìm cách để hiểu tác phẩm một cách khách quan, toàn vẹn, nhờ đó mà làm phong phú thêm vốn cảm thụ của mình.

Ill - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. "Nuôi dưỡng đời sống tâm hồn con người", "làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn"... khi nói như vậy chúng ta đã khẳng định và đề cao vai trò giá trị giáo dục của vãn chương. Với giá trị nhận thức và giá trị thẩm mĩ, văn chương làm cho tâm hồn con người thêm phong phú; với giá trị giáo dục, văn chương làm cho con người thêm trong sạch. Quả thực, giáo dục con người là một nhiệm vụ cao cả không chỉ của riêng văn học mà còn của nhiều ngành khoa học và hoạt động xã hội. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hoá vị trí của giá trị giáo dục bởi giữa các giá trị của văn học có mối liên hệ hỗ ượ mật thiết, có giá trị này mới có giá trị kia.

2. Đọc tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, ta có thể cảm nhận được những giá trị lớn của văn học:\

- Giá trị nhận thức: Đọc tác phẩm, người đọc hiểu thêm về thú chơi chữ thanh cao, nho nhã của người xưa; tái hiện được không gian và thời gian lịch sử - xã hội của thời đại đó, ...

- Giá trị giáo dục: Trên cơ sở ngợi ca và trân trọng những nét nhân cách và khí phách cao đẹp của Huấn Cao, tác phẩm hướng người đọc đến những giá trị đạo đức, nhân cách tốt đẹp.

- Giá trị thẩm mĩ: Nguyễn Tuân đem đến cho chúng ta một quan niệm thẩm mĩ thú vị, thấm đẫm tư tưởng nhân văn: Cái đẹp có thể nảy sinh ở chốn tù ngục; ngọn lửa chính nghĩa có thể bùng cháy ở nơi sự bẩn thỉu, tối tăm ngự trị; thiên lương cao cả có thể xuất hiện trong môi trường của tội ác. Để tạo ra giá trị thẩm mĩ ấy, Nguyễn Tuân đã vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, ví dụ: thủ pháp tương phản đối lập, thủ pháp đòn bẩy.

3. Cảmhiểu là hai bước cơ bản trong quá trình tiếp nhận văn học. Cảm là giai đoạn người đọc có nhận thức cảm tính về tác phẩm; đó là khi người đọc có những ấn tượng chung nào đó về tác phẩm (vui, buồn, sâu sắc, mới mẻ,...) nhưng chưa cắt nghĩa được nguồn gốc của những ấn tượng đó.

Hiểu là khi người đọc đã nhận thức được tác phẩm một cách tương đối trọn vẹn về cả nội dung và nghệ thuật; có cơ sở để lí giải về những ấn tượng, cảm xúc mà tác phẩm gợi ra cùng như những giá trị sâu xa khác của tác phẩm.

Viết bình luận