Soạn bài: Tuần 29 - Diễn đạt trong văn nghị luận (tiếp theo)

C - Xác định giọng điệu phù hợp trong văn nghị luận

1. Tìm hiểu những ví dụ (SGK, tr.155) và thực hiện các yêu cầu.

a) Đối tượng nghị luận và nội dung cụ thể của hai đoạn trích khác nhau nhưng giọng điệu trong lời văn vẫn có điểm tương đồng: mạnh mẽ, sôi nổi, nhiệt tình, có sức biểu cảm lớn.

Ngoài điểm tương đồng đó, giọng điệu trong từng đoạn có những nét đặc trưng, riêng biệt.

- Đoạn văn (1) có sự đanh thép, rắn rỏi, hùng hồn trong việc luận tội kẻ thù nhưng cũng có sự đau xót khi nhắc đến những tội ác mà dân ta phải gánh chịu.

- Đoạn văn (2) có giọng điệu thiết tha thể hiện niềm yêu mến đối với nhà thơ.

b) Cơ sở chủ yếu tạo nên sự khác biệt về giọng điệu của lời văn trong những đoạn trích trên là kiểu câu, cách diễn đạt, các biện pháp tu từ cú pháp... Chẳng hạn:

- Đoạn văn (1): Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

- Đoạn văn (2): những lời thơ, ỷ thơ của Hàn Mặc Tử, những bài thơ mà anh thích gọi là "thơ điên, thơ loạn", thực ra không điên loạn chút nào! Những bài thơ đọc nghe như là "kình dị" thực ra không kinh dị chút nào.

c) Chỉ rõ cách sử dụng từ ngữ hoặc cách sử dụng, kết hợp các kiểu câu, các phép tu từ từ vựng hoặc cú pháp có vai trò chủ yếu trong việc biểu hiện giọng điệu của từng đoạn.

- Đoạn văn (1), tác giả sử dụng kiểu câu lập luận có các quan hệ từ "Thế mà...", sử dụng phép lặp cú pháp câu đơn với cấu trúc "Chúng....", sử dụng hình ảnh tu từ "tắm các cuộc khởi nghĩa".

- Sử dụng kiểu câu có các từ lập luận: "... thực ra...", "Trái lại...", "Hơn nữa,.."; sử dụng phép lặp cấu trúc câu: "... thực ra...".

2. Tim hiểu những ví dụ (SGK, tr. 156) và thực hiện các yêu cầu.

a) Giọng điệu của lời văn nghị luân trong đoạn (1) rất hùng hồn (khi kết tội kẻ thù) và tha thiết (khi kêu gọi đồng bào đứng lên kháng chiến). Tác giả đã sử dụng những phương tiện từ ngữ, kiểu câu để biểu hiện giọng điệu đó như: phép lặp từ "chúng ta", "Nhất định..." sử dụng câu có quan hệ từ đối lập "Nhưng", quan hệ từ tăng tiến "càng... càng...", câu đặc biệt "Không!", "Hỡi đồng bào". Đoạn văn (2) có giọng điệu uyển chuyển, thể hiện sự da diết.

b) Phân tích ngắn gọn những cơ sở tạo nên sự khác biệt của giọng điệu ấy trong từng trường hợp cụ thể.

- Ở đoạn (1), việc lặp từ "chúng ta" kết hợp câu có quan hệ từ "Nhưng" chỉ sự đối lập và câu đặc biệt "Không!", rất dứt khoát, mạnh mẽ, sôi nổi tạo cho câu văn giọng điệu mạnh mẽ, hùng hồn. Câu đặc biệt "Hỡi đồng bào!" lại tạo giọng điệu hô - đáp rất tha thiết.

- Ớ đoạn (2), việc sử dụng nhiều cụm động từ, tính từ giúp câu văn trở nên giàu hình ảnh và sinh động, gợi cảm. Giọng văn rất uyển chuyển, tha thiết. Người viết đã sử dụng linh hoạt rất nhiều cụm tính từ, cụm động từ: cái nao nức, cái xôn xao, sự đụng chạm, cái thê lương của vũ trụ, cái bi đát của kiếp người,... Phép ẩn dụ được sử dụng nhiều khiến câu văn trở nên giàu hình ảnh: Sự đụng chạm với phương Tây đã làm tan rã bao nhiêu bức thành kiên cố, ...

3. Giọng điệu cơ bản của văn nghị luận là trang trọng, nghiêm túc nhưng ở các phần trong bài văn, tuỳ vào mục đích nghị luận và nội dung cụ thể có thể thay đổi sao cho phù hợp.

III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. - Đoạn văn (1): sử dụng các từ ngữ tinh tế, dùng phép ẩn dụ; sử dụng câu có từ ngữ lập luận "Sự thật là... chứ không phải...", vận dụng phép tu từ lặp cú pháp; giọng điệu hùng hồn, đanh thép thể hiện khả năng thuyết phục cao.

- Đoạn văn (2): sử dụng các từ ngữ có tính biểu cảm cao, giàu cảm xúc: đứng đắn, lưu đãng hão huyền, nhiều mối lụy,..., vận dụng phép tu từ lặp cú pháp: Con người thơ Tú Xương muốn đứng đắn mà đời sống lại thành ra lưu đãng hão huyền. Con nhà nho khát muốn thanh bần với đạo thánh hiền mà cuộc sống đặt cho nhiều mối lụy, giọng điệu tha thiết thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với nhà thơ Tú Xương.

- Đoạn văn (3): sử dụng các cặp từ trái nghĩa: yếu đuối - hùng mạnh, tủi nhục - vinh quang,...; sử dụng câu ghép và vân'dụng phép tu từ lặp cú pháp: "...thì..."; giọng điệu nhịp nhàng cân xứng, thể hiện sự tương phản sóng đôi giữa hai nhân vật.

2. Gợi ý:

a) Lựa chọn nghề nghiệp là công việc có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai của mỗi người.

- Thực tế đã có người lựa chọn sai và phải trả giá nhưng cũng có nhiều người lựa chọn đúng, phát huy được khả năng, đóng góp nhiều cho gia đình, xã hội.

- Lựa chọn nghề nghiệp cần suy nghĩ kĩ lưỡng, nên dựa vào khả năng của bản thân tránh bị chi phối quá nhiều từ đối tượng khác, tránh những mơ tưởng vượt quá khả năng,...

b) Con người cần biết sống cho bản thân nhưng nếu đề cao cá nhân quá mức sẽ dẫn đến tính ích kỉ. Có trách nhiệm với bản thân ngược lại hẳn với tính ích kỉ.

- Ích kỉ là chỉ biết lo cho mình, vì quyền lọi của mình mà bất chấp mọi hành động, dù hành động đó có gây ảnh hưởng xấu đến người khác.

- Có trách nhiệm với bản thân là biết làm những việc có tác dụng tốt đối với sự phát triển của bản thân: sức khoẻ, nhân cách đạo đức. Có trách nhiệm của bản thân thể hiện sự tự trọng của mỗi con người.

c) Con người luôn khao khát nhận thức được bản thân và thế giới, vì vậy, suốt đời con người mong mỏi đi tìm những giá trị cao đẹp của cuộc đời.

- Nếu con người bằng lòng với những giá trị mình sẵn có (sở hữu) nghĩa là con người đã dừng lại hành trình tìm kiếm, khi đó, con người thất bại.

- Phải biết không ngừng vượt qua gian khó trên hành trình gian lao kiếm tìm vẻ đẹp cuộc sống con người mới tiếp tục nhân ra được những vẻ đẹp, những chân lí mới của cuộc đời.

Viết bình luận