Soạn bài: Viết bài tập làm văn số 5 - Văn lập luận chứng minh (làm tại lớp)

Đề bài : Nhân dân ta có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Nhưng có bạn lại bảo : Gần mực thì chưa chắc đã đen, gần đèn thì chưa chắc đã sáng. Hãy thuyết phục bạn ấy theo ý kiến của em.

1. Yêu cầu cần đạt

- Thể loại : Văn chứng minh.

- Dàn bài :

a) Mở bài :

Nêu được vấn đề cần chứng minh.

b) Thân bài :

- Làm sáng tỏ ý của câu tục ngữ : Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

- Làm sáng tỏ ý kiến cho rằng: Gần mực thì chưa chắc đã đen, gần đèn thì chưa chắc đã sáng.

- Bày tỏ ý kiến của riêng mình. Đặc biệt chú ý tính chất biện chứng của vấn đề (sự tác động của hoàn cảnh đối với cá nhân, sự tác động trở lại của cá nhân với hoàn cảnh, khẳng định ý thức tự chủ, độc lập, tự tin trọng lao động và học tập) ; đồng thời kết hợp giữa lí lẽ và lấy ví dụ trong thực tiễn để tăng thêm tính thuyết phục của bài viết.

c) Kết bài :

Rút ra bài học cho mình sau khi giải thích hai ý kiến trên.

2. Bài làm tham khảo

Bàn về mối quan hệ giữa môi trường sống và việc hình thành nhân cách của con người, nhân dân ta đã rút ra kết luận rằng : Môi trường xã hội có ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách, đạo đức của mỗi chúng ta. Điều đó đã được đúc kết qua câu tục ngữ : Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

Thật vậy, thuở xưa khi còn chưa có bút bi, bút máy như ngày nay, để có được bút viết ta phải mài cả thỏi mực Tàu với nước. Nếu sơ ý, chỉ một chút thôi, mực sẽ dây cả vào chân tay, vào quần áo chúng ta, rất khó giặt sạch. Vì thế, màu đen của mực hay nói cách khác là mực trong câu tục ngữ tượng trưng cho cái xấu xa, mặt tiêu cực. Còn đèn thì sao ? Đèn là vật cho ta ánh sáng để soi tỏ mọi thứ xung quanh nên nó tượng trưng cho mọi điều tốt lành, sáng sủa. Từ hai hình ảnh tương phản đối lập : mựcđèn, câu tục ngữ ngầm nhắc nhở chúng ta rằng : Nếu chơi với hạng người xấu, ta sẽ bị ảnh hưởng những thói hư tật xấu còn nếu kết bạn với người tốt, ta sẽ học được ở họ nhiều điều hay lẽ phải bởi hoàn cảnh sống tốt thì con người sẽ tốt, hoàn cảnh sống xấu thì con người sẽ xấu. Vì vậy, chúng ta phải biết "chọn bạn mà chơi".

Bạn đã từng cho rằng : Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã sáng. Không sao cả. Tuy nhiên, đó chỉ là một con số ít trong xã hội, đó là những người biết giữ mình đối với cái xấu nhưng lại bảo thủ, không rộng mở chào đón sự tốt đẹp. Vì thế nên đa phần chúng ta vẫn ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Sự đời ra sao thì con người ra vậy.

Thực tế cuộc sống cho ta thấy câu tục ngữ là hoàn toàn có cơ sở.

Chẳng ở đâu xa, ngay trong gia đình mỗi chúng ta cũng thế. Bạn cứ thử để ý mà xem có phải rằng nếu trong một gia đình, mọi người hoà thuận, bình đẳng, yêu thương tức là một gia đình hạnh phúc thì con cái thường rất ngoan ngoãn, hiếu thảo. Ngược lại, nếu ông bà, cha mẹ, anh chị không làm được tấm gương cho con em noi theo thì chúng chắc chắn sẽ hư hỏng, tâm hồn trẻ thơ bị ảnh hưởng nặng nề. Đến cậu bé Mạnh Tử năm nào cũng phải cảm ơn tạo hoá đã ban cho cậu một người mẹ hiền biết cách dạy con. Nhờ có người phụ nữ thương con ấy, sau này Mạnh Tử mới có thể học rộng, tài cao, được suy tôn là Á Thánh. Thử hỏi, nếu ban đầu thấy con hư hỏng bởi môi trường sống xung quanh mà người làm cha làm mẹ bỏ mặc thì con có nên người chăng ?

Lẽ thường trong đời sống chúng ta : hư hỏng thì dễ, tốt đẹp thì khó. Trong xã hội, một lần nữa bạn để ý mà xem những người tốt bỗng dưng trở thành xấu, phần vì họ không biết giữ mình để bị lôi kéo vào cái xấu xa, phần vì hoàn cảnh, số phận đưa đẩy họ. Con người ta chẳng có ai là xấu cả.

Đối với học sinh chúng ta, nếu từ nhỏ đã không chịu học tập sẽ trở nên hư hỏng. Bạn từng nghĩ rằng cuộc đời còn dài nên giờ có buông thả một chút cũng không sao plìải không ? Tôi khuyên bạn nên suy nghĩ lại đi, nếu ngay từ bây giờ, ta không biết cách học, không biết cách chọn bạn để chơi thì chúng ta sẽ nhanh chóng bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu và dĩ nhiên, cánh cửa tương lai sẽ vĩnh viễn đóng lại ngay trước mắt bạn. Ngay bây giờ, bạn có thể tưởng tượng ra những người ngồi bóc lịch trong tù không ? Họ cũng không phải người xấu, chỉ vì phút tham lam, cay cú nhất thời mà giờ họ đã đánh mất cuộc đời. Vĩnh viễn ân hận sau song sắt.

Đến bây giờ, tôi vẫn không phủ định ý kiến của bạn, gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã sáng. Quả thật, chúng ta nên khâm phục những con người như thế. Họ như những đoá sen nở "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Nhưng bạn ơi, nhỡ đâu bạn, thậm chí cả tôi đều không phải là những đoá sen rực rỡ toả hương giữa hồ kia thì sao ? Vì vậy tôi nghĩ, tất cả chúng ta hãy sớm có ý thức trong việc quan hệ bạn bè, phải thận trọng và sáng suốt để không phải ân hận về sau. Nhưng cũng không phải là bỏ rơi những người chưa tốt. Chúng ta hãy mở rộng lòng yêu thương cứu vớt họ trở về với cuộc sống lương thiện, với xã hội tươi đẹp, giúp họ làm lại cuộc đời...

Câu tục ngữ như một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng nhưng khiến ta phải thâm thía suốt đời về cách rèn luyện, tu dưỡng đạo đức sao cho tốt, tránh xa cái xấu đúng như người xưa đã dạy :

Thói thường gần mực thì đen

Anh em bạn hữu phải nên chọn người.

(Nguyễn Nguyệt Hằng, Hà Nội)

Viết bình luận