Soạn bài: Tuần 8 - Nhưng nó phải bằng hai mày

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

(Xem soạn bài: Tuần 8 - Tam đại con gà)

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HlỂU VĂN BẢN

1. Về truyện Nhưng nó phải bằng hai mày

a) Mối quan hệ giữa Cải và thầy lí trước khi xử kiện là mối quan hệ đã được xếp đặt rồi (Cải đã lót tiền trước cho thầy lí năm đồng). Cải cứ nghĩ là quan sẽ cho mình được kiện nên rất ung dung. Tuy nhiên không ngờ khi xử kiện, Cải lại bị thầy lí tuyên bố đánh mười roi. Cải từ thế chủ động chuyển hoàn toàn sang bị động và không thể nói tiếp được lời nào.

b) Sự độc đáo của câu chuyện chính là sự kết hợp giữa hai thứ "ngôn ngữ". Ngôn ngữ bằng lời nói là ngôn ngữ công khai, nói cho tất cả những người có mặt ở đó nghe. Nhưng thứ "ngôn ngữ" bằng động tác thì chỉ có thầy lí và Cải mới hiểu được. Nếu Cải xòe ra năm ngón tay và "ngầm" ra hiệu với thầy lí đó là "lẽ phải" thì thầy lí đã đáp lời nhanh chóng bằng việc xòe năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay mặt, ý nói "lẽ phải" kia đã được nhân đôi. Sự thú vị được người đọc nhận ra khi tìm thấy sợi dây liên hệ thông suốt giữa: lẽ phải - những ngón tay và những đồng tiền.

Ý nghĩa tố cáo của truyện chính là ở chỗ: lẽ phải đối với người xử kiện được tính bằng tiền. Đồng tiền đo lẽ phải, tiền nhiều lẽ phải nhiều, tiền ít lẽ phải ít.

2. Lời nói của thầy lí ở cuối truyện Nhưng nó phải bằng hai mày là một sự vận dụng độc đáo và sáng tạo nghệ thuật chơi chữ gây cười. "Phải" là một tính từ chỉ tính chất, đem ghép nó với một từ chỉ số lượng (phải bằng hai) tưởng như vô lí. Thế nhưng khi ta liên tưởng đến năm đồng và mười đồng tiền đút lót của Cải và Ngô, ta lại thấy nó hoàn toàn hợp lí. Lời phán quyết của thầy lí "vô lí" trong xử kiện nhưng lại có lí trong mối quan hệ (tiền bạc) với các nhân vật. Chính việc "đánh lộn sòng" này đã tạo ra tiếng cười hài hước và sự thích thú trong quá trình "giải mã" tác phẩm của mỗi chúng ta.

3. Ở truyện Nhưng nó phải bằng hai mày, nhân vật bị thất bại trong vụ kiện là nhân vật cải. Cải bị bất ngờ nên không kịp trở tay vì thế mà bị rơi vào tình trạng thảm hại (vừa mất tiền lại vừa bị đánh). Thế nhung câu chuyện chính là lời phê phán cả hai nhân vật. Sự tham lam của bọn quan lại sẽ càng ngày càng tráo trở hơn nếu còn có những người như Ngô và Cải. Hành vi tiêu cực của chính họ là nguyên nhân làm cho họ trở nên thảm hại. Trong sự việc này, họ là những kẻ đáng thương nhưng cũng là những người đáng giận.

III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Đối với truyện Nhưng nó phải bằng hai mày

- Hành động của nhân vật Cải và Ngô: Hai người đều tìm cách đưa đút lót trước cho thầy lí mà không rõ hành động của người kia.

- Thầy lí thì tham lam nên nhận tiền của cả hai người. Khi xử kiện lại lấy bàn tay để ra hiệu.

- Lời nói hài hước của các nhân vật: "Xin xét lại, lẽ phải về con mà'" (Cải nói). "Tao biết mày phải... nhưng nó lại phải... bằng hai mày!" (lời đáp của thầy lí).

=> Từ hai truyện Tam đại con gàNhưng nó phải bằng hai mày, có thể khái quát mấy đặc trung chung của thể loại truyện cười:

- Khai thác những sự việc, hành vi, thói xấu của một bộ phận đối tượng trong dân gian.

- Chứa đựng những mâu thuẫn trái quy luật tự nhiên và tiềm ẩn những yếu tố gây cười.

- Dung lượng ngắn, kết cấu lô gích chặt chẽ và kết thúc bằng những sự việc hoặc liên tưởng bất ngờ.

Viết bình luận