Soạn bài: Tuần 6 - Thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1 - 12 - 2003

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Cô-phi An-nan sinh năm 1938, người Ga-na (châu Phi), nguyên là Tổng thư kí Liên hợp quốc trong hai nhiệm kì liên tiếp (từ năm 1997 đến năm 2007). Ông được nhận giải thưởng Nô-ben Hoà bình năm 2001 vì những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng "một thế giới được tổ chức tốt hơn và hoà bình hơn". Khi còn giữ cương vị Tổng thư kí Liên hợp quốc, Cô-phi An-nan đã ra Lời kêu gọi hành động gồm năm điều về việc đấu tranh với đại dịch HIV/AIDS, đồng thời khởi xướng thành lập Quỹ Sức khoẻ và AIDS toàn cầu.

2. Văn bản là thông điệp của Cô-phi An-nan gửi nhân dân thế giới nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1 - 12 - 2003.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Vấn đề cốt lõi mà bản thông điệp hướng tới đó là kêu gọi sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng đối với HIV/AIDS. Sở dĩ phải đưa vấn đề AIDS lên "vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế" của mỗi quốc gia và mỗi cá nhân là vì sự nguy hiểm không thể lường trước được của đại dịch này. Để thuyết phục người đọc, người nghe, Cô-phi An-nan đã đưa ra những con số thống kê cụ thể về số người bị nhiễm HIV và đặc biệt là sự "lây lan với tốc độ báo động" của HIV/AIDS ở phụ nữ và ở những nơi mà trước đây "hầu như vẫn còn an toàn". Ông cũng cảnh báo rằng "chúng ta đã bị chậm trong việc giảm quy mô và tác động của dịch so với chỉ tiêu đã đề ra". AIDS là vấn đề có tính chất toàn cầu, chính vì thế mà "chúng ta không thể tuyên bố rằng những thách thức cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng hơn và cấp bách hơn". Việc đẩy lùi HIV/AIDS đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng, phải nhân được sự quan tâm và những hành động thiết thực của mỗi cá nhân.

2. Tác giả bản thông điệp đã đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng thực tế đế lập luận, chứng minh, thuyết phục mọi người hiểu rằng các cố gắng chống HIV/AIDS của chúng ta thời gian qua là chưa đủ. Ông chỉ ra rằng, đến thời điểm này, ngân sách dành cho phòng chống AIDS đã được tăng lên một cách đáng kể nhờ vào sự cam kết đóng góp của từng quốc gia, đồng thời, quỹ toàn cầu về phòng chống AIDS, lao và sốt rét cũng đã được thông qua. Đại đa số các nước đã xây dựng chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS của mình. Ngày càng có nhiều công ti áp dụng chính sách phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc. Các nhóm từ thiện và cộng đồng đã luôn đi đầu trong cuộc chiến chống AIDS, hiện đang hoạt động tích cực trong việc phối hợp chặt chẽ với chính phủ và các tổ chức khác để cùng nhau ứng phó với bệnh dịch này.

Nhưng tác giả bản thông điệp cũng chỉ ra rất rõ rằng, cũng chính trong lúc này, dịch HIV/AIDS vẫn hoành hành gây tỉ lệ tử vong cao trên thế giới và có rất ít dấu hiệu suy giảm. "Trong năm qua, mỗi phút đồng hồ của một ngày trôi đi, có khoảng 10 người bị nhiễm HIV. Ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tuổi thọ của người dân bị giảm sút nghiêm trọng. HIV/AIDS đang lây lan với tốc độ báo động ở phụ nữ. Giờ đây, phụ nữ đã chiếm tới một nửa trong tổng số người nhiễm trên toàn thế giới. Bệnh dịch này đang lan rộng nhanh nhất ở chính những khu vực mà trước đây hầu như vẫn còn an toàn - đặc biệt là Đông Âu và toàn bộ châu Á, từ dãy núi U-ran đến Thái Bình Dương".

Rõ ràng, chúng ta đã cam kết và các nguồn lực đã được tăng lên. Song hành động của chúng ta vẫn quá ít so với yêu cầu thực tế.

Bản thông điệp được đưa ra trên cơ sở tổng kết một thực tiễn là chúng ta đã "không hoàn thành được một số mục tiêu đề ra cho năm nay theo Tuyên bố về Cam kết phòng chống HIV/AIDS. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta đã bị chậm trong việc giảm quy mô và tác động của dịch so với chỉ tiêu đề ra cho năm 2005. Với tiến độ như hiện nay, chúng ta sẽ không đạt được bất cứ mục tiêu nào vào năm 2005".

3. Trong lời kêu gọi mọi người phải nỗ lực phòng chống HIV/AIDS nhiều hơn nữa, tác giả đã nhấn mạnh đặc biệt đến việc kì thị và phân biệt đối xử với những người mắc bệnh. Ông cho rằng sự dè dặt, từ chối đối mặt với sự thật không mấy dễ chịu này hoặc vội vàng phán xét đồng loại của mình sẽ khiến chúng ta không đạt được tiến độ hoàn thành các mục tiêu, thâm chí còn bị chậm hơn nữa, nếu sự kì thị và phân biệt đối xử vẫn tiếp tục diễn ra đối với những người bị HIV/AIDS.

Bản thông điệp có giá trị hết sức to lớn đối với cuộc chiến chống đại dịch HIV/AIDS. Nó đã chỉ ra thực trạng, nguyên nhân của đại dịch và đề ra giải pháp, kêu gọi mọi người hành động. Bản thông điệp cũng thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh và tâm huyết của người đứng đầu tổ chức Liên hợp quốc. Đó là một tầm nhìn sâu rộng, một bản lĩnh mạnh mẽ, vững vàng và một tấm lòng thiết tha với sự sống của con người, của cộng đồng. Cũng chính hhững điều đó đã tạo nên sức thuyết phục cho bản thông điệp.

4. Đoạn cuối trong bản thông điệp (từ "Đó là lí do chúng ta phải công khai lên tiếng về AIDS" đến hết) có khả năng lay động tình cảm và ý thức trách nhiệm của mỗi chúng ta mạnh mẽ hơn cả. Tác giả đã sử dụng nhiều câu mệnh lệnh, đặt mỗi chúng ta vào trong cuộc chiến đấu này, chỉ ra rằng trong thế giới khốc liệt của AIDS không có chỗ cho sự kì thị và thái độ phân biệt đối xử; rằng chúng ta im lặng có nghĩa là chúng ta chấp nhận cái chết và rằng cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính mỗi người. Lời kêu gọi thống thiết, đầy sức thuyết phục đó có khả năng lay động mạnh mẽ trái tim và khối óc người đọc.

Từ việc tìm hiểu cách viết đoạn văn trên của tác giả, chúng ta rút ra được nhiều bài học cho việc làm bài ván nghị luận của chính bản thân mình. Đó là bài học về cách lập luận, cách nêu dẫn chứng, cách diễn đạt,... sao cho chặt chẽ, mạch lạc và giàu sức thuyết phục, tác động không chỉ đến nhận thức mà còn lay động cả trái tim của người đọc.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

- Để thực hiện yêu cầu của đề bài (viết một bản báo cáo về thực trạng phòng chống HIV/AIDS ờ địa phương), anh (chị) nên đến các cơ quan, ban ngành có liên quan của địa phương nơi mình sinh sống để xin các tài liệu tham khảo và dựa vào thực tế các hoạt động, phòng chống HIV/AIDS của địa phương.

- Nội dung báo cáo cần nêu được những ý sau:

+ Khái quát về thực trạng tệ nạn xã hội (ma tuý, mại dâm) và các trường hợp có HIV ở địa phương: những loại tệ nạn xã hội trên có phổ biến không (dẫn số liệu), số lượng người có HIV là bao nhiêu (dẫn số liệu),... Từ đó, nhận định về nguy cơ lây nhiễm các tộ nạn xã hội và HIV/AIDS.

+ Những hoạt động phòng chống HIV/AIDS: kể tên các hoạt động, phong trào tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội (ma tuý, mại dâm), HIV/AIDS ; các hoạt động của công an địa phương truy quét các tụ điểm tệ nạn xã hội,... (các hoạt động ấy diễn ra thường xuyên hay định kì, có thời gian cao điểm không, nếu có thì vào thời điểm nào (dẫn các số liệu),...).

+ Hiệu quả của các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở địa phương: tệ nạn ma tuý, mại dâm giảm đi/tăng lên như thế nào (dẫn số liệu), tỉ lệ người có HIV giảm/tăng ra sao (dẫn số liệu),...

+ Đánh giá chung về tình hình phòng chống HIV/AIDS ở địa phương (tốt, chưa tốt,...).

Viết bình luận