Soạn bài: Tuần 5 - Đọc thêm: Chạy giặc

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Sự xâm lược của thực dân Pháp và cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống xâm lược đã tác động hết sức sâu sắc đến đời sống của toàn dân tộc cũng như của mỗi con người. Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy. Nếu như trước đó ông còn ca ngợi nhân nghĩa, đề cao đạo Khổng thì bây giờ toàn bộ thơ văn của ông chuyển hẳn sang trận địa mới: đánh giặc, cứu nước. Không một bài thơ nhỏ nào của ông làm ra trong thời gian này lại không mang cái chí hướng ấy, cái tâm sự ấy.

2. Chạy giặc là một trong những sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu trong giai đoạn đầu khi thực dân Pháp mới đặt chân lên đất Nam Kì. Bài thơ thể hiện niềm đau xót khôn nguôi trước tình cảnh đất nước và nhân dân bị rơi vào cảnh khói lửa lầm than.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Bài thơ mở đầu bằng tiếng súng Tây ùng oàng đột ngột dội lên:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,

Một bàn cờ thế phút sa tay.

Nhà thơ thật khéo chọn cái khung cảnh để gợi cái sự nhớn nhác của nhân dân trước tiếng súng xâm lược của kẻ thù. Khung cảnh ấy là cái chợ - nơi ồn ào, náo nhiệt nhất của mọi miền quê, cũng là nơi cùng lúc tập hợp đông người nhất, thế nên cái sự nháo nhác kia mới nổi lên thật rõ và càng rõ thêm cái ý: sự trù phú, đông đúc giờ đã bị phá tan. Tinh cảnh đất nước thật nguy khốn quá. Nó chẳng khác gì một bàn cờ thế mà ta bị họ dồn vào thế hiểm nghèo, bí bách và nguy nan. Hai câu thơ mang đến nhận thức: Đất nước ta đã rơi vào tay giặc. Thực dân Pháp từng bước tấn công vào ba tỉnh miền Đông rồi cả ba tỉnh miền Tây Nam Bộ. Cụm từ "tiếng súng Tây” báo hiệu một kẻ thù mới. Nó không phải là kẻ thù từ phương Bắc mà từ phương Tây tới.

Hai câu thơ như một thông báo: đất nước đã rơi vào thảm hoạ của giặc ngoại xâm. Cách thể hiện bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ như chỉ mặt đặt tên kẻ thù để mọi người cùng thấy. Đằng sau những hình ảnh, câu chữ ấy hẳn là nỗi xót xa.

Bốn câu thơ tiếp là những câu thơ tả thực:

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,

Mất ổ bầy chim dáo dác bay.

Bến Nghé của tiền tan bọt nước,

Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Cảnh tan đàn, sẻ nghé. Con người bơ vơ bỏ nhà chạy giặc không định hướng, không ai dắt dẫn, biết về đâu. Mượn hình ảnh bầy chim mất ổ dáo dác bay để diễn tả cảnh hốt hoảng, ngơ ngác, tan tác của con người khi giặc đến là một sự liên tưởng sắc sảo và tinh tế.

Bến Nghé, Đồng Nai những địa danh vừa cụ thể vừa mang tính khái quát chỉ những vùng đất Nam Bộ, bị giặc đốt, phá phách, cướp bóc. Tất cả đều tan tác, tro bay. Giặc đi đến đâu là cướp, phá, đốt nhà cửa, giết hại sinh linh đến đó. Câu thơ được viết ra bằng nỗi xót xa trước tình cảnh của người dân vô tội, bằng sự căm thù chứa trong tâm can. Những câu thơ như góp lửa cho lòng căm thù quân cướp nước để bốc cao thiêu cháy kẻ thù xâm lược và lũ đê hèn đầu hàng nhục nhã. Tuy không có điều kiện để đứng vào đội ngũ chiến đấu, thầy Đồ Chiểu đã dùng ngòi bút của mình để kể tội quân cướp nước và xót xa trước tình cảnh của nhân dân. Thơ văn của ông mang tính chiến đấu và nhân cách sáng ngời của nhà thơ cũng ở đó.

2. Hai câu cuối bài:

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Nỡ để dân đen mắc nạn này?

Nguyễn Đình Chiểu đặt ra câu hỏi, không phải hỏi chung chung mà hỏi rất cụ thể. “Trang” chỉ người đáng kính trọng. “Trang dẹp loạn” là hỏi người có chức trách trước tình cảnh của đất nước, của nhân dân. Nhà thơ đề cao họ trong mấy từ này. Song câu kết bài “Nỡ để dân đem mắc nạn này” lại hạ thấp họ. Mũ áo Xênh xang, tài thao lược để đâu. Sự thờ ơ vô trách nhiệm của triều đình nhà Nguyễn, của vua, quan chức sắc, của tư tưởng bạc nhược, của hành động hèn nhát có thấy gì không? Câu hỏi như một cái tát không kìm nén của một người yêu nước vào mặt những con người ấy. Đồng thời nhà thơ cũng không giấu nổi xót xa.

Bài thơ vừa tả thực, vừa khái quát để vừa kể tội quân giặc vừa xót xa trước tình cảnh nhân dân. Giá trị hiện thực của bài thơ góp phần làm nên tính chiến đấu mạnh mẽ của thơ văn thầy Đồ Chiểu.

Viết bình luận