Soạn bài: Tuần 28 - Truyện Kiều

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Cuộc đời

Nguyễn Du (1765 - 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cha ông là một vị tể tướng trong triều, còn mẹ là một người phụ nữ tảo tần sinh ra ở vùng quê quan họ (Bắc Ninh). Cuộc đời Nguyễn Du may mắn được tiếp nhân truyền thống đặc sắc của nhiều vùng văn hoá.

Thời thơ ấu, Nguyễn Du sống ở Thăng Long trong một gia đình quý tộc phong kiến. Ông được tiếp xúc với rất nhiều quan trong triều, nhưng cũng sớm nhận ra sự đối lập giữa cuộc sống xa hoa, quyền quý của giới quý tộc với cuộc sống bần hàn của nhân dân và thân phận đau khổ của những người kĩ nữ (những người mà ông có dịp trực tiếp được tiếp xúc khi sống ở kinh thành). Sáng tác của ông rất có thể bị ám ảnh bởi những điều mà ông đã từng chứng kiến lúc này.

Cuộc sống vương giả qua nhanh khi nhà Lê suy sụp. Nguyễn Du phải nếm trải cuộc sống khó khăn, gian khổ, chật vật suốt hơn chục năm trời. Nhưng cũng chính bởi thế mà ông thấu hiểu sâu sắc hơn cuộc sống của nhân loại bao la. Cuộc sống gian nan đã bồi dưỡng cho tâm hồn ông những vốn hiểu biết cần thiết để hình thành nên phong cách ngôn ngữ của các tác phẩm thơ Nôm, đặc biệt là Truyện Kiều.

Cuối đời Nguyễn Du có ra làm quan cho nhà Nguyễn nhưng ông không thật mặn mà với chốn quan trường. Năm 1820, Nguyễn Du dược cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc lần thứ hai nhưng chưa kịp lên đường thì ông mất.

2. Sự nghiệp văn học

a) Các sáng tác chính: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, Truyện Kiều, Văn chiêu hồn (xem thêm phần giới thiệu tác phẩm trong SGK)

b) Nội dung sáng tác

- Nét nổi bật nhất về nội dung trong các sáng tác của Nguyễn Du đó là tư tưởng nhân đạo, là sự đề cao cảm xúc, đề cao giá trị nhân văn của con người. Thơ văn Nguyễn Du là sự cảm thông sâu sắc của tác giả dành cho cuộc sống và con người, nhất là những con người nhỏ bé, bất hạnh bị rẻ rúng, những người phụ nữ phải chịu nhiều đắng cay thua thiệt trong xã hội, những người tài sắc nhưng số phận đa đoan,... Tất cả những con người ấy đều được ông quan tâm bằng một tấm lòng thưong yêu, trân trọng.

- Cùng với tấm lòng thương yêu sâu sắc, văn chương của Nguyễn Du còn là tiếng nói cất lên mạnh mẽ tố cáo những xấu xa của xã hội, đặc biệt là những thế lực chà đạp con người.

c) Phong cách nghệ thuật

- Nguyễn Du là một tài năng đa dạng. Ông nắm vững và thành thục nhiều thể thơ của Trung Hoa. Thơ chữ Hán của ông rất uyên thâm và ở thể thơ nào cũng có bài xuất sắc.

- Đặc biệt, tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du quy tụ và nở rộ trong mảng thơ Nôm. Ngôn ngữ thơ Nôm của Nguyễn Du dồi dào, có chọn lọc; các biện pháp nghệ thuật đạt tới mức tinh luyện và mẫu mực. Thể thơ lục bát của dân tộc, đến Nguyễn Du, cũng được ông nâng lên một tầm cao mới với khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình phong phú của thể loại truyện thơ.

II - HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

1. Nhân xét về cuộc đời Nguyễn Du và ảnh hưởng của nó đối với sáng tác của nhà thơ.

Gợi ý:

- Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình quý tộc phong kiến quyền quý. Vì thế, lúc tuổi thơ và thời niên thiếu, ông được hưởng đầy đủ những điều kiện tốt nhất về giáo dục. Cuộc sống vương giả cũng giúp ông tích luỹ được nhiều hiểu biết quý báu về giới quan trường và cuộc sống xa hoa của các bậc đế vương.

- Sống trong thời loạn, trực tiếp chứng kiến sự khủng hoảng của xã hội phong kiến Việt Nam, lại từng có nhiều năm trải nghiệm cuộc đời gian khổ trong những hoàn cảnh khác nhau, những môi trường khác nhau, Nguyễn Du đã thể hiện một tư tưởng chính trị xã hội khá phức tạp (vừa nặng tư tưởng trung quân, lại vừa có những biểu hiện trân trọng Tây Sơn, lúc cuối đời ông còn ra làm quan cho nhà Nguyễn,...). Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là sau khi trải qua những bước thăng trầm, Nguyễn Du nghiêng nhiều hơn về cuộc sống giản dị. Những năm tháng gian nan cũng khiến ông am hiểu và cảm thông sâu sắc hơn những nỗi đau khổ của nhân dân.

- Nguyễn Du còn có điều kiện tiếp thu văn hoá của nhiều vùng đất khác nhau (quê cha ở Hà Tĩnh, quê mẹ ở Bắc Ninh, quê vợ ở Thái Bình), đó là truyền thống hiếu học, truyền thống yêu nước, là sự êm đềm và tình tứ của những vùng quê vãn hoá (Bắc Ninh, Thái Bình). Những vẻ đẹp văn hoá ấy đã được chắt lọc và kết tinh ở Nguyễn Du, hình thành nên tư tưởng, phong cách, giọng điệu,... nghệ thuật của ông.

2. Sưu tầm và thảo luận về nội dung bài thơ Phản “Chiêu hồn" của Nguyễn Du.

Gợi ỷ:             

- Bên cạnh Truyện KiềuVăn tế thập loại chúng sinh, thì Phản “Chiêu hồn" là một đỉnh cao khác trong sáng tác của Nguyễn Du.

- Bài thơ này được làm để phản lại bài “Chiêu hồn" (bài thơ gọi hồn Khuất Nguyên) của Tống Ngọc (thời Trung Quốc cổ đại). Nội dung bài thơ thể hiện rất rõ quan niệm và cảm hứng phê phán xã hội sâu sắc, mạnh mẽ của Nguyễn Du.

- Để tổ chức buổi thảo luận thành công, cần phân công thành các nhóm: nhóm sưu tầm văn bản (tìm trong các tuyển Thơ chữ Hán của Nguyễn Du); nhóm sưu tầm các ý kiến đánh giá về nội dung tác phẩm. Sau đó tổ chức thảo luận về quan điểm của Nguyễn Du (có thể chủ động nêu lên các ý kiến riêng của bản thân mình).

Viết bình luận