Soạn bài: Tuần 19 - Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học

I - ĐỀ BÀI THAM KHẢO

1. Người xưa có câu: "Đàn bà chớ kể Thuý Vân. Thuý Kiều". Anh (chị) hãy nói rõ ý kiến của mình về quan niệm trên.

2. Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

3. Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

II - GỢI Ý TRẢ LỜI

1. Các ý chính cần đạt

- Câu nói của người xưa có hai vế đầy đủ là:

Đàn ông chớ đọc Phan Trần,

Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều.

Câu lục bát này là thái độ khá khắt khe của các nhà nho xưa đối với các nhân vật trong các tác phẩm văn học nói riêng và sự ảnh hưởng của nó đối với con người trong xã hội nói chung.

- Sở dĩ có thái độ như vậy là vì, các nhà nho xưa cho rằng Thuý Kiểu có nhiều hành động và những ứng xử không phù hợp với lễ giáo phong kiến (là con gái mà lại chủ động Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình đi tìm người yêu, tự ý thề ước với Kim Trọng, mấy lần vào thanh lâu, qua tay không biết bao người đàn ông,...). Tất cả những việc này của Thuý Kiều, theo họ không tốt cho phụ nữ (đàn bà). Nó có thể làm cho đàn bà hư hỏng. Nó xúi giục họ sống lối sống buông thả, vượt ra khỏi những nguyên tắc của đạo Tam tòng tứ đức và chữ Tiết hạnh,...

- Tuy nhiên, cần phải đánh giá một cách công bằng rằng, Thuý Kiều có quyền chủ động đi tìm hạnh phúc. Trong giao tiếp nói chung, cũng như trong lúc gặp gỡ và thề ước với Kim Trọng nói riêng, nàng luôn giữ thái độ đoan trang đúng mực. Thậm chí khi Kim Trọng:

Sóng tình dường đã xiêu xiêu,

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.

Thuý Kiều đã rất kiên quyết:

Thưa rằng: "Đừng lấy làm chơi,

Dẽ cho thưa hết một lời đã nao!

[...]

Đã cho vào bậc bố kinh,

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

Ra tuồng trên Bộc, trong dâu,

Thì con người ấy ai cầu làm chi!

Phải điều ăn xổi ở thì,

Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày!".

Vì chữ hiếu, Kiều đã phải hi sinh tình riêng và cả tương lai của mình (nàng đã phải bán mình chuộc cha). Lâm vào tình thế tuyệt vọng, Kiều đã mấy lần tự tử nhưng không thành,...

Tóm lại, Kiều là một nhân vật đáng thương. Đọc Truyện Kiều ta thấy sự tàn ác vô nhân đạo của chế độ phong kiến đối với con người, nhất là đối với phụ nữ, kể cả những bậc tài sắc tuyệt vời.

2. Các ý chính cần dạt

- Phân tích cuộc đời nhân vật Chí Phèo qua các giai đoạn:

+ Chí Phèo có tuổi thơ bất hạnh: mồ côi, phải đi ở rồi làm thuê cho nhiều gia đình ở trong làng. Hắn là một cố nông hiền lành, chăm chỉ, có những mơ ước giản dị và lương thiện.

+ Chí Phèo bị bá Kiến ghen tuông rồi bị đẩy đi ở tù. Ra tù, Chí bị tha hoá cả về ngoại hình lẫn tính cách. Hắn say triền miên. Hắn giao tiếp với mọi người bằng tiếng chửi. Thậm chí, từ kẻ thù, hắn trở thành tay sai cho bá Kiến trong những cuộc tranh chấp ở làng,...

+ Nhưng Chí chưa mất hẳn nhân tính. Tinh yêu mộc mạc, giản dị với thị Nở đã đánh thức con người lương thiện ở Chí: hắn muốn làm người lương thiện nhưng ai cho hắn làm người lương thiện? "Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này!". Hắn không thể làm người lương thiện nữa. Hắn vùng lên giết chết bá Kiến và tự kết liễu đời mình trong bế tắc.

- Nguyên nhân dẫn đến sự tha hoá của Chí Phèo: do Chí phải sống trong cái môi trường "quần ngư tranh thực". Nạn nhân của sự tranh chấp giữa các phe cánh phong kiến chính là những người dân hiền lành như Chí. Môi trường xã hội phi nhân tính đã đẻ ra những con người như Chí Phèo.

- Khẳng định: Chí Phèo là nạn nhân của bọn địa chủ cường hào ở nông thôn trước Cách mạng tháng Tám 1945.

3. Dàn ý

Mở bài:

- Truyện Chữ người tử tù thành công nhiều mặt về nghệ thuật, trong đó nổi bật là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật.

- Đặc sắc nghệ thuật đó được thể hiện tập trung ở việc miêu tả thái độ ứng xử của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục.

Thân bài:

Nên phân tích theo hai giai đoạn:

a) Giai đoạn đầu:

- Viên quản ngục tỏ thái độ biệt đãi Huấn Cao nhưng Huấn Cao đã nói những lời miệt thị, chối từ (dẫn chứng).

- Nhận xét về lời nói và thái độ của viên quản ngục và lời chối từ ngắn gọn, dứt khoát, đầy miệt thị của Huấn Cao.

- Phân tích vì sao Huấn Cao có thái độ như vậy. Thái độ đó có phù hợp với nhân cách của Huấn Cao hay không?

b) Giai đoạn sau:

- Huấn Cao cảm động vì tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của quản ngục. Ông đã viết tặng viên quản ngục những chữ cuối cùng của đời mình và khuyên bảo viên quản ngục những lời tâm huyết (Trích dẫn chứng để phân tích).

- Nhận xét về thái độ và lời nói của Huấn Cao đối với viên quản ngục. Vì sao lời nói và thái độ của Huấn Cao đối với viên quản ngục lại hoàn toàn khác trước? Thái độ đó có hợp với nhân cách của Huấn Cao hay không?

Kết bài:

- Nguyễn Tuân đã vẽ lên một hình ảnh Huấn Cao:

+ Vừa cao ngạo, bất khuất;

+ Vừa chân tình và tài hoa, biết trân trọng những tấm lòng tốt trong thiên hạ, biết đề cao thiên lương đẹp đẽ của con người, biết yêu quý nghệ thuật.

- Nguyễn Tuân đã thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lí

Viết bình luận