Soạn bài: Tuần 19 - Viết bài làm văn số 4: Văn thuyết minh (Bài làm ở nhà)

I - ĐỀ BÀI THAM KHẢO

Đề 1: Vai trò của cây cối (hoặc của rừng, của các loài động vật hoang dã, của nhiên liệu sạch,...) trong việc bảo vệ môi trường sống.

Đề 2: Tác hại của ma tuý (hoặc của rượu, thuốc lá,...) đối với đời sống của con người.

Đề 3: Một kinh nghiệm học văn hoặc làm văn.

II - HƯỚNG DẪN

1. Tìm hiểu đề

- Đề bài yêu cầu tạo lập kiểu văn bản nào? (thuyết minh).

- Tương ứng với kiểu văn bản ấy, sử dụng phương thức biểu đạt nào là chủ yếu?

- Đối tượng biểu đạt là gì? Nội dung cần biểu đạt ra sao?

- Để thực hiện yêu cầu của đề bài, cần chuẩn bị những tri thức và kĩ năng gì?

2. Lập dàn ý

a) Mở bài: Mở bài theo kiểu trực tiếp hay gián tiếp? Xác định những nội dung cần biểu đạt trong phần Mở bài tuỳ theo từng cách. Giới thiệu về đề tài, chủ đề của bài vãn. Giới thiệu khái quát về đối tượng thuyết minh.

b) Thân bài:

Triển khai nội dung cần biểu đạt (nêu luận điểm và đưa ra những dẫn chứng giàu sức thuyết phục về vai trò của cây cối, của rừng, của nhiên liệu sạch,... về tác hại của ma tuý, thuốc lá,... hoặc mô tả lại những kinh nghiệm của bản thân về việc học tập môn Ngữ vãn,...).

c) Kết bài: Đưa ra nhận định, đánh giá tổng quát về nội dung biểu đạt.

3. Gợi ý cho từng đề bài

Ở Bài viết số 4 này, các đề bài đều đưa ra yêu cầu tạo lập văn bản thuyết minh. Trong bài viết của mình, học sinh có thể sử dụng nhiều phương thức biểu đạt khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là phương thức thuyết minh.

a) Đề 1:

- Cây cối, rừng, động vật hoang dã, nhiên liệu sạch,... có vai trò gì đối với cuộc sống của chúng ta? Nêu dẫn chứng? (Ví dụ: chức năng điều hoà không khí, duy trì sự cân bằng sinh thái, ngăn chặn lũ lụt, lở đất, làm phì nhiêu cho đất, làm giảm sự ô nhiễm môi trường,...).

- Thế nhưng, hiện nay, ở nhiều nơi, con người vẫn đang làm những việc có hại đối với môi trường. Những việc đó là gì? (chặt phá rừng bừa bãi, săn bắt trái phép các loài thú hoang dã, quý hiếm,...).

- Chúng ta phải làm gì để phát huy vai trò của rừng, của cây cối,... trong việc bảo vệ môi trường sống? (tuyên truyền tích cực về vai trò quan trọng của rừng, của cây xanh, xử lí nghiêm minh những người vi phạm luật bảo vệ rừng, đồng thời tích cực nghiên cứu để tìm ra những nguồn năng lượng mới, những nguồn nhiên liệu sạch).

Lưu ỷ: Phần quan trọng nhất cần tập trung làm rõ vẫn là vai trò của cây cối, của rừng,... đối với môi trường sống. Có thể thuyết minh bằng lí lẽ nhưng cũng có thể đưa vào bài viết những số liệu tin cậy mà em đọc được trên sách báo hoặc nghe trên đài, ti vi,...

b) Đề 2:

- Tác hại của ma tuý, rượu, thuốc lá,... đối với cuộc sống của chúng ta như thế nào?

+ Đối với mỗi cá nhân: Ma tuý, rượu, thuốc lá,... làm tổn hại sức khoé, giảm sự minh mẫn và năng suất trong lao động, giảm trí nhớ và tuổi thọ,..

+ Đối với gia đình và xã hội: người nghiện trở thành gánh nặng cho gia đình về vật chất và tinh thần. Họ còn gây những ảnh hưởng xấu tới xung quanh: gây ồn ào; gây mất trật tự xã hội; làm nảy sinh các tệ nạn khác một cách nhanh chóng; làm tổn hại sức khoẻ của những người cùng sống trong gia đình hay làm việc trong cùng cơ quan; về lâu dài, con cái của những người mắc nghiện nếu được sinh ra chắc chắn cũng ở trong tình trạng suy nhược,...

- Nhận thức của con người về tác hại của những chất gây nghiện này ra sao? (Con người biết khá rõ về tác hại của những chất này nhưng vì một số kẻ tham lợi mà những chất gây hại nêu trên vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở khắp nơi trên thế giới)

- Tinh trạng nghiện ngập trong giới học sinh, sinh viên hiện nay ra sao? (khá phổ biến, chủ yếu là đua đòi học theo người lớn)

Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn những tệ nạn nêu trên? (Tuyên truyền, động viên tích cực người thân, bạn bè để mọi người hiểu rõ tác hại của chúng và tìm cách lánh xa các chất gây hại đó. Thêm nữa, nhà nước cần có biện pháp hạn chế sản xuất cùng việc nhập khẩu rượu và thuốc lá. Cũng cần xử lí thật nghiêm minh những người sử dụng chất gây nghiện trái phép, hoặc sử dụng tại những nơi công cộng gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của nhiều người,...)

c) Đề 3:

- Kinh nghiệm học hoặc làm văn đó là gì? (kinh nghiệm học thuộc thơ, kinh nghiệm tóm tắt truyện, kinh nghiệm xây dựng dàn ý, kinh nghiệm viết mở bài, kết bài, đưa dẫn chứng,...).

- Mô tả lại quá trình trải nghiệm của bản thân để có được kinh nghiệm ấy.. (Bạn học được điều đó ở đâu? Từ sách vở, từ thầy cô hay do bản thân tự nghĩ ra và đã thực hiện thành thục nhiều lần? Kinh nghiệm của bạn đã được kiểm chứng hay chưa? Nó đạt hiệu quả thế nào? Thầy cô và bạn bè đã đánh giá về điều đó ra sao? Bản thân bạn tự thấy kinh nghiệm đó nếu được phổ biến cho người khác thì có gặp khó khăn trong việc áp dụng hay không? Hiệu quả sẽ thế nào?)

- Phổ biến lại kinh nghiệm đó (trình bày rõ ràng, dễ hiểu, sử dụng các cụm từ như: trước hết, bước thứ hai là, cuối cùng,...)

Lưu ý: Bài viết trình bày kinh nghiệm trước hết phải đúng, phải khoa học và ít nhiều phải mang tính khả thi. Tuy nhiên, lời văn trong bài không vì thế mà thiếu đi cảm xúc. Một kinh nghiệm hay được truyền đạt lại bằng những câu văn truyền cảm, chân thực và nhiệt huyết thì càng thu hút và thuyết phục người nghe.

Viết bình luận