Soạn bài: Tuần 15 - Quá trình văn học và phong cách văn học

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Quá trình văn học và các quy luật chung của quá trình văn học.

- Quá trình văn học là sự tồn tại, vận động và tiến hoá của văn học vừa phụ thuộc vào quá trình lịch sử xã hội vừa tuân theo những quy luật riêng.

Thứ nhất, quá trình văn học phản ánh sự vận động của văn học trong thời gian và trong không gian. Nói về thời gian, quá trình văn học cho thấy văn học đã phát triển qua nhiều thời kì và giai đoạn, trong đó, các thời kì lớn là cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại và đương đại; trong từng thời kì lại có các giai đoạn cụ thể, tuỳ từng nền văn học mà có những cách phân chia khác nhau. Nói về không gian, quá trình văn học cho thấy văn học đã phát triển không giống nhau, không đồng đều ở các khu vực, lãnh thổ, quốc gia, dân tộc.

Thứ hai, khái niệm quá trình văn học còn chỉ ra cả cấu trúc của bản thân văn học. Đó là một cấu trúc phức tạp vừa bao gồm toàn thể các tác phẩm văn học, mọi hình thức lưu giữ và truyền bá văn học, mọi thành tố của đời sống văn học, lại vừa chứa đựng tất cả những mối quan hệ đa chiều giữa các bộ văn học và giữa văn học với các loại hình nghệ thuật, các hình thái ý thức xã hội khác. Sự đổi thay của ý thức văn học, hình thức văn học, sự biến động trong tiếp nhận văn học cũng là những bộ phận không thể tách rời của quá trình văn học, thậm chí đây là những bộ phận cơ bản nhất. Thiếu chúng, người ta khó mà hình dung được bản chất của quá trình văn học.

- Các quy luật cơ bản của quá trình văn học:

+ Quy luật tiếp nhận tác động của đời sống xã hội: Là một bộ phận của lịch sử xã hội, quá trình văn học tất yếu phải chịu sự chi phối của những yếu tố, điều kiện đã làm nên hay thúc đẩy quá trình đó. Mọi hiện tượng của quá trình văn học đều có tiền đề trực tiếp hay gián tiếp trong đời sống văn hoá, xã hội và lịch sử.

+ Quy luật kế thừa và cách tân: Quá trình văn học chủ yếu là quá trình của sự sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật mới. Những thành tựu văn học ra đời trước tạo ra điểm xuất phát cho những tìm tòi hướng tới các thành tựu mới và quá trình này là vô tận. Ở đây, giữa kế thừa và cách tân có mối quan hệ hết sức chặt chẽ.

+ Quy luật giao lưu: Văn học một dân tộc không thể phát triển nếu thiếu sự giao lưu với văn học của các dân tộc khác. Giao lưu càng rộng thì văn học càng có điều kiện phát triển. Nhưng văn học một dân tộc chỉ thực sự phát triển khi giữa các yếu tố nội sinh và ngoại lai có sự tương tác tích cực, khiến các yếu tố ngoại lai không làm triệt tiêu bản sắc vốn có của nền văn học dân tộc mà ngược lại làm cho bản sắc ấy thêm phong phú.

2. Phong cách văn học là khái niệm được dùng để chỉ tính độc đáo có ý nghĩa thẩm mĩ của một hiện tượng văn học. Cái gọi là hiện tượng văn học này bao gồm phạm vi rất rộng, từ nền văn học của một dân tộc, một thời đại, một trào lưu, một trường phái tới toàn bộ sáng tác của một nhà văn, thậm chí tới những tác phẩm văn học riêng lẻ,... Chính vì vậy, ta thường bắt gặp những cách nói: phong cách nghệ thuật của nhà văn, phong cách nghệ thuật của một tác phẩm văn học cụ thể.

II. HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

1. Quá trình văn học và các quy luật chung của quá trình văn học (xem mục 1 phần Kiến thức cơ bản cần nắm vững).

2. - Đặc trưng cơ bản của văn học Phục hưng, chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực phê phán, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa:

+ Văn học thời Phục hưng ở châu Âu thế kỉ XV, XVI (tiêu biểu là văn học các nước I-ta-li-a, Anh, Pháp, Tây Ban Nha,...) đề cao con người, giải phóng cá tính, chống lại tư tưởng giáo điều, hẹp hòi thời Trung cổ (Đôn Ki-hô-tê của Xéc-van-tét, Ham-lét, Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Sếch-xpia,...)

+ Chủ nghĩa cổ điển ở Pháp thế kỉ XVII chủ trương mô phỏng văn học cổ đại, sáng tác theo các quy tắc lí tính chặt chẽ (Lơ Xít, Người nói dối của Coóc-nây ; Ắng-đrô-mác của Ra-xin ; Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang của Mô-li-e,...).

+ Chủ nghĩa lãng mạn hình thành ở các nước Tây Âu từ sau Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 chủ trương phá bỏ các quy tắc của chủ nghĩa cổ điển, đề cao tưởng tượng, xây dựng các hình tượng nghệ thuật theo mong muốn chủ quan của nhà văn (Những người khốn khổ của Huy-gô, Những tên cướp của Si-le,...).

+ Chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỉ XIX chủ trương nhà văn là "người thư kí trung thành của thời đại" quan sát thực tế để sáng tạo những bức tranh đời sống giàu chi tiết và chân thực, mỗi nhân vật là một điển hình trong hoàn cảnh điển hình (Ơ-giê-ni Grăng-đê của Ban-dắc, Chiến tranh và hoà bình của L. Tôn-xtôi).

+ Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa chủ trương miêu tả xã hội trong quá trình phát triển cách mạng, đề cao vai trò lịch sử của nhân dân lao động (Người mẹ của M. Go-rơ-ki, Sông Đông êm đềm của M. Sô-lô-khốp,...).

+ Chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chủ nghĩa hiện sinh,... là những trường phái văn học hiện đại đã đưa đến những cách nhìn mới về thế giới, con người và có những cách tân quan trọng về thi pháp.

- Vắn tắt về các trào lưu văn học ở Việt Nam: Trong giai đoạn 1930 - 1945, văn học Việt Nam tồn tại khuynh hướng lãng mạn với các tác phẩm văn xuôi của Tự lực văn đoàn, Nguyễn Tuân ; thơ mới của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử,... Giai đoạn này cũng xuất hiện khuynh hướng văn học hiện thực phê phán với các sáng tác của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng,... Từ sau năm 1945, bộ phận văn học cách mạng Việt Nam (vốn tồn tại bí mật trước đó) đã tiếp thu phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, hình thành trào lưu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

3. Phong cách văn học (xem mục 2 phần Kiến thức cơ bản cần nắm vững).

4. Những biểu hiện của phong cách văn học.

- Phong cách văn học được biểu hiện ở những phương diện cơ bản sau:

+ Phong cách văn học biểu hiện trước hết ở cách nhìn, cách cảm thụ giàu tính khám phá đối với cuộc sống. Phong cách của các nền văn học, thời đại văn học, tác gia văn học phân biệt với nhau trước hết là ở cách nhìn và cách cảm thụ đó. Do vậy, đi vào tìm hiểu một phong cách văn học, người ta không thể bỏ qua việc xác định, nắm bắt yếu tố cốt tử này.

+ Giọng điệu riêng gắn liền với cảm hứng sáng tác cũng là một biểu hiện của phong cách văn học.

+ Biểu hiện quan trọng khác của phong cách văn học là nét riêng trong sự lựa chọn, xử lí đề tài, xác định chủ đề, xác định đối tượng miêu tả, thể hiện,...

+ Một biểu hiện hết sức cơ bản nữa của phong cách văn học là tính thống nhất, ổn định trong cách sử dụng các phương thức và phương tiện nghệ thuật.

- Các biểu hiện nói trên của phong cách văn học vốn không tồn tại một cách biệt lập, tách rời. Chúng thuộc nhiều cấp độ, bao hàm lẫn nhau hay tồn tại thông qua nhau. Tất cả tạo thành một nguyên tắc xuyên suốt trong việc xây dựng hình tượng nghệ thuật, đem lại cho hiện tượng văn học một tính chỉnh thể có thể cảm nhận được.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Về sự khác biệt giữa đặc trưng của văn học lãng mạn và văn học hiện thực phê phán qua truyện Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) và đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ - Vũ Trọng Phụng)

Đặc trưng của văn học lãng mạn là thường lấy đề tài trong thế giới tưởng tượng của nhà văn. Theo đó, hình tượng nghệ thuật cũng phải được xây dựng sao cho phù hợp với lí tướng và ước mơ của người nghệ sĩ. Văn học lãng mạn thường sử dụng các thủ pháp đối lập trong miêu tả để tuyệt đối hoá khung cảnh hoặc con người, tính cách của đối tượng. Trong khi đó, văn học hiện thực phê phán chú trọng chọn những đề tài trong cuộc sống hiện thực, chủ trương "nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại". Nhà văn hiện thực phê phán quan sát thực tế, góp nhặt chi tiết để sáng tạo các điển hình văn học. Có thể thấy rõ sự khác biệt trên qua truyện Chữ người tử tù và đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia.

- Chữ người tử tù, vấn đề mà Nguyễn Tuân đề cập đến là vẻ đẹp trong quá khứ, cụ thể là vẻ đẹp của tài hoa, của thiên lương trong sáng và khí phách anh hùng của con người trước cường quyền bạo ngược. Để triển khai đề tài này, Nguyễn Tuân đã lựa chọn xây dựng hình ảnh một con người tài hoa nhưng lại bị đặt trong hoàn cảnh thật éo le: tử tù đang trong thời gian chờ thi hành án. Thế nhưng, thật bất ngờ là trong hoàn cảnh oái oăm ấy, người tử tù kia lại bộc lộ những vẻ đẹp tiềm ẩn của mình. Truyện Chữ người tử tù có những đoạn (như đoạn Huấn Cao cho chữ viên quản ngục) có thể xem là mẫu mực của nghệ thuật miêu tả theo đặc trưng thi pháp của văn học lãng mạn.

- Khác với Nguyễn Tuân, trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, Vũ Trọng Phụng lại chú trọng xoáy sâu vào hiện thực xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhà văn đã ghi lại một cách chân thực những cái đồi bại, lố lăng, vô đạo đức của xã hội tư sản thành thị đương thời. Trong đoạn trích, một loạt những điển hình tính cách được hiện lên hài hước và kệch cỡm. Bóc trần bộ mặt giả dối của những kẻ thượng lưu thành thị, nhà văn kêu gọi hãy chôn vùi cái xã hội xấu xa, đen tối kia để cứu lấy những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

2. Những nét chính của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân và Tố Hữu.

- Những nét chính trong phong cách nghệ thuật Tố Hữu:

+ Thơ Tố Hữu mang tính chất trữ tình - chính trị sâu sắc.

+ Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn.

+ Thơ Tố Hữu đặc trưng bởi giọng tâm tình, ngọt ngào, hình thức thể hiện đậm đà tính dân tộc.

- Những nét chính trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân:

+ Tài hoa, uyên bác.

+ Là nhà văn của những tính cách độc đáo, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ.

+ Tự do, phóng túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân.

Viết bình luận