Soạn bài: Tuần 15 - Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Những hiểu biết về phỏng vấn và trả lời phỏng vấn ngày nay không chỉ cần thiết riêng cho những người làm công việc báo chí và truyền thông. Xét trên một phạm vi rộng rãi, con người rất cần những kiến thức và kĩ năng phỏng vấn và trả lời phỏng vấn để có thể đặt câu hỏi, trò chuyện, có thể thu thập hoặc cung cấp thông tin, để tìm hiểu con người hoặc nắm bắt một dư luận, nhằm làm cho tầm hiểu biết được mở rộng và hiệu quả giao tiếp được nâng cao.

Xã hội ngày càng phát triển và hiện nay ngày càng có nhiều hoạt động quan trọng liên quan đến đông đảo mọi người được thực hiện thông qua hoạt động phỏng vấn và trả lời phỏng vấn. Tuyển học sinh du học, tuyển dụng nhân viên làm việc, xét cấp thị thực nhập cảnh,... đều tiến hành bằng việc phỏng vấn. Chính bởi điều này mà phỏng vấn ngày càng trở thành một hoạt động quan trọng trong xã hội dân chủ văn minh, một công việc có ý nghĩa khoa học thực sự.

2. Hiện vẫn còn những định nghĩa khác nhau tương ứng với những quan niệm khác nhau về phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.

Một số người mới chỉ coi phỏng vấn và trả lời phỏng vấn là một cuộc trò chuyện nhằm tìm kiếm thông tin. Một số khác lại chú ý hơn đến mục đích và ý nghĩa quan trọng, cấp thiết mà sự phỏng vấn và trả lời phỏng vấn phải đạt tới thông qua cuộc trò chuyện đó. Ví như theo K. Xtô-rơ-can thì, nói một cách giản lược và tổng quát, phỏng vấn là một cuộc nói chuyện với một nhân vật nổi tiếng hoặc một người không có tiếng tăm nhưng đang làm một việc quan trọng đối với xã hội, hoặc đang cần nói một điều gì đó về những vấn đề có tầm quan trọng đối với xã hội.

Nhưng rõ ràng trên thực tế, phỏng vấn và trả lời phỏng vấn không chỉ hướng tới nguyên những vấn đề quan trọng đối với toàn xã hội. Hoạt động phỏng vấn và trả lời phỏng vấn nhiều khi xét đến cùng vẫn có ý nghĩa xã hội, nhưng trước mắt chỉ vì mục đích của một công ti, một khu dân cư,... hoặc vì quyền lợi của một cá nhân người đang có nhu cầu xin học, xin làm việc. Do đó, phải khẳng định rằng, đề tài trong cuộc phỏng vấn là một điều có ý nghĩa quan trọng, đáng được lưu tâm nhất.

3. Phỏng vấn không hề là một hoạt động đơn giản, dễ dàng. Không thể chỉ hiểu phỏng vấn và trả lời phỏng vấn là ở đó, người phỏng vấn chỉ cần làm những việc như đưa ra câu hỏi và ghi chép lại trung thành lời đáp, còn người được phỏng vấn cũng chỉ cần hiểu câu hỏi và đáp lại một cách trung thành. Trái lại, hoạt động phỏng vấn đòi hỏi cả hai bên phải bỏ ra nhiều công sức, đồng thời phải nắm được nhiều kiến thức và kĩ năng làm việc.

Người phỏng vấn, từ khi chuẩn bị đến lúc tiến hành và trình bày kết quả phỏng vấn, cần tìm được những cách thức hữu hiệu để khai thác được nhiều nhất những thông tin chân thực, đặc sắc về chủ đề được hỏi.

Người trả lời phỏng vẩn cần cung cấp đầy đủ những thông tin trung thực, phù hợp với chủ đề phỏng vấn. Câu trả lời phải rõ ràng và cố gắng trình bày sao cho hấp dẫn.

Trong quá trình trả lời phỏng vấn, cả người hỏi và trả lời đều phải giữ thái độ lịch thiệp, tôn trọng lẫn nhau.

II - HƯỚNG DẪN TÌM HIỂU BÀI

1. a) Người ta phỏng vấn và trả lời phỏng vấn để làm gì?

Gợi ý:

Không phải bất cứ cuộc trò chuyện, hỏi đáp nào cũng mặc nhiên được xem là phỏng vấn. Chỉ là phỏng vấn khi cuộc trò chuyện ấy được thực hiện nhằm mục đích rõ ràng là để thu thập thông tin về một chủ đề quan trọng, có ý nghĩa.

b) Một xã hội thực sự dân chủ văn minh không thể không đề cao vai trò quan trọng của các hoạt động phỏng vấn. Nói thế đúng hay sai? Vì sao?

Gợi ý:

Tôn trọng hoạt động phỏng vấn và trả lời phỏng vấn là tôn trọng sự thật, tôn trọng quyền được bày tỏ ý kiến của công chúng, và vì thế, nó là một biểu hiện của tinh thần dân chủ trong một xã hội văn minh.

2. a) Trong khâu chuẩn bị phỏng vấn, nếu chỉ xác định được sẽ hỏi cái gì, để làm gì và hỏi ai thì đã đủ chưa? Vì sao có thể coi là đã (hoặc chưa) đủ?

Gợi ý:

- Trong hoạt động phỏng vấn có năm yếu tố không thể thiếu, đó là: người phỏng vấn, người trả lời phỏng vấn, mục đích phỏng vấn, chủ đề phỏng vấn và phương tiện phỏng vấn.

- Trong câu hỏi nêu trên chưa nhắc đến phương tiện phỏng vấn (máy quay phim, máy ghi âm, thậm chí là giấy bút, sổ tay).

- Hơn thế, các yếu tố trên không tồn tại riêng rẽ mà phải gắn bó, hoà hợp với nhau, quyết định lẫn nhau. Ví như, đối tượng phỏng vấn phải phù hợp với mục đích và chủ đề phỏng vấn. Việc phỏng vấn về vấn đề gì và để làm gì quyết định việc chọn người phỏng vấn.

b) Trong phỏng vấn, phải hỏi như thế nào để đạt được mục đích phỏng vấn?

Gợi ý:

Trong phỏng vấn, câu hỏi là vô cùng quan trọng. Để đạt được mục đích phỏng vấn, câu hỏi cần đảm bảo các yêu cầu sau:

- Ngắn gọn, rõ ràng

- Phù hợp với mục đích và đối tượng phỏng vấn

- Làm rõ chủ đề

- Liên kết với nhau và được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.

Mặt khác, để có thể thu thập được nhiều nhất những thông tin như mong muốn, cần tránh những câu hỏi mà người trả lời chỉ cần đáp ngắn gọn và không giải thích thêm: có / không; đúng / sai.

3. a) Khi phỏng vấn, có phải bao giờ người phỏng vấn cũng chỉ sử dụng những câu hỏi đã chuẩn bị sẵn không? Tại sao?

Gợi ý:

Không phải lúc nào người phỏng vấn cũng chỉ nêu ra những câu hỏi đã chuẩn bị sẵn. Ngược lại trong quá trình hỏi đáp, người hỏi còn cần lắng nghe lời đáp, để đưa ra những câu hỏi có tính chất "ngẫu hứng", "ứng đối", nhằm:

- Làm cho câu chuyện liên tục, không rời rạc.

- Khéo léo lái người trả lời phỏng vấn trở lại chủ đề phỏng vấn, nếu thấy họ có dấu hiệu "lạc đề" hoặc thậm chí có khi họ cố ý né tránh vấn đề.

- Gợi mở, khiến họ có thể nêu ý kiến rõ ràng hơn.

b) Trong quá trình phỏng vấn, người phỏng vấn cần có thái độ thế nào, ngoài sự khiêm tốn, nhã nhặn và chăm chú lắng nghe?

Gợi ý:

Cuộc phỏng vấn nên diễn ra trong không khí thân tình, tự nhiên. Người phỏng vấn không chỉ cần lịch thiệp, nhã nhặn, biết lắng nghe, đồng cảm với người cùng nói chuyện, mà còn cần tỏ thái độ tôn trọng ý kiến của họ bằng cách chăm chú ghi chép và cố tránh chạm vào những chỗ có thể làm cho người trả lời phỏng vấn không vui.

c) Kết thúc phỏng vấn, người phỏng vấn cần nhớ làm việc gì để bày tỏ sự trân trọng đối với người trả lời phỏng vấn?

Gợi ý:

Trước khi khép lại buổi phỏng vấn, người phỏng vấn không nên quên việc cảm ơn người trả lời phỏng vấn đã dành thời gian và công sức cho buổi nói chuyện. Khi mở đầu cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn cũng cần khéo léo tìm những lời mở đầu phù hợp để gợi ra một không khí gần gũi, thân thiện cho cuộc phỏng vấn.

4. Buổi phỏng vấn có thể được phát trực tiếp trên truyền hình hay trên sóng phát thanh, nhưng cũng có thể được công bố sau khi đã biên tập lại. Trong trường hợp đó, kết quả phỏng vấn phải được ghi lại một cách trung thực (người phỏng vấn không được tự ý sửa chữa những câu trả lời phỏng vấn). Bài phỏng vấn phải được trình bày rõ ràng, trong sáng và hấp dẫn (có thể thêm những lời miêu tả hoặc kể chuyện ngắn gọn nếu cần).

5. Người trả lời phỏng vấn phải nêu thật trung thực, rõ ràng ý kiến của mình về điều được hỏi, với thái độ thẳng thắn, chân thành. Đó là những điều rất dễ nhận ra. Nhưng còn yêu cầu nào khác mà người trả lời phỏng vấn cần cố gắng để đạt tới nữa không?

Gợi ý:

Người được phỏng vấn không chỉ cần trả lời đúng vào điều được hỏi, bằng những ý kiến trung thực, rõ ràng mà câu trả lời còn cần được trình bày sao cho hấp dẫn. Câu trả lời của Bác về tình hình Điện Biên Phủ (SGK) là một ví dụ. Câu trả lời này hay không chỉ vì nội dung của nó rất rõ ràng, sáng tỏ, mà còn vì cách trả lời thật thú vị, vừa thông minh và lại dễ hiểu đến không ngờ.

6. Anh (chị) muốn xin được việc làm ở nơi mà mình yêu thích. Nhà tuyển dụng tiến hành phỏng vấn để tuyển người. Trong buổi phỏng vấn, người phỏng vấn có nêu câu hỏi sau đây:

Bạn có thể nói cho tôi nghe về khuyết điểm lớn nhất của bạn không?

Anh (chị) sẽ trả lời thế nào để ai cũng thừa nhận mình trung thực, nhưng không vì thế mà gây trở ngại cho việc tìm kiếm việc làm?

Gợi ý:

"Cách hay nhất để trả lời câu hỏi này là thành thật chỉ ra điểm yếu của bạn và đồng thời chỉ ra luôn cách thức mà bạn đã biến điểm yếu đó thành điểm mạnh của mình.

Chẳng hạn nếu bạn từng yếu trong khâu tổ chức, lập kế hoạch, hãy chỉ ra cách mà bạn đã khắc phục nó, lập kế hoạch và kiểm soát thời gian của mình. Nhà tuyển dụng sẽ thấy khả năng biết mình biết người cũng như năng lực của bạn trong việc cải thiện bản thân".

(Theo Tuổi trẻ Online, ngày 7 - 10 - 2006)

Viết bình luận