Soạn bài: Tuần 14 - Đọc thêm: Tự do (trích)

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Pôn Ê-luy-a (1895 - 1952) nhà thơ Pháp sinh ở Xanh Đơ-ni, phía bắc thủ đô Pa-ri. Vì sức khỏe yếu, ông phải bỏ dở công việc học tập ở Pa-ri để sang Thuỵ Sĩ chữa bệnh dài ngày. Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Ê-luy-a tham gia trào lưu siêu thực vừa mới hình thành. Sau năm 1930, ông đứng về phía các lực lượng tiến bộ chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới mới, đồng thời tách dần ra khỏi những mặt hạn chế của trào lưu siêu thực như tính chất xa rời thực tại và chủ nghĩa chủ quan. Bước chuyển biến về tư tưởng và nghệ thuật của ông càng rõ nét hơn trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thơ Ê-luy-a nổi bật ở hình thức mới mẻ, giàu chất trí tuệ và tràn đầy khát vọng nhân văn. Dấu ấn của chủ nghĩa siêu thực thể hiện khá rõ ở cách quan niệm về mối quan hệ giữa những phạm trù tưởng chừng đối lập hoặc khác biệt nhau như cái sống và cái chết, cái hiện thực và cái không tưởng, cái quá khứ và cái tương lai, cái cao cả và cái thấp hèn,...

Tác phẩm chính: Thơ (1914), Quyển sách để mở (tập I - 1940, tập II - 1941), Thơ ca và chân lí, 1942 (1942),...

2. Tự do được rút trong tập Thơ ca và chân lí, 1942. Bài thơ được sáng tác trong thời gian quân phát xít Đức đang giày xéo nước Pháp. Trong những ngày tháng ấy, bài thơ được in hàng vạn bản, máy bay rải xuống khắp nơi để động viên nhân dân Pháp đứng lên chống quân thù. Tác phẩm là một kiệt tác của thơ ca Pháp.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Chủ đề của bài thơ là tự do. Tự do ở đây bao hàm nhiều ý nghĩa. Trước hết, đó là sự tự do cá nhân. Nhưng quan trọng hơn, ý nghĩa mà bài thơ hướng đến là tự do cho đất nước, tự do cho dân tộc. Giữa hai khái niệm tự do ấy có mối quan hệ mật thiết với nhau: tự do cá nhân góp phần tạo nên tự do cho đất nước và ngược lại, khi đất nước được tự do thì con người mới thực sự được tự do. Đó là thứ tự do chân chính mang tính nhân văn chứ không phải thứ tự do chém giết của các thế lực bạo tàn đi ngược lại quyền sống của con người.

Bài thơ xây dựng, liệt kê nhiều hình ảnh: những trang vở học sinh, bàn học, trên cây xanh, đất cát, tuyết, những trang sách đã đọc, những trang trắng, đá máu giấy hoặc tro tàn, gươm đao người lính chiến,... Đó là những hình ảnh gợi cảm, tiêu biểu cho hai thời kì: hoà bình yên vui và chiến tranh tàn khốc.

2. Mười một khổ thơ trong đoạn trích đều có câu kết là "Tôi viết tên em". Riêng khổ thứ 12 (khổ cuối trong đoạn trích này), câu kết tuy không giống nguyên văn như những khổ thơ trên nhưng về ý cũng tương tự như vậy ("Để gọi tên em"). Sự lặp lại kết cấu cú pháp này đã mang lại hiệu quả diễn đạt cũng như tăng tính nhạc cho bài thơ. Các kết thúc mỗi khổ thơ như vậy cho thấy chủ ý của người viết là muốn tạo ra một mạch cảm xúc dào dạt, liên tiếp. Mạch cảm xúc ấy là lòng khao khát tự do chân thành, tha thiết của những người dân nô lệ đang rên xiết dưới ách thống trị của phát xít.

Các từ "trên" xuất hiện liên tiếp, đứng đầu mỗi dòng thơ tạo ra kiểu lặp từ xoáy tròn. Kiểu lặp từ này tạo ra nhạc điệu miên man nhằm nhấn mạnh ấn tượng về sự lan toả triền miên không dứt của khát vọng tự do.

Cách dùng đại từ "em" của bài thơ rất độc đáo. Trước hết, đó là một nhân vật trữ tình, là đối tượng để tác giả bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc. Nhưng quan trọng hơn, ý nghĩa của "em" chính là tự do. "Em" gợi sự thân thương, gần gũi ; tự do là khái niệm thiêng liêng, cao quý. Gọi tự do là "em", tác giả đã tạo ra cảm giác tự do là một điều gần gũi, giản dị và thân thương vô cùng. Dùng đại từ "em" để chỉ tự do, tác giả bày tỏ lòng yêu mến, tình cảm tha thiết, chân thành đối với tự do.

3. Trong bài thơ, giới từ "trên" được sử dụng nhiều lần với cả hai ý nghĩa: vừa để chỉ không gian, vừa để chỉ thời gian. Mỗi khái niệm lại có những ý nghĩa riêng rất sáu sắc.

Giới từ "trên" chỉ không gian xuất hiện nơi "tôi viết tên em". Đó không phải là những địa danh cụ thể có thể chỉ ra trên bản đồ mà là những vật dụng bình thường, những nơi gần gũi gắn bó với đời sống hằng ngày của tất cả chúng ta: "trên trang vở", "trên cát", "trên cây",... ; đó còn là những nơi thiêng liêng, trang trọng như những hiện vật được trưng bày ở các bảo tàng "trên hình ảnh rực rỡ vàng son", "trên gươm đao",... Điều đó cho ta thấy tự do rất bình dị, gần gũi và tồn tại ở khắp nơi.

Giới từ "trên" chỉ thời gian (khi đó giới từ này tương đương với từ "khi", "lúc") có thể thay thế để hiểu theo nghĩa khi đang ở đâu, khi đang làm gì, lúc đang ở đâu, lúc đang làm gì. Từ "trên" với cách hiểu đó xuất hiện trong những câu thơ như: "trên hi vọng chẳng vấn vương", "trên hiểm nguy đã tan biến",...

Sử dụng từ "trên" với cả hai nghĩa như vậy nên khi kết hợp hai cách hiểu đó ý thơ có sự kết nối: "Tôi viết tên em", viết tên tự do ở bất cứ đâu, ở mọi nơi, mọi lúc. Cách kết hợp này cũng khiến ta hiểu sâu hơn về ý nghĩa của tự do, của khát vọng tự do.

4. Trong câu thơ "Tôi viết tên em" được lặp đi lặp lại, tôi có thể là tác giả và cũng có thể là những độc giả của bài thơ. Nếu hiểu tôi ở đây là nhà thơ thì lần theo các khổ thơ sẽ không thể tìm ra đặc trưng dấu vết của cuộc đời tác giả. Tôi ở đây có thể là tác giả, cũng có thể là độc giả của bài thơ. Bài thơ vì thế mang tính chất đa chủ thể. Đó có thể là học sinh, công nhân, người lính,... là bất cứ ai. Hiểu như thế, bài thơ sẽ đáp ứng tình yêu và khao khát tự do của tất cả mọi người. Và như thế, Tự do không chỉ là lời ca của thi sĩ mà còn là tiếng lòng của hàng triệu người trên thế giới.

Bài thơ ra đời trong thời gian quân phát xít Đức đang xâm chiếm và giày xéo nước Pháp. Sự thực phũ phàng ấy là nỗi đau của hàng triệu người Pháp chân chính trong đó có nhà thơ. Viết bài thơ Tự do, Ê-luy-a đã cất lên tiếng hát ca ngợi tự do của một con người, của một công dân trên đất, nước bị kẻ thù giày xéo. Tình cảm tha thiết của thi sĩ với tự do cũng là tâm sự yêu nước, nỗi đau mất nước, lòng khao khát tự do cho bản thân và lớn hơn nữa là tự do cho dân tộc, cho tất cả mọi người trên thế giới.

Viết bình luận