Soạn bài: Tuần 14 - Đàn ghi ta của Lor-ca

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Thanh Thảo tên khai sinh là Hồ Thành Công, sinh năm 1946, quê ở Đức Tân, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông tham gia cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước ở chiến trường miền Nam. Từ sau năm 1975, Thanh Thảo chủ yếu hoạt động văn nghệ và báo chí. Ông là Phó Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi. Ông được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979. Là gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Thanh Thảo đồng thời cũng là một cây bút có nhiều nỗ lực đổi mới thơ với nhiều thi phẩm được dư luận quan tâm. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.

Tác phẩm chính: Những người đi tới biển (trường ca, 1977), Dấu chân qua trảng cỏ (thơ, 1978), Khối vuông ru-bích (thơ, 1985), Từ một đến một trăm (thơ, 1988), Những ngọn sóng mặt trời (trường ca, 1994), Cỏ vẫn mọc (trường ca, 2002),...

2. Tâm huyết với thơ, Thanh Thảo luôn trăn trở trong khát vọng kiếm tìm những cách biểu đạt mới. Dấu ấn sáng tạo của ông khá đậm nét ở loại thơ văn xuôi và trường ca. Đàn ghi ta của Lor-ca được xem là một trong những tác phẩm thành công về nhiều mặt của thơ Thanh Thảo.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Nói về cái chết bi thảm của Lor-ca, mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ là sự đau đớn, xót thương, nỗi tiếc nuối khôn nguôi một tài năng, một nhân cách cao đẹp.

Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh "những tiếng đàn bọt nước". Bằng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác, nhà thơ đã gợi đến tiếng đàn ghi ta sôi nổi, căng tràn sức sống như những bọt nước căng tràn, sẵn sàng vỡ oà trên mặt nước. Đó phải chăng cũng là lối sống phóng khoáng, dấn thân và giàu khát vọng của nhà thơ Lor-ca? Cùng với hình ảnh cây đàn ghi ta là hình ảnh "áo choàng đỏ gắt". Tây Ban Nha là xứ sở của môn đấu bò tót. Bối cảnh chính trị của đất nước Tây Ban Nha đương thời cũng giống như một đấu trường trong đó Lor-ca là một đấu sĩ hiên ngang nhưng đơn độc trong cuộc chiến chống lại cái ác, cái tàn bạo của thể chế độc tài thân phát xít và cái già nua, lỗi thời của nghệ thuật. Hình ảnh "áo choàng đỏ gắt" còn gợi đến những xung đột gay gắt trong lòng xã hội Tây Ban Nha đương thời. Đó là sự đối lập giữa khát vọng tự do, dân chủ đầy tính nhân văn và chế độ phát xít độc tài Phrăng-cô. Đó là sự đối lập giữa nền nghệ thuật cũ kĩ, lạc hậu của Tây Ban Nha với những đổi mới, cách tân táo bạo mà Lor-ca là một trong những người khởi xướng. Tiếng đàn "li-la li-la li-la" vang lên réo rắt, hình ảnh tấm áo choàng đỏ gắt,... tất cả làm nổi bật không gian văn hoá Tây Ban Nha đặc thù. Hình tượng Lor-ca nổi bật trên bối cảnh đó. Ông là một nghệ sĩ, một đấu sĩ can trường nhưng ở góc nhìn nào ta cũng thấy Lor-ca đơn độc. Đó là một ca sĩ đơn độc lang thang "trên yên ngựa mỏi mòn", "hát nghêu ngao" cùng "tiếng đàn bọt nước" cùng với "vầng trăng chếnh choáng".

Những hình ảnh "áo choàng đỏ gắt", "áo choàng bê bết đỏ", "tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan", "tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy",... cũng gợi đến cái chết bi thảm, oan khuất của Lor-ca.

2. Đoạn thơ từ câu "Không ai chôn cất tiếng đàn" đến câu "long lanh trong đáy giếng" thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sự bất tử của Lor-ca. Trong đoạn thơ này, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật chủ yếu là : so sánh, ẩn dụ và tượng trưng.

"Không ai chôn cất tiếng đàn" để tiếng đàn vang lên mãi mãi. Và "tiếng đàn như cỏ mọc hoang" bởi không sức mạnh tàn bạo nào có thể huỷ diệt được nó. Tiếng đàn có sức sống hoang dại mà bền bỉ của cỏ hoang.

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng

Hai câu thơ xuất phát từ một sự thật đau xót: bọn phát xít đã giết chết Lor-ca và ném xác ông xuống giếng. Nhưng nó cũng khiến người đọc liên tưởng nhân cách cao đẹp, tài năng kiệt xuất, khát vọng cháy bỏng của Lor-ca giống như vầng trăng đẹp đẽ vẫn toả sáng lung linh từ cái sâu thẳm lạnh lẽo của đáy giêng. Thanh Thảo viết "giọt nước mắt vầng trăng" vừa gợi đến tâm hồn cao đẹp của Lor-ca vừa gợi đến cái chết bi thương của thi nhân.

3. Hình tượng tiếng đàn trong bài thơ mang ý nghĩa ẩn dụ. Tiếng đàn tượng trưng cho nghệ thuật của Lor-ca. Nó còn là tình yêu cuộc sống, là khát vọng mà ông hằng theo đuổi. Đấy là cái đẹp mà mọi sự tàn ác không thể nào huỷ diệt được.

Nó sẽ sống, lưu truyền mãi mãi như thứ cỏ dại "mọc hoang". Tiếng đàn còn có thể hiểu là nỗi xót thương của mọi người trước cái chết của một thiên tài. Đó là sự nuối tiếc khát vọng và hành trình cách tân nghệ thuật còn đang dang dở của Lor-ca.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Hình tượng Lor-ca có thể cảm nhận ở nhiều góc độ, nhiều khía cạnh:

- Một người nghệ sĩ tự do và cô đơn; một người chiến sĩ kiên cường trong cuộc chiến chống lại chế độ độc tài thân phát xít.

- Phải chịu cái chết oan khuất, tức tưởi dưới bàn tay bạo tàn của những thế lực tàn ác.

- Biểu tượng cho sức sống bất diệt của cái đẹp, của nghệ thuật chân chính và khát vọng tự do, sáng tạo của người nghệ sĩ.

Lor-ca là hình tượng bi tráng về người nghệ sĩ chân chính phải sống trong một xã hội bạo tàn.

Viết bình luận