Soạn bài: Tuần 14 - Chí Phèo (tiếp theo)

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Phần hai: Tác phẩm

1. Truyện ngắn Chí Phèo nguyên có tên là Cái lò gạch cũ, khi in thành sách lần đầu (NXB Đời mới, Hà Nội, 1941), Nhà xuất bản tự ý đổi tên là Đôi lứa xứng đôi (một cách đặt tên rất giật gân nhằm gây sự tò mò, phù hợp với thị hiếu của một lớp công chúng lúc bấy giờ). Đến khi in lại trong tập Luống cày (Hội Văn hoá cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946), tác giả đặt lại tên là Chí Phèo.

2. Tuy có sáng tác đăng báo từ nãm 1936, nhưng Nam Cao chỉ thực sự nổi tiếng khi tác phẩm Chí Phèo ra đời. Trước Nam Cao đã có những tác giả thành công khi viết về đề tài nông dân như Nguyễn Công Hoan với Bước đường cùng, Ngô Tất Tố với Tắt đèn. Mặt khác, trước Nam Cao cũng có những tác phẩm về đề tài lưu manh như Bỉ vỏ của Nguyên Hồng. Đó là những thử thách thực sự đối với người đến sau. Tuy nhiên với ý thức nhà văn phải biết "khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có", bằng tài năng của mình, Nam Cao đã vượt qua những thử thách trên một cách xuất sắc. Từ những nguyên mẫu ở làng Đại Hoàng, bằng năng lực hư cấu của một nghệ sĩ tài năng, Nam Cao đã đóng góp vào kho tàng văn học dân tộc một kiệt tác - Chí Phèo.

3. Qua tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao tố cáo mạnh mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến tàn bạo đã cướp đi của người nông dân lương thiện cả nhân hình lẫn nhân tính. Đồng thời nhà văn cũng trân trọng phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của những con người này ngay khi tưởng chừng họ đã bị biến thành quỷ dữ.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Nam Cao vào truyện rất lạ, rất độc đáo. Tất cả đều để làm sao tạo ra được một ấn tượng mạnh mẽ nhất. Cùng với việc lựa chọn thời gian kể theo kiểu đảo trật tự tuyến tính (kể đoạn đời hiện tại, đoạn đời tan nát, dữ dội nhất của Chí Phèo trước), Nam Cao mở đầu truyện bằng một hình ảnh đầy ấn tượng: Chí Phèo vừa đi vừa chửi. Lạ là ở chỗ Chí chửi mà không có người nghe chửi. Lời chửi của hắn cũng gớm ghê. Hắn chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại. Thế mà vãn không ai lên tiếng. Hắn đành chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn (một cái lí sự rất cùn của kẻ say). Vẫn chẳng có ai thèm ngó ngàng gì (bởi chẳng ai muốn dây dưa gì với hắn). Tức quá, hắn chửi cha đứa nào đẻ ra mình. Người ta cứ tưởng Chí hoàn toàn say nên chửi bậy cho đã. Song thực ra, trong con người Chí, cái say và cái tỉnh luôn song song tồn tại. Hành động chửi chính là phản ứng của Chí với toàn bộ cuộc đời. Nó bộc lộ tâm trạng bất mãn của một con người ít nhiều ý thức được mình đã bị xã hội phi nhân tính gạt ra khỏi thế giới loài người. Nhưng tiếng chửi của Chí thảm hại biết bao! Chẳng ai thèm nghe cái cách giao tiếp với đời quái gở ấy của hắn. Tiếng chửi cay độc với người làng Vũ Đại cũng chỉ là những âm thanh trong vô vàn âm thanh vô nghĩa lí đang tồn tại trong vũ trụ. Khi mất quyền làm người thì Chí chửi hay khóc, cười, nói, uống rượu, kêu làng phỏng,... có gì khác nhau? Con người bị đẩy ra khỏi cuộc sống của đồng loại mình thật xót xa. Không ai thèm động đến Chí Phèo, "đáp lại lời hắn chỉ có lũ chó cắn xôn xao trong xóm". Chi tiết này thật đơn giản mà ý nghĩa. Nó cho thấy trọn vẹn và xót xa cái tình cảnh cô độc của người nông dân bị tha hoá.

2. Cuộc đời Chí Phèo có bước ngoặt quan trọng khi hắn gặp thị Nở. Cứ tưởng Chí Phèo mãi sống kiếp thú vật, rồi sẽ kết thúc bằng cách vùi xác ở một bờ bụi nào đó sau một trận say hay sau một lần đâm thuê chém mướn. Nhưng không, bằng tài năng và nhất là bằng trái tim nhân đạo của một nhà văn lớn, Nam Cao đã để cho Chí Phèo về sống kiếp người thật tự nhiên.

Chí Phèo bất ngờ gặp thị Nở. Lúc đầu, thị chỉ hấp dẫn Chí đơn giản vì thị là... đàn bà còn Chí là thằng say "ngứa ngáy" thịt da, trong một đêm "rười rượi những trăng, có những tàu lá chuối nằm ngửa ưỡn cong cong lên hứng lấy ánh trăng xanh như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giãy lên đành đạch như là hứng tình". Hai người đã ân ái với nhau trong đêm đó. Thế rồi, đến nửa đêm, Chí đau bụng nôn mửa. Thị Nở dìu Chí vào nhà và đi "nhặt nhạnh tất cả những manh chiếu rách đắp cho hắn".

Sáng hôm sau, Chí Phèo tỉnh dậy khi "trời sáng đã lâu". Kể từ khi mãn hạn tù về, có vẻ như đây là lần đầu tiên con quỷ dữ làng Vũ Đại hết say. Chí bỗng dưng thấy lòng "bâng khuâng". Chí "mơ hồ buồn". Và cũng hôm ấy, lần đầu tiên, Chí nghe thấy những âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh mà trước đó không ngày nào không có: "Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá",... "Những âm thanh quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy". Chỉ vì một lẽ, hôm nay hắn mới hoàn toàn tỉnh táo, các giác quan mới hoạt động bình thường. Những âm thanh ấy chính là tiếng gọi thiết tha của cuộc sống. Nó báo hiệu một cuộc trở về. Một cuộc vùng lên. Một cuộc lật đổ.

Chí Phèo bỗng nhiên đi ra khỏi cơn say không đơn giản chỉ vì cuộc gặp gỡ với thị Nở. Nam Cao đưa ra một lí do khác thuyết phục hơn, đó là trận ốm đã góp phần làm "thay đổi về sinh lí, cũng làm thay đổi cả tâm lí của Chí Phèo".

Khi tỉnh táo, Chí hoà nhịp được với cuộc sống. Không những thế, Chí còn nhìn lại cuộc đời mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Trước hết, hắn nhớ lại những ngày "rất xa xôi", hắn mơ ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng! Khá giả thì mua dăm sào ruộng làm. Mộng ước của hắn thật bé nhỏ và giản dị nhưng suốt bao năm qua nó vẫn chưa trở thành hiện thực. Nghĩ về hiện tại, hắn thấy hiện tại của hắn thật đáng buồn. Hắn buồn vì hắn nhận ra mình đã già, "đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời", "cơ thể đã hư hỏng nhiều", thế mà hắn vẫn đang cô độc. Tương lai của hắn còn buồn hơn nữa, bởi hắn nhìn thấy trước quá nhiều bất hạnh: "đói rét và ốm đau, và cô độc". Đối với Chí Phèo, cô độc còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau. Hắn thấy sợ (trước đây hắn có bao giờ biết sợ ai). Hắn muốn làm hoà với mọi người (một phần vì không thể làm ác được nữa).

Cũng may, hắn đang buồn nẫu ruột vì những ý nghĩ vẩn vơ thì thị Nở vào. Người đàn bà tưởng đã thành một thứ phế thải, vô giá trị ấy lại có một thứ tài sản vô giá mà dường như người làng Vũ Đại không ai có hoặc chí ít chẳng ai thể hiện ra điều đó bao giờ, ấy là tình người. Xét đến cùng, biểu hiện lớn nhất của tình người ở thị Nở là bát cháo hành. Cháo hành là thứ cháo xoàng xĩnh, lại được nấu bởi bàn tay thị Nơ thì chắc... Ấy thế mà đến lúc này, khi đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời, Chí Phèo cũng mới lần đầu tiên được hưởng. Chí Phèo ý thức được sự hiếm hoi muộn mằn đó. Và hắn nhận ra ở đó hương vị của tình người. Kề bát cháo lên miệng, Chí Phèo đã khóc (biểu hiện của sự trở về thực sự với lương thiện của Chí Phèo). Với Nam Cao, tiếng khóc là biểu hiện của tình người. Lãọ Hạc sau khi bán chó cũng khóc khi sang nhà ông giáo. Hộ khóc khi trót lỡ tay đánh vợ chửi con,... Khi ăn bát cháo hành, Chí Phèo trở thành anh canh điền ngày xưa và thấm thía nỗi đau của con người tự trọng bị vợ ba bá Kiến làm nhục. Sống trong xã hội Vũ Đại, khô héo tình người, tưởng những giọt nước mắt trong Chí Phèo đã khô cạn, tiêub tan. Hoá ra không phải thế. Nó chí bị vùi lấp đi. Trong lòng Chí, nó vẫn len lỏi chảy âm thầm.

Vậy là tình người đã thức tỉnh, đã hồi sinh tính người trong Chí. Vừa chạm đến tình người thì cái lốt quỷ dữ của Chí Phèo dường như đã được trút bỏ, con người lương thiện đã hiện nguyên tướng, đã trở về. Quả thực, tình người có một phép màu kì diệu biết bao.

3. Chí Phèo vốn là một người nông dân lương thiện, có bản tính tốt đẹp. Xã hội tàn ác (đại diện là bá Kiến và nhà tù thực dân) dẫu có ra sức huỷ diệt bản tính ấy, nhưng nó vẫn âm thầm sống. Khi gặp thị Nở và cảm nhận được tình yêu mộc mạc chân thành của thị (lại trong hoàn cảnh vừa qua một trận ốm), bản chất ấy có cơ hội hồi sinh và nó đã hồi sinh. Từ đây, Chí Phèo sống đúng với con người thực của mình.

Chí Phèo mong thị Nở có thể là chiếc cầu nối cho hắn hoà nhập với mọi người, chấm dứt đoạn đời thú vật để sống đúng với kiếp người. Nhưng sự mong ước lương thiện của Chí Phèo lại một lần nữa không trở thành hiện thực. Thị Nở không thể giúp gì thêm được cho hắn, bởi lẽ bà cô thị kiên quyết ngăn cản mối tình này. Bà không thể đồng ý cho cháu bà "đâm đầu" đi lấy thằng Chí Phèo - "con quỷ dữ của làng Vũ Đại" mà bấy lâu nay chỉ biết có mỗi một nghề "rạch mặt ăn vạ". Và thế là thị giận dữ trút tất cả những lời cay độc đó lên một Chí Phèo đang khát khao lương thiện, chờ được làm hoà với mọi người.

Không níu giữ được thị Nở, tình yêu tan vỡ, Chí Phèo thực sự rơi vào tuyệt vọng. Trước mặt hắn đã hiện rõ một cái ngõ cùng. Lúc này, Chí thấm thía sâu sắc bi kịch tinh thần của con người sinh ra làm người, nhưng lại không được làm người. Chí vật vã đau đớn và lại tìm đến rượu. Nhưng thật lạ, hôm nay "hắn càng uống lại càng tỉnh ra". Đúng hơn là nỗi đau thân phận đã át cả cơn say của hắn. Vì thế "hắn ôm mặt khóc" và luôn thấy "thoang thoảng mùi cháo hành". Trong cơn khủng hoảng và bế tắc, Chí Phèo càng thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi của mình cả bộ mặt và hồn người. Chí đã xách dao đi, đến thẳng nhà bá Kiến theo đúng sự căm hờn đang sôi sục trong lòng hắn. Chí trợn mắt, chỉ tay vào mặt bá Kiến, đanh thép kết tội tên cáo già này và đòi "làm người lương thiện", đòi bộ mặt lành lặn. Chí hành động như một người tỉnh táo với những suy nghĩ hoàn toàn sâu sắc. Thế rồi, Chí đâm chết bá Kiến và tự kết liễu đời mình một cách đau đớn. Hành động của Chí vượt khỏi những suy nghĩ và tính toán của tên địa chủ nổi tiếng gian ngoan. Đó là hành động tất yếu bởi cái thế "tức nước vỡ bờ" đã bị kìm giữ từ lâu.

Cái chết của Chí Phèo cũng là tất yếu. Chí đã thức tỉnh, điều đó cũng có nghĩa là Chí không thể tiếp tục đâm thuê chém mướn được nữa. Chí muốn lương thiện nhưng ai cho hắn lương thiện? Cả cái xã hội ấy là kẻ thù của hắn. Bởi vậy, hắn tất yếu phải tìm đến cái chết. Chỉ có cái chết mới giúp hắn không tiếp tục sống cuộc đời của một con quỷ dữ. Trước đây, để tồn tại, Chí phải bán cả bộ mặt lẫn linh hồn cho quỷ dữ. Đến nay, khi linh hồn đã trở về, Chí Phèo phải đổi cả mạng sống của mình. Cái chết của Chí Phèo có ý nghĩa tố cáo mãnh liệt cái xã hội thực dân nửa phong kiến không những đã đẩy người nông dân lương thiện vào đường cùng, lưu manh hóa họ, mà còn đẩy họ vào chỗ chết.

4. Qua nhân vật Chí Phèo, người đọc có thể thấy rõ nghệ thuật điển hình hoá của Nam Cao. Chí Phèo là hiện tượng có tính quy luật trong xã hội đương thời, là sản phẩm của tình trạng đè nén, áp bức ở nông thôn trước Cách mạng. Vì bị đè nén áp bức quá đáng mà người laọ động lương thiện không còn cách nào khác buộc phải chống trả bằng cách lưu manh hoá. Có thể nói, Nam Cao là nhà văn đã chăm chú theo dõi và luôn bị ám ảnh bởi hiện tượng này. Trong không ít tác phẩm, Nam Cao đã xây dựng những nhân vật vốn hiền lành trờ thành ngang ngược. Đấy là Trạch Văn Đoành trong Đôi móng giò, là cu Lộ trong Tư cách mõ, là Đức trong Nửa đêm,... Và thậm chí, ngay trong Chí Phèo, ngoài Chí cũng đã có hai "bậc tiền nhân" khác là Binh Chức và Năm Thọ. Chí cũng hoàn toàn có thể có kẻ tiếp nối (bức thông điệp từ chi tiết thị Nở nhìn nhanh xuống bụng, đầu thị đột nhiên "thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua..."). Như vậy, rõ ràng khi bọn địa chủ cường hào, và nói rộng ra là cái trật tự xã hội tàn bạo đương thời còn ra sức bóc lột thậm tệ, không còn cho con người được sống tử tế, hiền lành thì sẽ còn những người dân lành bị đẩy vào con đường lưu manh. "Sức mạnh phê phán, ý nghĩa điển hình của hình tượng Chí Phèo trước hết là ở chỗ đã vạch ra thật hùng hồn cái quy luật tàn bạo, bi thảm đó trong xã hội đương thời" (Nguyễn Hoành Khung).

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Viết về người nông dân bị lưu manh hoá, với tư cách là cây bút hiện thực nghiêm ngặt, Nam Cao đã thể hiện một cái nhìn nhân đạo, bằng cách đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện của những con người khốn khổ.

Hình tượng nhân vật Chí Phèo (cùng với bá Kiến) hiện lên sắc nét, vừa có ý nghĩa tiêu biểu, vừa hết sức sinh động, có cá tính độc đáo, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Khi xây dựng nhân vật này, Nam Cao đã phát huy cao độ sở trường khám phá và miêu tả những trạng thái tâm lí phức tạp của nhân vật, đặc biệt là những diễn biến tâm lí sinh động của nhân vật từ khi gặp thị Nở đến sau khi tình yêu cua Chí Phèo bị thị Nở khước từ như đã phân tích ờ trên.

5. Ngôn ngữ trong tác phẩm rất sống động, vừa điêu luyện, nghệ thuật, vừa rất gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Giọng điệu của nhà văn phong phú và biến hoá, có sự đan xen lẫn nhau. Cách trần thuật cũng rất linh hoạt. Nhà vặn có khả năng nhập vào các vai, chuyển từ vai này sang vai khác một cách tự nhiên, linh hoạt, tạo hấp dẫn cho người đọc. Lúc thì trần thuật theo điểm nhìn của tác giả, lúc thì trần thuật theo điểm nhìn của nhân vật Chí Phèo, khi lại trần thuật theo điểm nhìn của nhân vật bá Kiến, thị Nở,... Cũng nhờ đó mà tạo nên giọng điệu đan xen độc đáo.

Theo Giáo sư Nguyền Đăng Mạnh thì: "Một trong những điểm "đáng sợ" của thiên tài Nam Cao khiến ai cũng phải ngả mũ là ngôn ngữ. Ông không chỉ am hiểu ngôn ngữ đời sống một cách chung chung, mà còn nắm rất vững dạng thức sống của từng loại ngôn ngữ. Chọn Chí Phèo làm nhân vật trung tâm, Nam Cao tự đặt mình trước một thách thức nghiệt ngã. Nó đòi hỏi Nam Cao phải tường tận một phức hợp của những tính cách - tâm lí: một nông dân, một kẻ lưu manh, một kẻ say khướt, một kẻ tỉnh táo, một lí trí có vẻ như tê liệt, nhưng lại là một lối ứng xử lắt léo. Khi hiện ra lời nói của nhân vật, nó phải cho thấy "đủ mùi" không chỉ từ vựng mà cả khẩu khí, cả cú pháp lẫn "phong cách học", cả lối "tu từ học" của nó nữa. Đáp ứng được những điều đó, ngôn ngữ thực sự trở thành một kiến trúc đa tầng, phức tạp mà nhuần nhuyễn,... Nó có cái gì rất gần với thi pháp "tảng băng trôi" được biết đến về sau này của Hê-minh-uê - một nhà văn thiên tài Mĩ".

6. Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trong truyện ngắn này mới mẻ và sâu sắc ở chỗ nhà văn đã phát hiện và miêu tả phẩm chất tốt đẹp của người lao động ngay khi tưởng như họ đã bị cái xã hội tàn ác cướp mất cả bộ mặt lẫn linh hồn người (Tư tưởng nhân đạo của phần lớn các cây bút hiện thực khác chủ yếu thể hiện ở sự đồng cảm với nỗi khổ của người nông dân, lên án cái xã hội thực dân nửa phong kiến đẩy họ vào con đường bần cùng, ngợi ca phẩm chất tốt đẹp của họ). So sánh như vậy, rõ ràng tư tưởng nhân đạo của Nam Cao có những nét mới mẻ và sâu sắc riêng.

III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Trong truyện ngắn Đời thừa, Nam Cao viết: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có".

Ý kiến nêu trên khẳng định yêu cầu hết sức quan trọng đối với tác phẩm văn chương và nói rộng ra là đối với tác phẩm nghệ thuật và người nghệ sĩ đó là phải sáng tạo, phải phát hiện ra những cái mới.

Đây là ý kiến hoàn toàn đúng, phản ánh bản chất của nghệ thuật, đã được nhiều người thừa nhận và khẳng định theo những cách diễn đạt khác nhau. Ở đây, Nam Cao đã diễn đạt điều đó một cách ngắn gọn bằng những liên tưởng hàm súc và giàu hình ảnh. Soi tỏ vào sự nghiệp sáng tác của Nam Cao, chúng ta có thể thấy nhà văn thực hiện một cách nghiêm túc điều này. Trong cả hai mảng sáng tác của ông giai đoạn trước Cách mạng, hình ảnh những người nông dân và người trí thức đều mang những nét riêng không lẫn với các tác giả khác. Đơn cử như ở mảng đề tài về người nông dân chẳng hạn, Nam Cao cũng viết về người nông dân nhưng không đi lại con đường của Nguyễn Công Hoan hay Ngô Tất Tố, ông tìm cách khám phá quá trình con người bị tha hóa, bị đè nén đến mức trở thành lưu manh, từ đó ông đặt ra các vấn đề có ý nghĩa xã hội và nhân sinh. Con đường sáng tạo nghệ thuật của Nam Cao là con đường của con người không bao giờ muốn lặp lại mình. Đó là con người luôn muốn làm mới mình.

2. Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao được nhiều người khẳng định là một tác phẩm kiệt xuất của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại trước hết là vì tác phẩm này có giá trị tư tưởng (hiện thực và nhân đạo) sâu sắc, độc đáo, mới mẻ. Sau nữa nó còn là tác phẩm xuất sắc được thể hiện bằng nghệ thuật bậc thầy trong cách xây dựng nhân vật, lối kết cấu, xây dựng cốt truyện, sử dụng ngôn ngữ. Với những thành công đó, Chí Phèo xứng đáng là một tác phẩm lớn của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.

Viết bình luận