Soạn bài: Từ ấy

Được sáng tác vào tháng 7 năm 1938, bài thơ Từ ấy không chỉ là bài thơ tiêu biểu cho thơ Tố Hữu mà còn mang ý nghĩa mở đầu cho cả một quá trình sáng tác của nhà thơ.

Từ ấy đánh dấu một thời điểm quan trọng trong cuộc đời Tố Hữu. Đó là giây phút nhà thơ bắt gặp lí tưởng cách mạng khi còn hoạt động bí mật. Bài thơ thể hiện niềm vui sướng tràn ngập trong lòng người thanh niên trẻ tuổi, một sự bừng sáng cả tâm hồn và trí tuệ khi gặp gỡ lí tưởng cộng sản. Đây cũng là lời ước nguyện gắn bó đời mình với quần chúng lao khổ, một tuyên ngôn về lẽ sống của Tố Hữu.

Bốn câu thơ đầu bộc lộ trực tiếp tâm trạng tác giả, diễn tả sự bừng sáng của tâm trí ông và niềm hạnh phúc lớn lao của ông khi đến với lí tưởng cách mạng:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim

Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim.

Hai chữ Từ ấy đánh một mốc son trong cuộc đời. Với Tố Hữu, sự gặp gỡ lí tưởng cộng sản đã đem lại cho nhà thơ một niềm vui thật mãnh liệt. Đã từng sống trong cảnh tăm tối của người dân thuộc địa, đã từng “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời”. “Vẩn vơ theo mãi đường quanh quẩn. Muốn thoát than ôi bước chẳng rời” (Nhớ đồng) nên phút này đây, khi gặp gỡ lí tưởng cách mạng, nhà thơ đã có được niềm hạnh phúc thật lớn lao.

Lí tưởng đó được nhà thơ cảm nhận như mặt trời chân lí làm bừng sáng cả tâm trí mình, nên ông nói “chói qua tim”. Sự tiếp nhận lí tưởng của Tố Hữu ở đây cũng như trường hợp của nhiều thanh niên khác là vừa bằng cả nhận thức trí tuệ vừa bằng cả trái tim thương yêu của mình.

Nguồn sáng mới này là niềm vui sướng lớn lao đã giải thoát nhà thơ khỏi sự vây hãm buộc ràng: “Rồi một hôm nào tôi thấy tôi. Nhẹ nhàng như con chim cà lơi. Say đồng hương nắng vui ca hát. Trên chín tầng cao bát ngát trời” (Nhớ đồng).

Như mặt trời đã đem đến cho thiên nhiên sự sống diệu kì, nguồn sáng mới này đã biến đổi cả tâm hồn nhà thơ thành cả một vườn hoa lá thật rộn ràng, quyến rũ: “Rất đậm hương và rộn tiếng chim”. Nghĩa là lí tưởng cách mạng với sức hồi sinh nhiệm màu đã làm mảnh đất tâm hồn nhà thơ nảy nở hoa lá tốt tươi với bao sự sống niềm vui, đầy âm thanh và nhiều hương sắc.
Gần 30 năm sau, năm 1964, trong một buổi tọa đàm với các thầy cô giáo dạy văn ở Hà Nội, nhà thơ kế lại:

“Còn cái gì trên đời này đẹp hơn chủ nghĩa cộng sản và Đảng của Mác - Lênin vĩ đại? Lòng tôi vui sướng vô cùng khi cảm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi vào tâm hồn tươi trẻ của mình”.

Nếu trong khố thơ đầu, cảm xúc tràn ngập thì trong hai khổ thơ còn lại, cảm xúc hòa quyện với ý chí làm nên những câu thơ bình dị, rắn rỏi của một lời tâm niệm chân thành:

Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải với trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ...

Giác ngộ lí tưởng cộng sản, chàng trai 18 tuổi Tố Hữu đã chủ động đến với quần chúng lao khổ, tự nguyện gắn bó máu thịt với tất cả những “ai cực khổ bần hàn”“các nô lệ ở thế gian”. Lúc đầu sự gắn bó của nhà thơ với quần chúng còn xa cách nhau, nhưng sau đó là sự hòa quyện làm một là những tình cảm máu thịt ruột rà. Nhà thơ tự cảm thây mình đã trở thành người con, người em, người anh của vạn nhà, vạn kiếp phôi pha và nhất là của những đầu em nhỏ, không áo cơm cù bất cù bơ.

Ở hai khổ thơ này, lối bộc lộ trực tiếp ý nghĩ, ước nguyện và cách nói khẳng định dứt khoát của tác giả cho thấy tất cả sự nhiệt tình, hăm hở của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi và tình yêu của nhà thơ với lí tưởng cộng sản, với quần chúng lao khổ là mãnh liệt, dạt dào không gì làm cho phôi phai được. Cảm xúc chân thành đó được thể hiện qua giọng thơ sôi nổi, thiết tha và đầy sức truyền cảm.

Tóm lại, Từ ấy là một bài thơ bình dị mà đặc sắc của Tố Hữu. Bài thơ này không chỉ thể hiện niềm vui sướng tràn ngập tâm hồn khi nhà thơ bắt gặp lí tưởng cộng sản mà còn là lời tâm nguyện chân thành son sắt của người chiến sĩ cách mạng gắn bó với lí tưởng với quần chúng lao khổ.

Đặc biệt hơn, Từ ấy còn là bài thơ tiêu biểu cho sự nghiệp thơ Tố Hữu đúng như lời bình của Chế Lan Viên:

“Tất cả Tố Hữu, thi pháp, tuyên ngôn, những yếu tố làm ra anh có thể tìm thấy trong tế bào thơ này”.

(Tựa 100 bài thơ, NXB Văn học, 1985)

Ngay Từ ấy, nhà thơ đã tâm niệm:

Ta bước tới, chỉ một đường: cách mạng.

Chính lí tưởng cộng sản, con đường cách mạng đã vạch hướng cho con đường thơ của ông... tất cả đều khởi sự từ ấy.

Viết bình luận