Soạn bài: Tổng kết về từ vựng (Tiếp theo)

I - NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

- Ôn lại các cách phát triển từ vựng, khái niệm từ mượn, từ Hán Việt, thuật ngữ, biệt ngữ, các hình thức trau dồi vốn từ.

- Luyện tập vận dụng các kiến thức trên trong những hoàn cảnh cụ thể.

1. Sự phát triển của từ vựng

Bài tập 1. Sơ đồ cách thức phát triển từ vựng :

Bài 10_4_Tổng kết về từ vựng (Tiếp theo)

Bài tập 2

- Phát triển nghĩa từ ngữ: mũi (của người) -> mũi thuyền mũi tiến quân,...

- Tăng số lượng từ ngữ:

+ Tạo thêm từ ngữ mới: sách đỏ, tiền khả thi, kinh tế tri thức,...

+ Mượn từ ngữ nước ngoài : cách mạng, dân quyền, cộng hoà, xà phòng, a-xít, ra-đi-ô, ti vi, in-tơ-nét,...

Bài tập 3

Không có ngôn ngữ nào mà từ vựng chỉ phát triển theo cách phát triển số lượng. Nếu như vậy thì mỗi từ ngữ chỉ có một nghĩa và số lượng từ ngữ sẽ rất lớn, trí nhớ con người không thể nào nhớ hết.

2. Từ mượn

Bài tập 1. Từ mượn là từ có nguồn gốc từ các ngôn ngữ nước ngoài.

Bài tập 2. Nhận định (c) là đúng. Sự vay mượn là quy luật phổ biến của tất cả các ngôn ngữ trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp. Vay mượn hợp lí sẽ làm giàu ngôn ngữ dân tộc.

Bài tập 3. Các từ săm, lốp, ga,... là từ mượn nhưng đã được Việt hoá cao độ (chỉ còn một âm tiết), nó gần như đồng hoá vào vôh từ thuần Việt, còn các từ a-xít, ra-đi-ô, vi-ta-min... còn khá rõ nguồn gốc ngoại lai ở hình thức âm thanh.

3. Từ Hán Việt

Bài tập 1. Từ Hán Việt là từ có nguồn gốc từ tiếng Hán (Trung Quốc) đã được người Việt sử dụng theo cách của mình.

Bài tập 2. Cách hiểu (b) là đúng. Từ Hán Việt là những từ được mượn khoảng sau thế kỉ VIII, được đọc theo cách của người Việt, khác với từ gốc Hán nói chung, trong đó có các từ mượn từ thế kỉ VIII trở về trước, nay đã Việt hoá hoàn toàn (xe, ngựa, buồng,..) và những từ mượn tiếng Hán gần đây (xì dầu, mì chính,...). Từ Hán Việt là bộ phận quan trọng không những vì nó có số lượng lớn mà còn vì nó được dùng trong các văn bản khoa học, văn chương, chính luận, hành chính.

4. Thuật ngữ và biệt ngữ xã hội

Bài tập 1

- Thuật ngữ : Những từ ngữ biểu thị khái niệm khoa học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), công nghệ (kĩ thuật), thường dùng trong văn bản khoa học, công nghệ.

- Biệt ngữ: Những từ ngữ chỉ dùng trong một tầng lớp xã hội nhất định.

Bài tập 2

Thuật ngữ ngày càng có vai trò to lớn, vì chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thuật ngữ phản ánh khái niệm khoa học, công nghệ vì vậy nếu không có thuật ngữ không thể nghiên cứu, học tập khoa học và công nghệ.

Bài tập 3

Một số biệt ngữ : (công an - biệt ngữ của một số người buôn gian bán lậu, hay một số băng nhóm tội phạm); trứng (điểm 0); phao (tài liệu dùng để quay cóp khi đi thi); viêm màng túi (hết tiền - biệt ngữ của học sinh, sinh viên); cháy giáo án (hết giờ mà dạy chưa hết giáo án - biệt ngữ của giáo viên); ô-sin (người giúp việc trong nhà - biệt ngữ của một số người ở thành thị hiện nay).

5. Trau dồi vốn từ

Bài tập 1 (xem lại các hình thức trau dồi vốn từ, SGK Ngữ văn 9, tập một, tr.99).

Bài tập 2

- Bách khoa toàn thư : từ điển bách khoa cỡ lớn, ghi đầy đủ tri thức các ngành.

- Bảo hộ mậu dịch : chính sách bảo vệ sản xuất trong nước chống lại sự cạnh tranh của hàng hoá nước ngoài trên thị trường nước mình.

- Dự thảo : thảo ra để đưa thông qua (động từ); bản thảo đưa ra để thông qua (danh từ).

- Đại sứ quán : cơ quan đại diện chính thức và toàn diện của một nhà nước ở nước ngoài do một đại sứ đặc mệnh toàn quyền đứng đầu.

- Hậu duệ: con cháu của người đã chết.

- Khẩu khí, khí phách của con người toát ra qua lời nói.

- Môi sinh : môi trường sống của sinh vật.

Bài tập 3

Câu (a) nên sửa béo bổ (chỉ dùng cho cơ thể) thành béo bở (mang lại nhiều lợi nhuận).

Câu (b) dùng sai từ đạm bạc (chỉ sự ăn uống ở mức độ tối thiểu, trong khi người viết muôn nói sự bạc bẽo). Nên sửa thành tệ bạc (vô ơn, không giữ trọn tình nghĩa).

Câu (d) nên sửa tấp nập (đông người qua lại) thành tới tấp (liên tiếp, dồn dập).

Viết bình luận