Soạn bài: Tổng kết phần Văn

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nắm được nội dung các văn bản đã học.

2. Nắm được sơ lược định nghĩa truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện trung đại, văn bản nhật dụng, truyện kí hiện đại. Nhớ tên các văn bản đã học.

3. Nhớ được một số nhân vật chính trong truyện dân gian và truyện hiện đại.

II. HƯỚNG DẪN TỔNG KẾT

1. Để thống kê và ghi lại tên các văn bản đã học, cần nhớ lại theo các thể loại: truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, truyện trung đại, văn bản nhật dụng, truyện kí hiện đại, các bài thơ có yếu tố tự sự, miêu tả. Sau khi ghi lại theo trí nhớ, đối chiếu với mục lục của sách Ngữ văn 6 tập một và tập hai. Bổ sung những tác phẩm bị quên rồi thống kê lại và ghi vào vở hoặc vở bài tập (nếu có).

2. Muốn làm câu hỏi này, cách tốt nhất là nhớ lại và ghi ra các định nghĩa. Sau đó đối chiếu với sách giáo khoa và bổ sung. Có thể có cách làm dễ hơn là sử dụng kết quả của bài 13 Ôn tập truyện dân gian, bài 28 Ôn tập truyện và kí và chú thích sao (*) của bài 14 và bài 29.

3. Với văn bản truyện, cần chú ý có ba loại: truyện dân gian, truyện trung đại và truyện hiện đại. Sử dụng kết quả thống kê ở bài tập (câu hỏi) số 1. Sau đó nêu tên nhân vật chính và đặc điểm của nhân vật. Vĩ dụ: Con Rồng cháu Tiên, nhân vật chính: Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đặc điểm, vị trí, ý nghĩa của nhân vật chính: Lạc Long Quân nòi Rồng, giúp dân trừ yêu quái, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và ăn ở. Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần. Hai người là tổ tiên của người Việt Nam. Cứ lần lượt thống kê cho đến hết.

4. Chọn ra ba nhân vật mà em yêu thích nhất. Nêu lí do mà em thích. Ví dụ thích vì nhân vật đó có tài lạ, dùng tài để giúp đỡ người nghèo, trừ diệt cái ác...

Với mỗi nhân vật, cần có một đoạn văn ngắn giải thích lí do vì sao em thích.

5. Hãy so sánh sự giống nhau về phương thức biểu đạt đối với ba loại truyện ở các khía cạnh (lời kể, cốt truyện, nhân vật, cách kết thúc truyện, văn tự sự, văn miêu tả...).

6. Trước hết cần lưu ý ở tập hai sách Ngữ văn 6 có học cả những văn bản văn học nước ngoài. Những văn bản này sẽ không đưa vào việc thống kê và phân loại. Còn lại những văn bản của văn học Việt Nam sẽ căn cứ vào nội dung chính để phân loại. Ví dụ: Bài học đường đời đầu tiên sẽ xếp vào văn bản thể hiện lòng nhân ái. Cây tre Việt Nam thể hiện truyền thống yêu nước. Có những văn bản thể hiện cả tinh thần yêu nước và lòng nhân ái (Ví dụ: Đêm nay Bác không ngủ, Lượm), căn cứ vào nội dung chính để xếp loại.

7. Bài tập (câu hỏi) này chỉ yêu cầu ghi những từ khó hiểu và tra từ điển. Vì vậy, nếu em đã hiểu thì không cần ghi và tra lại nữa. Song vẫn nên đọc kĩ bảng tra cứu.

Viết bình luận