Soạn bài: Thêm trạng ngữ cho câu (tiếp theo)

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Cấu tạo của trạng ngữ

Trạng ngữ có thể là một từ hoặc một cụm từ. Khi là một từ, trạng ngữ có thể là một danh từ, động từ hoặc tính từ. Khi trạng ngữ là một cụm từ thì cụm từ đó thường là cụm danh từ, cụm động từ,... Ví dụ :

- Hôm nay, mẹ tôi đi vắng.

- Vì học nhiều, Lan cảm thấy mệt mỏi.

Trạng ngữ thường được bắt đầu bằng một quan hệ từ. Mỗi loại trạng ngữ có một số quan hệ từ điển hình. Ví dụ :

- Trạng ngữ chỉ thời gian : vào, trong lúc,...

- Trạng ngữ chỉ nơi chốn : Ở, tại, trên, ngoài, trong sau, trước,...

- Trạng ngữ chỉ nguyên nhân : vì, tại, do, bởi,...

- Trạng ngữ chỉ mục đích : để, nhằm, vì,...

- Trạng ngữ chỉ phương tiện : bằng, với,...

- Trạng ngữ chỉ cách thức : với, một cách,...

2. Tách trạng ngữ thành câu riêng

Khi nhằm một mục đích tu từ nào đấy, ví dụ như : nhấn mạnh ý, bộc lộ cảm xúc, thể hiện nhịp điệu, âm hưởng,... ta có thể tách bộ phận trạng ngữ thành câu riêng. Tuy vậy, không phải đứng ở vị trí nào, trạng ngữ cũng có thể tách ra như vậy. Trạng ngữ thường được tách ra nhiều nhất là trạng ngữ đứng cuối câu.

Ví dụ : Con chó đã chết. Vì bị bỏ đói.

II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Bài tập này yêu cầu nêu công dụng của trạng ngữ có trong những đoạn trích đưa ra trong bài tập. Có thể tiến hành làm bài tập theo trình tự như sau :

- Xác định trạng ngữ có trong đoạn trích.

- Tìm hiểu nội dung, ý nghĩa của trạng ngữ.

- Nêu công dụng của trạng ngữ.

a) Các trạng ngữ được in nghiêng đậm như sau :

Ở loại bài thứ nhất, người ta thấy trong nhà thơ Hồ Chí Minh có nhà báo Nguyễn Ái Quốc hết sức sắc sảo trong bút pháp kí sự, phóng sự vả nghệ thuật châm biếm.

Ở loại bài thứ hai, ta lại thấy ở nhà thơ cách mạng sự tiếp nối truyền thống thi ca lâu đời của phương Đông, của dân tộc, từ Lí Bạch, Đỗ Phủ,... đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến,...

Đây là hai trạng ngữ chỉ nơi chốn, trả lời cho câu hỏi : ở đâu ?

Công dụng : nhấn mạnh vào đặc điểm phong cách của từng loại bài trong thơ Hồ Chí Minh.

b) Đã bao lần bạn vấp ngã mà không hề nhớ. Lần đầu tiên chập chững bước đi, bạn đã bị ngã. Lần đầu tiên tập bơi, bạn uống nước vả suýt chết đuối phải không ? Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn có đánh trúng bóng không ? Không sao đâu vì... [...]. Lúc còn học phổ thông, Lu-i Pa-xtơ chỉ là một học sinh trung bình. Về môn Hoá, ông đứng hạng 15 trong số 22 học sinh của lớp.

Tất cả những trạng ngữ trên đây đều là những trạng ngữ chỉ thời gian.

Công dụng : nhấn mạnh vào thời điểm mà người viết muốn đưa ra với bạn đọc : lần đầu tiên...

2. Trạng ngữ tách ra thành câu riêng được in nghiêng đậm như sau :

a) Bố cháu hi sinh. Năm 72.

(Hãy so sánh câu in đậm được tách ra từ bộ phận trạng ngữ ở trên với các câu sau :

- Bố cháu đã hi sinh, năm 72.

- Năm 72, bố cháu đã hi sinh.

- Bố cháu, năm 72, đã hi sinh.)

Tác dụng : nhấn mạnh thời điểm hi sinh.

b) Bốn người lính đều cúi đầu, tóc xoã gối. Trong lúc tiếng đờn vẫn khắc khoải vẳng lên những chữ đờn li biệt, bồn chồn.

(Hãy so sánh câu in đậm được tách ra từ bộ phận trạng ngữ ở trên với các câu sau :

- Bốn người lính đều cúi đầu, tóc xoã gối, trong lúc tiếng đờn vẫn khắc khoải vẳng lên những chữ đờn li biệt, bồn chồn.

- Trong lúc tiếng đờn vẫn khắc khoải vẳng lên những chữ đờn li biệt, bồn chồn, bốn người lính đều cúi đầu, tóc xoã gối.

- Bốn người lính,, trong lúc tiếng đờn vẫn khắc khoải vẳng lên những chữ đờn li biệt, bồn chồn, đều cúi đầu, tóc xoã gối.)

Tác dụng : nhấn mạnh vào sự việc được nói tới trong bộ phận trạng ngữ là những sự việc diễn ra đồng thời, cùng lúc với những hoạt động diễn ra trong bộ phận chính của câu (đứng trước).

3. Gợi ý :

Để viết được đoạn văn theo yêu cầu của bài tập này, các em chú ý :

Nội dung đoạn văn : trình bày suy nghĩ của em về sự giàu đẹp của tiếng Việt.

Sau khi viết, chỉ ra các trạng ngữ đã được em dùng trong đoạn văn.

Giải thích lí do vì sao em lại dùng trạng ngữ trong những trường hợp ấy.

Viết bình luận