Soạn bài: Tập đọc: Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà

I. CÁCH ĐỌC

- Đọc lưu loát, trôi chảy đúng nhịp của thể thơ tự do.

- Diễn cảm giọng chậm rãi, ngân nga thể hiện niềm xúc động của tác giả khi lắng nghe tiếng đàn trong đêm trăng, ngắm sự kì vĩ thể hiện trên sông Đà, mơ tưởng về một tương lai tốt đẹp.

* Giải thích từ ngữ:

- cao nguyên: vùng đất rộng lớn và cao chung quanh có sườn dốc rõ rệt, bề mặt phẳng hay lượn sóng.

- công trường: nơi tiến hành công việc xây dựng hoặc khai thác, có tập trung người và máy móc hoặc xe cộ.

- công trình thủy điện: công trình xây dựng máy phát điện chạy bằng sức nước.

II. GỢI Ý TÌM HIỂU BÀI

1. Trong bài thơ, những chi tiết gợi lên hình ảnh một đêm trăng tĩnh mịch: Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông / Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ / Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ.

Tuy tĩnh mịch, nhưng đêm trăng vẫn rất sinh động vì có tiếng đàn của cô gái Nga, có dòng sông lấp loáng dưới ánh trăng và các những sự vật được tác giả miêu tả bằng biện pháp nhân hóa: Công trường say ngủ, tháp khoan đang bận ngẫm nghĩ, xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ.

2. Một hình ảnh đẹp trong bài thơ thể hiện sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên trong đêm trăng sông Đà là: “Chỉ có tiếng đàn ngân nga / với một dòng trăng lấp loáng sông Đà”. Hình ảnh rất đẹp này gợi lên cho thấy sự gắn bó hòa quyện giữa con người, tâm hồn con người và thiên nhiên, giữa ánh trăng với dòng sông. Tiếng đàn ngân nga lan tỏa vào dòng sông chẳng khác nào một dòng trăng lấp loáng trên sông.

3. Những câu thơ trong bài sử dụng biện pháp nhân hóa là: cả công trường say ngủ cạnh dòng sông / Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ / Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ / Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên / Sông Đà chia ánh sáng đi muôn ngả.

Nội dung: Ca ngợi vẻ đẹp kì vĩ của công trình, sức mạnh của những người đang chinh phục dòng sông và sự gắn bó, hòa quyện giữa con người với thiên nhiên.

Viết bình luận