Soạn bài: Ôn tập phần làm văn

Đề bài : Chứng minh rằng nhân dân Việt Nam từ xưa đến nay luôn luôn sống theo đạo lí : Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Uống nước nhớ nguồn.

1. Yêu cầu

- Thể loại : Văn nghị luận chứng minh.

- Dàn bài :

a) Mở bài :

Nêu vấn đề cần chứng minh : Nhân dân ta từ xưa đến nay luôn luôn sống theo đạo lí : Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Uống nước nhớ nguồn.

b) Thân bài:

Dùng lí lẽ và dẫn chứng làm sáng tỏ hai câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng câyUống nước nhớ nguồn : Phải biết ơn người đã giúp mình, hoặc đã cống hiến hi sinh cho mình có được cuộc sống tốt đẹp hôm nay.

c) Kết bài :

Khẳng định truyền thống văn hoá ứng xử tốt đẹp của dân tộc qua hai câu tục ngữ.

2. Bài làm tham khảo

Lòng biết ơn là nét đẹp trong đạo làm người của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam chúng ta luồn đề cao đạo lí : Ăn quả nhớ kẻ trồng câyUống nước nhớ nguồn. Đó là một truyền thống tốt đẹp đã được truyền giữ từ xưa đến nay.

Đây là lời chỉ dạy có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Khi ta ăn những trái cây ta phải nhớ đến công lao chăm sóc của người trổng cây. Từ hình ảnh đó, người xưa muốn nhắc nhở khi hưởng thụ thành quả nào đó, ta không được quên người đã làm ra nó. Ăn bát cơm phải nhớ đến người nông dân vất vả một nắng hai sương trên cánh đồng. Đi trên con đường sạch đẹp phải nhớ đến người công nhân vệ sinh vất vả, khó nhọc quét rác vào lúc trời chưa sáng để giữ vệ sinh thành phố. Cũng như những di sản đều là những sản phẩm từ bàn bay, khối óc sáng tạo ra cho chúng ta chiêm ngưỡng, thán phục. Còn rất nhiều nữa mà ông cha ta đã làm nên để phục vụ người đời sau. Cũng như Uống nước nhớ nguồn khuyên người ta phải luôn nhớ đến gốc rễ, cội nguồn của mình.

Là lớp người đi sau, chúng ta không được quên, không được coi nhẹ những thành quả ấy. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước không biết bao nhiêu lớp người đi trước đã đứng lên chiến đấu bảo vệ đất nước để chúng ta có được cuộc sồng độc lập, tự do như ngày nay. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Trãi... Chúng ta phải tôn trọng và ghi nhớ sự hi sinh to lớn và cao cả của những vị anh hùng dân tộc đó.

Trong cuộc sống hằng ngày, đạo lí Ăn quả nhớ kẻ trồng cây Uống nước nhớ nguồn luôn được nhân dân ta ghi nhớ và thực hiện. Rất nhiều gia đình vào ngày giỗ ông bà, con cháu trở về sum họp thắp nén hương để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, cả nước ta có chung ngày giỗ Tổ Hùng Vương:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.

Người từ khắp nơi kéo về đền thờ vua Hùng để dâng hương tưởng niệm người đã có công khai sinh ra nước Việt Nam. Ngoài các lễ hội, chúng ta còn có Ngày Thương binh liệt sĩ để nhớ những người đã hi sinh đời mình, hi sinh một phần thân thể mình vì quê hương, đất nước, vì hạnh phúc hôm nay. Ngày Nhà giáo Việt Nam để tôn vinh và cho học sinh biết ơn công lao của thầy cô giáo. Ngày Quốc tế phụ nữ để xã hội biết ơn những người phụ nữ có vai trò to lớn đối với xã hội. Ngày Thầy thuốc Việt Nam nói đến công ơn của các bậc "lương y như từ mẫu" đã tận tình cứu chữa cho người bệnh...

Trong thơ văn xưa nay đều có những câu văn tương tự : Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi ; Cóc chết ba năm còn quay đầu về núi...

Tất cả các điều trên đã chứng tỏ đạo lí Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Uống nước nhớ nguồn đã trở thành một nếp sống, một điểm nổi bật trong văn hoá Việt Nam.

Lòng biết ơn là điều cần có trong mỗi con người bởi nó là cội nguồn của mọi điều tốt đẹp. Mọi người nên tu dưỡng đạo đức, rèn luyện phẩm chất, những đức tính tốt đẹp trong đó có đạo lí Ăn quả nhớ kẻ trồng cây Uống nước nhớ nguồn.

(Nguyễn Ngọc Thuý Vy, Tiền Giang)

Viết bình luận