Soạn bài: Ôn tập giữa học kì II

Tiết 1

1. Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.

2. Tóm tắt vào bảng nội dung các bài tập đọc là truyện kể đã học trong chủ điểm Người ta là hoa đất

Tên bài

Nội dung chính

Nhân vật

Bốn anh tài

Kể chuyện Cẩu Khây, Nắm Tay Đóng Cọc, Lấy Tai Tát Nước vá Móng Tay Đục Máng cùng nhau đi khuất phục yêu tinh, trừ hại cho làng bản.

Cẩu Khây, Nắm Tay Đóng Cọc, Lấy Tai Tát Nước và Móng Tay Đục Máng

Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa

Kể chuyện ông Trần Đại Nghĩa sang Pháp học đậu ba bằng kĩ sư rồi theo Bác Hồ về nước chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến và góp phần xây dựng nền khoa học trẻ tuổi của nước nhà.

Trần Đại Nghĩa

Tiết 2

1. Nghe - viết: Hoa giấy

2. Đặt một vài câu để:

a) Kể về hoạt động vui chơi của các bạn trong giờ nghỉ giữa buổi học ở trường.

Tiếng trống trường đã vang lên báo hiệu giờ ra chơi đã tới. Các lớp ào ra sân như đàn chim vỡ tổ. Khu sân trường rộng đang yên lặng nghiêm trang bỗng ồn ào, náo nhiệt. Chỗ này mấy bạn nhảy dây. Hai bạn cầm đầu dây quay đều. Một bạn vào nhảy thật nhanh nhẹn, nhịp nhàng. Một số bạn đứng xung quanh chờ tới lượt mình vào nhảy.

Một số bạn khác chơi trò bịt mắt bắt dê. Vòng tròn người đứng xung quanh luôn reo hò ầm ĩ khi có "dê" bị bắt hoặc khi người bịt mắt vồ trượt và ngã chổng queo trên đất. Có vài bạn lại thích chơi cầu lông ở một góc sân. Còn một số bạn trai hăng hái nhất thì đang tranh nhau trái bóng tròn ở giữa sân. Vẻ tươi vui luôn hiện trên các khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi. Khi tiếng trống trường lại vang lên báo hiệu giờ chơi đã hết thì tất cả lại xếp hàng vào lớp. Sân trường lại trở về yên ắng, chỉ còn tiếng đọc bài từ các lớp vọng ra.

b) Tả các bạn trong lớp em.

Một số bạn trong lớp em có những nét nổi bật khác hẳn mọi người xung quanh. Ví dụ như Tám béo thì ục à ục ịch, những ngón tay múp míp như những quả chuối mắn. Chúng em thường đùa:

- Này cậu cẩn thận kẻo bị bệnh béo phì đấy!

Thế là Tám lại cười khì. Nam thì cao và gầy nhưng lại có một giọng hát thật hay. Cô họa sĩ Tú thì vẽ thật là đẹp, còn bạn Hồng lớp trưởng thì rất giỏi làm kế hoạch và điều khiển lớp trong sinh hoạt.

c) Giới thiệu từng bạn trong tổ của em với chị phụ trách mới của liên đội.

Câu này các em có thể dựa vào tình hình thực tế của tổ em để kể.

Tiết 3

1. Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.

2. Nêu tên và nội dung các bài tập đọc về chủ điểm vẻ đẹp muôn màu.

Tên bài

Nội dung chính

Sầu riêng

Giới thiệu cây sầu riêng: hương vị ra sao, mùa sầu riêng trổ hoa kết trái và dáng dấp của cây.

Chợ Tết

Bài thơ miêu tả quang cảnh phiên chợ Tết ở vùng trung du đầy vui tươi, đầy màu sắc.

Hoa học trò

Bài văn miêu tả vỏ đẹp của hoa phượng vĩ - loài hoa luôn gắn bó với học trò.

Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Bài thơ ngợi ca lòng yêu nước và yêu con sâu nặng của các bà mẹ miền núi.

Vẽ về cuộc sống an toàn

Bản tin thông báo về cuộc thi vẽ về đề tài an toàn giao thông được các em cả nước hưởng ứng với kết quả thật đáng khích lệ.

Đoàn thuyền đánh cá

Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp huy hoàng của biển cả và vẻ đẹp trong lao động của những người dân làng biển.

3. Nghe - viết: Cô Tấm của mẹ.

Tiết 4

1. Ghi lại các từ ngữ trong tiết Mở rộng vốn từ theo chủ điểm.

Người ta là hoa đất

Vẻ đẹp muôn màu

Những người quả cảm

tài giỏi, tài ba, tài đức, tài năng, tài hoa, tài trí, thiên tài,...

xinh đẹp, duyên dáng, khôi ngô, thanh tú, tuyệt mĩ, thùy mị, nết na, nhu mì, thật thà, lễ độ, khiêm tốn, chân thành,...

Gan dạ, anh hùng, dũng cảm, anh dũng, can đảm, can trường, gan góc, gan lì, bạo gan,...

tập luyện, tập thể dục, đi bộ, chạy nhảy, chơi bóng, đá cầu, nhảy dây,... vạm vỡ, cường tráng, rắn ròi, lực lường, nở nang,...

Tuyệt vời, tuyệt sắc, tuyệt trần, mê li, mê hồn,...

2. Ghi lại một thành ngữ tục ngữ đã học trong mỗi chủ điểm:

- Nước lã mà vã nên hồ

Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan.

(Chủ điểm: Người ta là hoa đất)

- Cái nết đánh chết cái đẹp

(Chủ điểm: vẻ đẹp muôn màu)

- Gan vàng dạ sắt

(Chủ điểm: Những người quả cảm)

3. Chọn từ điền vào chỗ trống:

a) - Một người tài đức vẹn toàn.

- Nét chạm trổ tài hoa.

- Phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ.

b) - Ghi nhiều bàn thắng đẹp mắt.

- Một ngày đẹp trời.

- Những kỉ niệm đẹp đẽ.

c) - Một dũng sĩ diệt xe tăng.

- Có dũng khí đấu tranh.

- Dũng cảm nhận khuyết điểm.

Tiết 5

1. Ôn luyện tập đọc và học thuộc lòng.

2. Tóm tắt vào bảng sau nội dung các bài tập đọc là truyện kể đã học trong chủ điểm Những người quả cảm.

Tên bài

Nội dung chính

Nhân vật

Khuất phục tên cướp biển

Bác sĩ Ly với dáng vẻ vừa đức độ, hiền từ vừa nghiêm nghị, cứng cỏi đã khuất phục được tên cướp biển hung hãn, dữ tợn.

- Bác sĩ Ly

- Tên cướp biển

Thắng biển

Hơn hai chục thanh niên nam nữ đã dũng cảm lấy thân mình làm bức tường chắn sóng để ngăn dòng nước dữ bảo vệ quãng đê sắp vỡ.

Các thanh niên nam nữ dũng cảm

Ga-vrốt ngoài chiến lũy

Chú bé Ga-vrốt dũng cảm đã liều mình xông ra trước những luồng đạn bắn như mưa để thu gom gạn đem về tiếp tế cho nghĩa quân.

Chú bé Ga-vrốt Ăng-giôn-ra Cuốc-phây-rắc

Dù sao trái đất vẫn quay

Hai nhà bác học Cô-péc-ních và Ga-li-lê đã dám phản bác lại dư luận xã hội, nói trái điều Chúa phán bảo, bất chấp tù đày để bảo vệ chân lí khoa học: Trái đất quay quanh mặt trời.

- Cô-péc- ních

- Ga-li-lê

Con sẻ

Con sẻ mẹ đã dũng cảm che chở cho sẻ Con chống lại con chó khổng lồ có hai hàm răng sắc nhọn.

- Nhân vật “tôi”

- Hai con chim sẻ

- Con chó săn

Tiết 6

1. Phân biệt 3 kiểu câu kể (nêu định nghĩa, ví dụ)

            Ai làm gì?           Ai thế nào?           Ai là gì?
Định nghĩa Câu kể "Ai làm gì?" là loại câu kể mà chủ ngữ luôn trả lời cho câu hỏi: Ai (cái gì, con gì)? và vị ngữ luôn trả lời cho câu hỏi: làm gì? Câu kể: "Ai thế nào?" là loại câu kể mà chủ ngữ luôn trả lời cho câu hỏi: Ai (cái gì, con gì)? và vị ngữ luôn trả lời cho câu hỏi thế nào? Câu kể "Ai là gì?" là loại câu kể mà chủ ngữ luôn trả lời cho câu hỏi: Ai (cái gì, con gì)? và vị ngữ luôn trả lời cho câu hỏi: là gì?
Ví dụ Nam đi học. Nam hiền hòa, chăm chỉ. Nam là học sinh lớp 4A.

2. Tìm 3 kiểu câu kể trên trong đoạn văn đã cho

Câu kể Ai là gì?: Bấy giờ tôi còn là một chú bé lên mười.

Cây này có tác dụng giới thiệu nhân vật vào thời còn nhỏ tuổi.

Câu kể Ai làm gì?: Mỗi lần đi cắt cỏ, bao giờ tôi cũng tìm bứt một nắm cây mía đất, khoan khoái nằm xuống cạnh sọt cỏ đã đầy và nhấm nháp từng cây một.

Câu này có tác dụng cho ta biết hành động của nhân vật.

Câu kể Ai thế nào?: Buổi chiều ở làng ven sông yên tĩnh một cách lạ lùng. Câu này có tác dụng cho ta biết trạng thái yên tĩnh của một làng ven sông.

3. Hãy viết một đoạn văn về bác sĩ Ly (trong đó có dùng 3 kiểu câu kể nói trên).

Bác sĩ Ly là một bác sĩ giỏi (kiểu câu "Ai là gì?”). Trong một lần đến thăm bệnh cho ông chủ quán trọ, bác sĩ Ly dám ngang nhiên đối đầu với tên cướp biển hung dữ (kiểu câu "Ai làm gì?"). Bác sĩ Ly đức độ, hiền từ nhưng nghiêm nghị và cứng rắn (kiểu câu "Ai thế nào?"). Chính tên cướp biển đã phải cúi đầu trước bác sĩ Ly vì sự đức độ, hiền từ, nghiêm nghị và cứng rắn đó.

TIẾT 7

BÀI LUYỆN TẬP

A. ĐỌC THẦM: Chiếc lá

B. DỰA THEO NỘI DUNG BÀI ĐỌC, CHỌN Ý ĐÚNG TRONG CÁC CÂU TRẢ LỜI DƯỚI ĐÂY:

1. Trong truyện có các nhân vật nào nói với nhau?

- Chim sâu, bông hoa và chiếc lá.

2. Vì sao bông hoa biết ơn chiếc lá?

- Vì lá đem lại sức sống cho cây.

3. Câu chuyện muốn nói với em điều gì?

- Hãy biết quý trọng những người bình thường (nhưng có ích cho cuộc sống).

4. Trong câu Chim sâu hỏi chiếc lá, sự vật nào được nhân hóa?

- Cả chim sâu và chiếc lá đều được nhân hóa.

5. Có thể thay từ nhỏ nhoi trong câu: Tỏi chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi bình thường bằng từ nào sau đây: nhỏ nhắn, nhỏ xinh, nhỏ bé

- Chỉ có thế dùng từ nhỏ bé để thay thế từ nhỏ nhoi.

6. Trong câu chuyện trên có các loại câu nào đã học

Trong câu chuyện trên có các loại câu: câu kể, câu hỏi và câu khiến.

7. Trong câu chuyện trên có các kiểu câu kể nào?

Trong câu chuyện trên có cả ba kiểu câu kể:

Ai làm gì? (Bông hoa kia đã làm tôi thất vọng).

Ai thế nào? (Cuộc đời tôi rất bình thường).

Ai là gì? (Suốt đời, tôi chỉ là một chiếc lá nhỏ nhoi bình thường).

8. Chủ ngữ trong câu: Cuộc đời tôi rất bình thường là:

- Cuộc đời tôi.

TIẾT 8

BÀI LUYỆN TẬP

A. CHÍNH TẢ: Đoàn thuyền đánh cá

B. TẬP LÀM VĂN Cho hai đề bài:

1. Tả một đồ vật em thích

2. Tả một cây bóng mát, cây hoa hoặc cây ăn quả.

Chọn một đề tài và:

a) Viết lời mở bài theo kiểu gián tiếp.

b) Viết một đoạn tả một bộ phận của đồ vật hay của cây.

Đoạn văn tham khảo

Tả cái cặp sách

a) Lời mở bài theo kiểu gián tiếp

Năm trước, tôi đeo một cái túi vải chứa đầy sách bút để đến trường. Tất nhiên là nhìn các bạn khác đeo những chiếc cặp xinh đẹp tôi cũng muốn có một cái. Nhưng nhà tôi nghèo, ba mẹ còn rất khó khăn nên tôi chẳng đòi hỏi bao giờ. Mãi đến năm nay, ba mẹ tôi trúng mùa dưa hấu mới có điều kiện mua cho tôi một chiếc cặp mới để tôi vào lớp bốn.

b) Viết một đoạn tả một bộ phận của cái cặp.

Cái cặp, đối với tôi quả là rất đẹp. Nó được làm bằng vải giả da màu đen bóng. Mặt da giả nổi lên những hoa văn nhìn mà thích mắt. Cái khóa cặp mới sang trọng làm sao. Nó được làm bằng đồng mạ kền sáng bóng. Mỗi khi tôi đóng mở lại nghe tiếng khua lách cách như khóa có ý bảo tôi rằng: "Này anh bạn, anh đã có một cái cặp đẹp như mong muốn rồi đấy. Anh phải học hành thật chăm chỉ để các thầy cô giáo và ba mẹ vui lòng". Lời nói của nó thật có lí. Có một cặp đẹp như thế này thì lười biếng làm sao được chứ!

Viết bình luận