Soạn bài: Muốn làm thằng Cuội

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Tản Đà (1889 - 1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu, quê ở làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, nay là huyện Ba Vì, Hà Nội. Tản Đà từng lều chõng đi thi nhưng không đỗ. Ông chuyển sang sáng tác văn chương quốc ngữ và sớm nổi tiếng. Bút hiệu Tản Đà là lấy từ chữ núi Tản, sông Đà của quê hương. Ông được coi như gạch nối giữa nền thơ cổ điển và nền thơ hiện đại Việt Nam. Ngoài thơ, Tản Đà còn viết văn xuôi. Tác phẩm chính của Tản Đà: Khối tình con I, II (thơ, 1917), Giấc mộng con (tiểu thuyết, 1917), Thề non nước (tiểu thuyết, 1920), Giấc mộng con II (du kí, 1932), Giấc mộng lớn (tự truyện, 1932).

2. Bài thơ Muốn làm thằng Cuội nằm trong quyển Khối tình con I, xuất bản năm 1917.

3. Bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà là tâm sự cúa một con người bất hoà với xã hội tầm thường, buồn té, muốn thoát li bằng mộng tưởng lên cung trăng để bầu bạn với chị Hằng. Bài thơ thể hiện sự lãng mạn pha chút ngông nghênh đáng yêu và những tìm tòi đổi mới thể thơ cổ điển.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Tản Đà có tâm sự chán trần thế vì xã hội ông sống là xã hội thực dân phong kiến "gió gió mưa mưa", bản thân ông cô đơn, bế tắc, long đong. Vốn là người lãng mạn, phóng túng, Tản Đà không bằng lòng với cuộc sống đó. Ông cảm thấy buồn, thấy chán. Ông tâm sự với chị Hằng rằng: đêm thu buồn lắm. Và trần thế cũng không có bao nhiêu hấp dẫn: Trần thế em nay chán nửa rồi.

2. "Ngông" có nghĩa là làm những việc không bình thường, vượt trội lên so với bình thường. Ngông cũng có nghĩa là chơi trội, gây cho người ta phải chú ý bởi các việc làm độc đáo mà người bình thường không dám làm hoặc không làm được.

Cái ngông thể hiện trong bài thơ này là muốn đi ra khỏi trái đất để lên cung trăng ở chơi với chị Hằng. Hơn thế nữa, nhà thơ lại xưng hô suồng sã với chị Hằng, muốn chị coi mình như là chú Cuội, như một người bầu bạn. Cách lên trời, lên trăng của Tản Đà cũng bộc lộ chất ngông: chị Hằng sẽ ghì cành đa xuống và Tản Đà sẽ bám vào đó mà lên. Tản Đà rất tự tin, coi rằng mình lên cung trăng sẽ làm cho chị Hằng không còn lẻ loi, không bị buồn tủi. Ý định cùng chị Hằng Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám -Tựa nhau trông xuống thế gian cười cũng là thể hiện cái ngông của thi sĩ.

3. Câu kết bài thơ là hình ảnh "Tựa nhau trông xuống thế gian cười". Hình ảnh thể hiện sự ngông và lãng mạn của Tản Đà. Ông tựa vào chị Hằng (một cử chỉ thân mật, suồng sã) và cùng với chị nhìn xuống thế gian (những người trên trái đất) mà cười. Cái cười ở đây có thể có mấy ý nghĩa: Thứ nhất, cười vì lúc này Tản Đà đã cảm thấy rất vui, được thoả mãn ước mơ, được rời bỏ một nơi chán ngán là trái đất để được sống trên mặt trăng với một người đẹp là chị Hằng. Thứ hai, cười là vì nhà thơ thấy cái trần thế đáng buồn đã bị ông rời bỏ chỉ còn là một cõi nhân gian nhỏ bé, nó vẫn diễn ra những chuyện nhố nhăng, buồn chán mà nhà thơ đã "lên cao" nhìn xuống thấy thật đáng khinh thường, mai mỉa.

4. Yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của bài thơ trước hết là trí tưởng tượng lãng mạn, bay bổng của tác giả. Ông đã hình dung ra một cuộc trò chuyện thân mật và hình dung ra một cách du hành lên mặt trăng, những vui thú, sung sướng khi được làm bạn với người đẹp là chị Hằng. Mặt khác, nguồn cảm xúc dồi dào, phóng túng đã tạo ra cuộc trò chuyện tưởng tượng khá lí thú và hấp dẫn. Thái độ ngông của tác giả cũng làm cho bài thơ có giọng điệu và ý tưởng khác thường. Điều sau cùng là lời thơ giản dị, tự nhiên; giọng điệu khi than thở, khi thăm dò, khi cầu xin, khi đắc ý làm cho bài thơ vui, linh hoạt, mặc dù vẫn tuân theo luật thơ Đường, nhưng đã chứa đựng một sự phóng túng, thoải mái.

II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Trong thơ Đường, các cặp câu 3 - 4 và 5 - 6 bắt buộc phải đối nhau. Câu 3 và 4 đối về hình ảnh: cung quế - cành đa, đối về hoạt động: ngồi - nhắc, đối về ý tứ: thăm dò - đề nghị.

Câu 5 và câu 6 đối về ý là chính: bầu bạn - gió mây, tủi - vui.

2. So sánh với ngôn ngữ và giọng điệu của bài Qua Đèo Ngang, ta thấy bài Qua Đèo Ngang ngôn ngữ mực thước, trang trọng, đối chặt chẽ và chỉnh. Còn bài thơ này, giọng điệu nhẹ nhàng, phóng khoáng, pha chút hóm hỉnh, ngông nghênh. Lời lẽ giản dị, không trang trọng, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Vần luật chặt chẽ, nhưng sử dụng nghệ thuật đối phóng túng, không chặt chẽ như trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan.

Viết bình luận