Soạn bài: Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh

I. Ôn tập về đoạn văn

Học sinh tự xem lại kiến thức đã học.

1. a. Thế nào là đoạn văn

Đoạn văn là phần văn bản được quy ước tính từ chỗ viết hoa lùi đầu dòng đến chỗ chấm xuống dòng (chấm qua hàng) và thường biểu đat một ý tương đối hoàn chỉnh.

Đoạn văn được xem như một bài văn thu nhỏ. Nó cũng có ba phần: mở đầu, phát triển và kết thúc.

b. Một đoạn văn cần đạt được các yêu cầu

- Tập trung làm rõ một ý chung, một chủ đề chung thống nhất và duy nhất.

- Liên kết chặt chẽ với các đoạn văn đứng trước và sau nó.

- Diễn đạt chính xác và trong sáng.

2. Một đoạn văn tự sự và một đoạn thuyết minh có điểm giống nhau: cùng là một đoạn văn cũng có ba phần mở đầu, phát triển và kết thúc Nhưng khác nhau ở chỗ tự sự có sự việc, diễn biến còn thuyết minh có trí thức trình bày một cách khách quan, giúp con người hiểu biết đươc đặc trưng, tính chất của sự vật, hiện tượng và biết cách sử dụng chúng vào mục đích có lợi cho con người.

3. Môt đoan văn thuyết minh có thể có ba phần chính. Viết đoạn văn thuyết minh nên tuân theo thứ tự cấu tạo của sự vật, theo thứ tự nhận thức (từ tổng thể đến bộ phận, từ ngoài vào trong, từ xa đến gần...), theo thứ tự chính - phụ, cái chính nói trước, cái phụ nói sau.

II. Luyện tập tại lớp

Đề: Giới thiệu nhà văn Ngô Tất Tố.

a. Mở bài:

Giới thiệu nhà văn

Ngô Tất Tố là nhà văn Việt Nam, một trong những đại diện tiêu biểu nhất của văn học hiện thực phê phán trước Cách mạng tháng Tám.

b. Thân bài:

1. Nêu tiểu sử

2. Cuộc đời

3. Sự nghiệp

Ngô Tất Tố (1893 - 1954) quê ở làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội); xuất thân là một nhà nho gốc nông dân.

Ông là một học giả có những công trình khảo cứu về triết học, văn học cổ có giá trị; một nhà báo tiến bộ giàu tính chiến đấu; một nhà văn hiện thực xuất sắc trong Cách mạng. Sau Cách mạng, nhà văn tận tụy trong công tác tuyên truyền văn nghệ phục vụ kháng chiến chống Pháp.

Tác phẩm chính của Ngô Tất Tố: các tiểu thuyết Tắt đèn (1939), Lều chõng (1940)... các phóng sự Tập án cái đình (1939), Việc làng (1940)...

c. Kết bài:

Lời nhận xét

Là một nhà văn xuất sắc của nông thôn Việt Nam, Ngô Tất Tố không chỉ đanh thép tố cáo chế độ thực dân phong kiến dã man, tàn bạo mà còn thể hiện lòng thương yêu mãnh liệt, thái độ trân trọng thực sự đối với nhân dân lao động. Điều đó khiến cho ông có vị trí hết sức vẻ vang trong học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

(Hoàng Đức Huy)

Dàn bài

Hai Bà Trưng

a. Mở bài:

Giới thiệu danh nhân

Hai Bà Trưng là tên gọi tôn kính mà nhân dân Việt Nam dành cho hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, những người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đầu tiên ở thế kỉ 1 chống lại ách đô hộ của bọn phong kiến phương Bắc.

b. Thân bài

* Cuộc đời

* Cuộc khởi nghĩa

Trưng Trắc sinh năm 14, bà là con lạc tướng Mê Linh. Chồng bà là Thi Sách, con lạc tướng Châu Diên. Hai gia đình lạc tướng với sự ủng hộ của nhân dân đang cùng nhau mưu toan việc lớn thì Thi Sách bị thái thú Tô Định hại.

Thương chồng, căm thù giặc cướp nước, tháng 3 năm 40, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa. Nhân dân nô nức kéo về Mê Linh tụ nghĩa. Trong hàng ngũ tướng lĩnh của nghĩa quân có rất nhiều phụ nữ như: bà Lê Chân (Hải Phòng), bà Thánh Thiên (Bắc Ninh), bà Bát Nàn (Thái Bình), bà Lê Thị Hoa (Thanh Hóa)...

Từ Mê Linh, nghĩa quân tiến đánh Luy Lâu (Bắc Ninh), nơi đặt thủ phủ của đất Giao Chỉ. Thái thú Tô Định phải cắt bỏ râu tóc trốn về nước. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, nhân dân ta đã thu lại được 65 thành. Trưng Trắc lên làm vua gọi là Trưng Vương đóng đô ở Mê Linh (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc)

Tháng 4 năm 42, nhà Hán cho Mã Viện đem hai vạn quân sang xâm lược nước ta. Tháng 5 năm 43, trong một trận đánh không cân sức, hai bà đã gieo mình xuống dòng Hát Giang (đoạn sông Đáy chảy vào sông Hồng) tuẫn tiết.

c. Kết bài:

Lời nhận xét

Để tỏ lòng ngưỡng mộ, nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ Hai Bà như: đền Đồng Nhân (Hà Nội), đền Hát Môn (Hà Tây), đền Hạ Lôi (huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc)...

Viết bình luận