Soạn bài: Luyện nói: Văn biểu cảm về sự vật, con người

I - CHUẨN BỊ Ở NHÀ

Các em chuẩn bị 1 trong 4 đề SGK đưa ra.

Sau khi chọn đề, các em tiến hành lần lượt các bước sau:

- Tìm hiểu đề

- Tìm ý

- Lập dàn bài

- Viết thành bài văn

Khi viết, các em lưu ý đây là bài văn biểu cảm về sự vật, con người mà không phải là bài văn kể hay tả. Vì vậy dù có nói đến sự vật hay con người trong bài văn thì sự vật hay con người ấy cũng chỉ là để làm nền cho việc thể hiện những cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm của người viết.

Tuy vậy, khi làm bài văn biểu cảm về sự vật, con người, ta cũng không thể bộc lộ tình cảm, suy nghĩ một cách chung chung, không dựa trên một sự vật hay con người cụ thể nào. Bỏi thế, khi viết văn biểu cảm, ta cũng cần phải chú ý đến những yếu tô' kể vầ tả. Dựa vào kể và tả, ta có thể bộc lộ cảm xúc một cách tự nhiên, sâu sắc hơn đối với sự vật và con người.

Khi viết bài, cần vận dụng những hình thức biểu cảm thông dụng như: so sánh, nhân hoá, cảm thán,... để bài văn trở nên sinh động hơn.

II - THỰC HÀNH TRÊN LỚP

Để thực hành trên lớp tốt, các em có thể tham khảo đoạn trích dưới đây.

ĐI TẾT THẦY

Sáng ba mươi, đang vui với tám quân bài tam cúc mới được chia đổ rực bộ ba "tướng sĩ tượng", thì bố tôi đưa cho gói quà tết bọc giấy điều:

- Lớn rồi, tết này, con đi tết thầy một mình! Chẳng có gì. Cặp bánh chưng với cân đường gọi là.

Tôi gật đầu nhưng bụng rất run. Tôi vốn là đứa trẻ nhút nhát. Chưa dám đến nhà ai một mình. Kể chi nhà thầy giáo có tiếng nghiêm khắc như thầy tôi. Thành ra trên đường có bao nhiêu là cái vui của ngày tết mà tôi chả thiết gì. Tranh gà, tranh lợn, tố nữ, đu xuân. Lại có chỗ trẻ con đá bóng. Chiếc bọng đái của con lợn tết phơi khô thổi hơi vào căng cứng, chân chạm đến, nảy câng câng. Tôi cũng chả thiết.

Tôi đi thật chậm nhưng rồi cũng đã đến cổng nhà thầy. Đã mấy lần giơ bàn tay nhỏ bé định đập đập lên đó nhưng cả mấy lần tôi đều rụt lại. Sợ quá. Ước gì có ai đó ra mở cổng. Tôi sẽ dúi vào tay cái khối nặng nề này rồi ù té chạy đi. Nhưng chờ mãi chả thây. Chỉ thấy còn cách là quay về. Rồi muốn ra sao thì ra!

Đường về, tôi đếm từng bước một. Đã đến quán nước bà Ngải, một bà lão sống mỗi một mình từ hồi nào. A! Phải rồi! Tôi rẽ vào quán, đặt vội lên đôi bàn tay nhăn nheo run run của bà gói quà tết:

-Thầy bu cháu...

Bà lặng người đi. Cái miệng móm mấp máy:

- Đa tạ ông bà...

Xong việc, tôi về đến nhà, mặc dù tự trấn an: "Thầy giáo thì thiếu gì quà tết" nhưng tôi vẫn cứ thấy bứt rứt. Tâm trạng của người vừa phạm tội, vừa không. Bố tôi không nhận ra điều ấy nên đã reo lên khi thấy tôi về:

- Thằng này giỏi! Tết thầy một mình!

Bố tôi càng khen tôi càng nơm nớp chờ đợi...

Ngày mùng một, điều ấy không đến, may sao!

Ngày mùng hai, lạy trời, cũng thế. Nhưng...

Vừa sáng bảnh mắt, bà cụ Ngải đã xồng xộc bước vào nhà, miệng rối rít:

- Năm mới kính chúc ông bà làm ăn phát đạt bằng năm bằng mười năm ngoái...

Tôi chạy tọt vào buồng. Tim thắt lại. Bà ơi, bà đừng nói cái câu chuyện hôm trước bà nhé.

- Sau nữa, xin cảm ơn ông bà có lòng nghĩ tới kẻ nghèo hèn như tôi. Cặp bánh ông bà cho, nó không phải bằng gạo bằng thịt đâu, bằng vàng đấy ạ!

Tôi tái người, chỉ còn biết ngồi sụp xuống chờ ăn đòn. Quả không sai, bố tôi nghiêm mặt nhìn tôi sau lúc bà Ngải về:

- Vậy là thế nào?

Tôi nghĩ ngay được câu biến báo:

- Dạ, thầy con nhận rồi sai con tết lại bà...

- Thật không?

- Thật ạ!

- Được rồi. Để tao xem lại!

Bố tôi rất ghét nói dối, xưa nay đã nói là ông làm, tôi chỉ còn biết cầu mong bố tôi quên việc đến gặp thầy. Mà rồi sau đó bố tôi quên thật. Có lẽ nhờ mải mê lau chùi những món đồ thờ. Bố tôi đã vừa làm vừa đọc lên những câu đối tiếu lâm làm cả nhà cùng cười. Tôi tạm yên dạ.

Ngoài sân bỗng vang lên tiếng chào. Tôi giật mình nhìn ra và tái mặt. Thầy tôi. Trời ơi, làm sao thầy tôi lại đến nhà tôi vào giữa lúc này!

Tôi nhảy tọt vào buồng run còn hơn buổi sáng. Tôi nghe thầy nói:

- Có hộp mứt tết đến mừng tuổi ông bà. Cũng là cảm ơn ông bà đã cho bánh tết. Gớm, bánh gói khéo quá. Vừa chặt tay lại vừa đẹp.

Tôi không tin ỏ lỗ tai của mình, vội lẻn ra khỏi buồng, chạy thẳng một mạch đến quán bà Ngải. Trên mảnh gỗ lâu nay vẫn được làm bàn thờ tổ tiên của bà vẫn là cặp bánh chưng nhà tôi lại thêm hộp mứt giống hệt cái hộp thầy vừa mừng tuổi bố mẹ tôi. Chẳng để tôi kịp hỏi, bà Ngải đã a lên:

- Cậu. Bữa cho quà, cậu bỏ quên lá thơ. Lão nhờ người đọc mới biết thơ thầy u cậu gửi ông giáo. Lão vội đưa tới ông giáo ngay, nhân dịp biếu ông giáo chục cam. Cảm ơn ông giáo dạy học trò biết nhớ tới người nghèo. Ông giáo nhận thơ, lại còn cho mứt. Quý hoá quá!

Vậy là còn lá thư trong gói quà tết tôi nào biết. Nhưng tôi biết, thầy tôi đã đọc lá thư, đã rõ hết chuyện, đã đỡ đòn cho tôi. Nếu không, phải ăn đòn ngày tết thì dông cả năm. Có khi cả đời.

(Nguyễn Khoa Đăng)

Viết bình luận