Soạn bài: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích Truyện Lục Vân Tiên)

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nguyễn Đình Chiểu thường gọi là Đồ Chiểu, sinh năm 1822 tại quê mẹ làng Tân Thới, tỉnh Gia Định, mất năm 1888 tại Ba Tri, tỉnh Bến Tre.

Khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kì, Nguyễn Đình Chiểu tuy bị mù, nhưng vẫn tích cực tham gia kháng chiến, sáng tác nhiều thơ văn khích lệ tinh thần chiến đâu của nghĩa quân. Nổi tiếng nhất là bài Văn tếnghĩa sĩ cần Giuộc.

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc. Tác phẩm của ông gồm những áng văn thơ truyền bá đạo lí như Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu ; những bài thơ, văn cổ vũ lòng yêu nước như Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Thơ điếu Trương Định... và truyện thơ dài Ngư Tiều y thuật vấn đáp.

2. Truyện Lục Vân Tiên là một trong những tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Đình Chiểu được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả và khắc họa những phẩm chất đẹp đẽ của hai nhân vật chính : Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài; Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na, ân tình.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Truyện Lục Vân Tiên được sáng tác theo kết câu của truyện kể dân gian, kết thúc có hậu. Nhân vật thường có hai tuyến là chính diện và phản diện. Những nhân vật chính diện trải qua gian khổ, khó khăn, cuối cùng đều chiến thắng và được đền đáp.

Đối với tác phẩm tuyên truyền đạo đức thì kết cấu như vậy khuyến khích động viên người đọc noi theo những tấm gương đạo đức được biểu dương trong tác phẩm.

2. Trong đoạn trích, Lục Vân Tiên là người hào hiệp, xả thân vì nghĩa. Vân Tiên sẵn sàng cứu giúp dân lành.Chàng được ví với Triệu Tử Long, một danh tướng thời Tam quốc. Vân Tiên đánh cướp là một việc làm vì nghĩa, vô tư. Chàng quan niệm : Làm ơn há dễ trông người trả ơn ; Nào ai tính thiệt so hơn làm gì. Thấy việc nghĩa không làm, không phải là người anh hùng.

Ngoài ra, Vân Tiên còn là một chàng trai có tấm lòng cảm thông. Chàng cư xử tế nhị, có văn hoá. Chàng muốn cho hai cô gái bình tĩnh, và chàng có điều kiện chỉnh đốn trang phục sau khi “tả đột hữu xông”. Vì thế chàng mới không để hai cô gái ra ngay khỏi xe gặp mình.

3. Về phía Kiều Nguyệt Nga, trước hết, nàng là người hiếu thảo. Theo lời cha dặn, nàng không ngại đường xa nguy hiểm (Làm con đâu dám cãi cha - Ví dầu ngàn dặm đường xa cũng đành). Khi được Vân Tiên giải nguy, nàng rất muốn đền ơn nên đã mời Vân Tiên về cùng để báo đức thù công. Nàng băn khoăn vì giữa đàng "Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không”. Tấm lòng của nàng là chân thành của người trọng ơn nghĩa "ơn ai một chút chẳng quên".

4. Nhân vật trong đoạn trích này được miêu tả chủ yếu qua hành động, cử chỉ. Vân Tiên bộc lộ tính cách qua hành động đánh cướp, qua việc yêu cầu hai người chớ vội ra ngoài xe, qua việc từ chối theo Nguyệt Nga về để hưởng sự đền ơn. Nguyệt Nga bộc lộ phẩm chất tốt đẹp qua việc vâng lời cha, qua hành động mời Vân Tiên qua Hà Khê để báo đáp ơn nghĩa của chàng. Truyện Lục Vân Tiên gần với thể loại truyện nôm khuyết danh, xa hơn là gần với thể loại truyện kể dân gian.

5. Ngôn ngữ của tác giả trong đoạn trích là ngôn ngữ bình dân, gần gũi với lời ăn tiếng nói hằng ngày. Điều thứ hai là ngôn ngữ mang màu sắc Nam Bộ với các từ địa phương : nhằm làng, xông vô, kêu rằng, tại mầy, xe nầy, tiêu thơ... Các từ ngữ này làm cho màu sắc Nam Bộ rất độc đáo, được người dân Nam Bộ yêu thích, truyền tụng. Ngoài ra, ngôn ngữ kể chuyện khá linh hoạt, đa dạng. Miêu tả trận đánh, lời lẽ Phong Lai, khác hẳn với việc miêu tả cuộc trò chuyện của chàng trai với hai cô gái.

III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Lời lẽ Vân Tiên khi xông vào làng rất chủ động, đàng hoàng, cảnh cáo sự làm càn hại dân của đảng hung đồ. Phong Lai thì ngông nghênh, kẻ cả “Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây”. Vân Tiên khi nói với Nguyệt Nga và Kim Liên giọng điệu ôn tồn, lại kèm theo cả tiếng cười vui vẻ trước sự thành tâm lo lắng đền ơn của Nguyệt Nga. Trong khi đó Nguyệt Nga nói năng dịu dàng, lễ phép : Thưa rằng: Tôi Kiều Nguyệt Nga - Con nầy tì tất tên là Kim Liên. Nguyệt Nga gọi Vân Tiên là quân tử, tự xưng là tiện thiếp (một cách khiêm xưng), chứng tỏ nàng rất tôn trọng Vân Tiên.

Viết bình luận