Soạn bài: Làng (trích)

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nhà văn Kim Lân tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài (1920 - 2007), quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Nhà văn Kim Lân đã qua hoạt động văn hoá cứu quốc, trong kháng chiến chống Pháp công tác ở chiến khu Việt Bắc. Từng là ủy viên Ban phụ trách Nhà xuất bản Văn học, Trường bồi dưỡng những người viết trẻ, tuần báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Tác phẩm mới.

“Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn. Trong những năm 1941 - 1944, ông viết khá đều trên những tờ báo Tiểu thuyết thứ bảyTrung Bắc Chủ nhật. Thế giới nghệ thuật của ông chỉ tập trung ở khung cảnh làng quê cùng với cuộc sống, thân phận người nông dân. Những tác phẩm đầu tay (Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Cô Vịa, Người kép già,..) ít nhiều có tính chất tự truyện nhưng vẫn có ý nghĩa xã hội nhất định. Những con người của quê hương ông, thân thiết ruột thịt với ông, từ cuộc sống đói nghèo lam lũ trực tiếp bước vào tác phẩm, tự nó toát lên ý nghĩa hiện thực, mặc dù nhà văn chưa thật tự giác về điều đó.

Kim Lân viết rất hay về những cái gọi là “thú đồng quê” hay “phong lưu đồng ruộng”. Đó là những thú chơi lành mạnh mang màu sắc văn hoá truyền thống của người dân quê như đánh vật, nuôi chó săn, gà chọi, thả chim,... Những truyện của Kim Lân viết về phong tục (Đuổi tà, Đôi chim thành, Con mã mái, Chó săn, Pháo Đồng Kị, Thổi ống sùy đồng, Tông chim Cả Chuống, Ống Cản Ngũ, Thượng tướng Trần Quang Khải, Trạng Vật,..) hấp dẫn không chỉ vì đã cung cấp được những tri thức về phong tục mà chủ yếu là vì nhà văn đã làm hiển hiện lên được cuộc sống và con người của làng quê Việt Nam cổ truyền, tuy nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn có nhiều thú vui thanh lịch. Những con người thật thà, chất phác, nhưng thông minh, hóm hỉnh và tài hoa, đã đặt tất cả niềm say mê của mình vào những thú chơi giản dị mà tao nhã, tinh tế ấy, chẳng khác gì những tâm hồn nghệ sĩ say mê sáng tạo nghệ thuật.

Sau 1945, Kim Lân vẫn tiếp tục viết về làng quê Việt Nam. Ông thường viết về những cảnh tội nghiệp, cuộc sống khốn khó đến cùng cực của người nông dân dưới chế độ cũ và sự đổi đời của họ nhờ cách mạng. Trong số những tác phẩm viết về đề tài này, Làng, Vợ nhặt xứng đáng thuộc loại những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại (Theo Từ điển văn học, bộ mới, Sđd).

Các tác phẩm chính : Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955) ; Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962); Hiệp sĩ gỗ, Ông Cản Ngũ.

2. Truyện ngắn Làng được nhà văn Kim Lân viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

3. Tóm tắt: Ông Hai đột ngột nghe tin làng ông theo giặc. Từ lúc ấy, "cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân", mang nỗi ám ảnh nặng nề, thậm chí “cúi gằm mặt mà đi”. Suốt mấy ngày, ông luôn chột dạ, đau đớn, tủi hổ khi nghe tin làng mình theo giặc vì ông rất yêu làng, yêu nước. Khi được tin cải chính, ông vui sướng như người đã chết đi được sống lại.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Truyện ngắn Làng đã xây dựng được một tình huống truyện làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở nhân vật ông hai. Đó là tình huống cái tin làng ông theo giặc, lập tề mà chính ông nghe được từ miệng những người tản cư qua vùng ông.

2. Diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật ông Hai từ lúc nghe tín làng mình theo giặc đến kết thúc truyện :

- Khi nghe tin quá đột ngột ấy, "cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân..."

- Từ đó, ông Hai mang nỗi ám ảnh nặng nề, thậm chí "cúi gằm mặt mà đi";

- Suốt mấy ngày, ông luôn chột dạ...

Ông Hai thấy đau đớn, tủi hổ khi nghe tin làng mình theo giặc vì ông rất yêu làng, yêu nước.

3. Trong đoạn ông Hai trò chuyện với đứa con út bộc lộ một cách cảm động tâm trạng của ông Hai về tình yêu sâu nặng với cái làng Chợ Dầu của ông, tấm lòng thuỷ chung của ông đối với kháng chiến, với Cụ Hồ.

4. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật được thể hiện qua tình huống, cách miêu tả cụ thể - đặc biệt sự đặc tả tâm trạng trong nỗi day dứt ám ảnh của ông Hai.

Ngôn ngữ truyện mang đậm tính khẩu ngữ, gần gũi với đời sống.

III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Tham khảo bài viết để trả lời câu hỏi : "Tác giả đã sử dụng những biện pháp nào để miêu tả tâm lí nhân vật ?”.

“Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, nhiều thành phố, làng mạc gần thủ đô hoặc các địa phương trọng yếu tản đi nơi khác. Nằm trong vùng kháng chiến, làng Chợ Dầu của ông Hai phải tản cư. Phải dời làng ra đi nhưng tình cảm của ông Hai luôn gắn chặt với làng. Tình cảm ấy được thể hiện trước hết ở cái tính hay khoe làng, lấy làm hãnh diện về làng của mình. Đối với ông, cái gì ở làng ông cũng đáng tự hào.

“Ông nói chuyện về cái làng ấy một cách say mê và náo nức lạ thường. Hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt chuyên biến hoạt động". Ông khoe làng ông có phòng thông tin rộng rãi nhất vùng, có chòi phát thanh, có nhà ngói san sát, sầm uất nhất tỉnh. Đường trong làng lát toàn đá xanh.

Sự hãnh diện về “bộ mặt" của làng cũng không có gì lạ lắm bởi nó xuất phát từ tình yêu của ông đối với quê hương. Nhưng đôi khi tình yêu ấy khiến ông thái quá. Ông hãnh diện cho làng có được “cái sinh phần” của viên tổng đốc làng ông. Khi có khách lên chơi ông dắt ra xem cho kì được cái sinh phần ấy.

Nhưng sau Cách mạng tháng Tám ông mới nhận ra sai lầm của mình vì chính những cái mà ông hãnh diện trước đây nó làm khổ ông, làm khổ bao nhiêu người trong làng. Cái chân khập khiễng của ông bây giờ cũng vì nó. Ông thù nó lắm, nó không đáng để ông hãnh diện nữa.

Từ ngày kháng chiến, ông không chỉ tự hào vì làng ông đẹp mà còn vì làng ông tham gia kháng chiến, Ông hãnh diện về cái làng kháng chiến của mình trong những buổi tập quân sự, có nhiều hố, nhiều ụ, nhiều giao thông hào để chuẩn bị cho kháng chiến.

Khi nghe anh dân quân đọc báo về tin kháng chiến, ông mừng rỡ trước những chiến thắng của ta, ông hả hê trước thất bại của địch khiến “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên, vui quá !”. Nhưng đau khổ thay cho ông là làng Chợ Dầu của ông theo giặc. Ông lão trở nên sững sờ “cổ ông lão nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân”. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được.

Bấy lâu nay ông luôn tự hào về cái làng ấy mà nay bỗng dưng sụp đổ. Bản thân ông cảm thấy như chính mình mang nỗi nhục của tên Việt gian. Ông cúi gằm mặt xuống đi về nhà nằm vật ra giường. Có lẽ từ nay ông không còn mặt mũi nào mà nhìn bà con hàng xóm, ông không dám sang nhà bác Thứ nữa. Có lẽ chỉ những người yêu mến tha thiết làng quê mới day dứt nhục khổ như thế. Giờ đây, trong lòng ông luôn băn khoăn giữa hai ý nghĩ: trở về làng hay ở lại đây”, ở lại đây thì ông không còn mặt mũi nào đi đến đâu nhưng "về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”. Ông nghĩ “làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”.

Nhưng cuối cùng cái điều mà ông Hai chờ đợi cũng đã đến : ông Chủ tịch làng lên thông báo làng Chợ Dầu không đi theo Việt gian. Ông vui mừng không tả xiết. Ông đi đến sẩm tối mới về với vẻ mặt rạng rỡ và còn chia quà cho bọn trẻ, rồi ông sang nhà bác Thứ, đi hết nơi này đến nơi khác thông báo làng ông không theo Việt gian cho mọi người.

Trong ông Hai luôn cháy bỏng tình yêu tha thiết với làng. Điều đó lộ rõ trên gương mặt của ông : ông vui sướng khi kể về làng Chợ Dầu của ông và ông cảm thấy khổ nhục nếu làng theo giặc. Ông Hai chính là đại diện cho những chuyển biến mới trong tình cảm của người dân Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp. Người nông dân đã ý thức rõ hơn vai trò, nghĩa vụ của mình trong sự nghiệp giải phóng. Ý thức ấy đã chuyển thành những hành động cao cả và tốt đẹp”.

2. Có rất nhiều bài thơ viết về làng quê. Có thể tham khảo bài thơ sau để trả lời câu hỏi: “Hãy nêu nét riêng của truyện Làng".

ĐÊM QUÊ

Không ngủ được. Cứ thao thức với làng

đâu phải lạ căn nhà, lạ cơn mưa hay làn gió

Cha tới cõi không về,

khuôn hình trên ban thờ mờ tỏ

khoảng trống quá mênh mông.

Làng ân tình. Làng lặng lẽ đời sông

cho âm sắc riêng từng giọng nói

Làng day dứt mỗi khi tôi tự hỏi :

“ngoài sự lãng quên, sông có nhận được gì ?’

Ríu rít sẻ nâu, trong khiết tiếng chim ri

khung trời tuổi thơ xanh rờn cổ tích

Nắng với mưa, oi nồng và giá buốt

mộc mạc hồn làng mẹ nuôi tôi lớn lên.

Trong rất nhiều lãng đãng nhớ và quên

làng vẫn thế. Cánh đồng vẫn thế

Mùa hanh hao tay cuốc bầm ruộng nẻ

lúa nghẹn đòng trắng xác những mùa rơm.

Tôi tan vào làn hương ngát mạ non

cảm nhận lời ban sơ của đất

Điều gì mãi còn - điều gì sẽ mất

làng nhói lên trong hoài vọng bất thường.

Chợt tưng bừng gà gáy rộn sang canh

có tiếng tàu cau rơi thảng thốt.

(Nguyễn Trọng Hoàn, Gió và nhớ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000)

Viết bình luận