Soạn bài: Đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự

I - NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

- Đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm có mặt thường xuyên trong văn bản tự sự. Nó góp phần quan trọng bộc lộ tính cách nhân vật. Tục ngữ có những câu nhận định về sự phù hợp giữa ngôn ngữ và tính cách :

+     Đất tốt trồng cây rườm rà,

Những người thanh lịch nói ra dịu dàng.

+     Đất xấu trồng cây khẳng khiu,

Những người tục tử nói điều phàm phu.

- Đối thoại là hình thức đối đáp, trò chuyện giữa hai hoặc nhiều người, nó được trình bày trong văn bản tự sự bằng các gạch đầu dòng hoặc đóng khung bằng dấu ngoặc kép.

- Độc thoại là lời một người nói với chính mình hoặc với ai đó trong tưởng tượng. Có loại độc thoại nói thành lời (có thể được trình bày bằng các gạch đầu dòng hoặc đặt trong dấu ngoặc kép) và độc thoại dưới hình thức suy nghĩ (gọi là độc thoại nội tâm và không dùng gạch đầu dòng).

1. Tìm hiểu yếu tố đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm trong văn bản tự sự

Câu hỏi a

Trong ba câu đầu, ít nhất có hai người đi tản cư nói với nhau. Dấu hiệu cho thấy đó là cuộc trao qua đổi lại:

- Về nội dung, họ cùng bàn về tinh thần, thái độ của người làng Chợ Dầu trước cuộc càn của địch.

- Về hình thức, có hai gạch đầu dòng dẫn lời nhân vật, thể hiện cuộc trao qua đổi lại.

Câu hỏi b

Câu "- Hà, nắng gớm, về nào” là lời ông Hai nói một mình, không phải là câu đối thoại, vì không nói với ai cả mà chỉ nhằm “tảng lờ” câu chuyện hai người tản cư đang bàn luận. Trong đoạn này còn có câu độc thoại tương tự : “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”.

Câu hỏi c

Các câu : "Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư ? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư ? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu...” là lời ông Hai tự nói với mình. Đó là các câu độc thoại nội tâm.

Câu hỏi d

Các hình thức diễn đạt trên tái hiện không khí cuộc kháng chiến : những người tản cư bàn tán về làng Chợ Dầu, thể hiện thái độ căm ghét kẻ đầu hàng; những câu độc thoại và độc thoại nội tâm của ông Hai thể hiện tâm trạng bất ngờ, đau đớn của một người dân yêu nước, yêu quê hương khi nghe tin làng mình làm “Việt gian”. Tính cách ông Hai hiện lên sinh động không cần qua miêu tả của người kê chuyện.

2. Luyện tập

Bài tập 1

Tác dụng của hình thức đối thoại giữa hai vợ chồng ông Hai

- Bà Hai : Lời nói ngập ngừng thể hiện sự lo lắng (về cái tin làng mình theo địch và sợ bà chủ nhà nghe thấy tin này).

- Ông Hai: Không muốn đáp lại và khi đáp lại thì cụt lủn, cáu gắt chứng tỏ ông đang tập trung suy nghĩ, đang đau khổ, thất vọng và đồng thời cũng sợ mụ chủ nhà biết chuyện làng mình theo Tây.

Bài tập 2

Viết đoạn văn kể chuyện, trong đó sử dụng đối thoại và độc thoại nội tâm.

Gợi ý : Để có cả hai loại lời thoại, nên chọn đề tài và câu chuyện sao cho các nhân vật phải bàn tán, tranh luận và nhân vật chính có những nỗi băn khoăn không thể nói ra, chỉ tự mình nói với mình.

Viết bình luận