Soạn bài: Đọc thêm: Tương tư

1. Tương tư là nỗi nhớ nhau của tình yêu đôi lứa. Nhưng trong cuộc đời, tương tư thường là một nỗi nhớ đơn phương. Người này nhớ, mà đôi khi cứ ngỡ người kia vô tình lắm, chẳng hề biết, chẳng muốn biết rằng mình đang khổ sở vì tương tư. Thực tình nhớ là hiện thân của yêu, nhớ chính là yêu. Một tâm hồn đang nhớ là một trái tim đang yêu. Một tâm hồn ngừng nhớ là dấu hiệu chắc chắn của một trái tim ngừng yêu. Cho nên có kẻ nào yêu mà chẳng từng tương tư. Nguyễn Bính cũng thế! Chàng trai chân quê này tương tư và trải đến tận cùng những cung bậc tương tư, nói khác đi, là đã bị mọi cung bậc của tương tư giày vò đến khổ sở.

Yêu nhau, mà xa nhau, tất sẽ nảy sinh nhung nhớ. Xa cách về không gian và xa cách về thời gian chính là duyên cớ để tương tư. Vì thế mà trong bản chất tình cảm, tương tư là một khát khao, một nỗ lực vượt không gian và chiến thắng thời gian. Không gian, thời gian vô cớ trở thành kẻ thù của những cặp tình nhân bị xa cách. Và đây là những kẻ thù nghìn lần đáng ghét của họ. Bởi trong nỗi tương tư, khoảng cách dù ngắn cũng trở thành dằng dặc, diệu vợi, nghìn trùng, thăm thẳm. Đôi khi chỉ tấc gang cũng trở thành vực thẳm; thậm chí với một đôi tình nhân giàu dự cảm thì dầu chưa xảy ra xa cách, đã khắc khoải tương tư rồi:

- Vừa thoáng tiếng còi tàu

Lòng đã Nam đã Bắc

- Nên cả lúc gần anh

Mà lòng em vẫn nhớ.

(Xuân Quỳnh)

2. Trong bài thơ của mình, Nguyễn Bính đã nói lên nỗi tương tư nghìn đời của những lứa đôi. Ngay những lời mở đầu đã vẽ ra một nỗi tương tư chan chứa cả cảnh sắc thôn làng:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ mười mong một người.

Chỉ vì có một chàng trai thôn Đoài đang gửi lòng say cô gái thôn Đông mà cuối cùng đã thành thôn Đoài nhớ thôn Đông. Cách nói bóng gió tạo được một hiệu quả không ngờ là hai miền không gian đang nhớ nhau. Điều này đâu phải vô cớ. Khi người ta tương tư, cảnh vật xung quanh cũng ngập tràn nhung nhớ. Người ta còn nhìn bằng đôi mắt khách quan nữa đâu! Cảnh vật nhuốm màu tương tư rồi. Câu thứ hai đặc Nguyên Bính. Ấy là giọng kể lể. Một câu thơ dường như được viết toàn bằng số từ! Không gian tương tư thật rõ. Câu bát có xu hướng kéo dài, nó càng dài hơn bởi giọng kể lể và chất đầy những số từ thậm xưng theo lối thành ngữ. Mỗi người đứng ở một đầu câu thơ, thăm thẳm, vời vợi. Giữa họ là một khoảng trời diệu vợi. Nỗi tương tư giăng mắc một nhịp cầu “chín nhớ, mười mong”, khởi lên từ đầu này và chấp chới và mơ mòng tới đầu kia. Kế đó là một sự lí giải:

Gió mưa là bệnh của giời,

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

So sánh mình với giời, ngông là thế mà thấy cũng chấp nhận được! Bởi cả hai có cùng một căn bệnh. Tôigiời hóa ra là kẻ đồng bệnh. Ấy thế mà chưa hết đâu, cái Tôi này xem ra còn hạ thấp cả Giời nữa. “Gió mưa là bệnh của giời”, thì bệnh ấy là một thứ tật, một thói hư, giời giở chứng ra! Còn “Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” thì là một căn bệnh mắc phải do “ngoại nhập”. Từ ngày yêu nàng, tôi mới mắc bệnh này. Coi tương tư là một thứ “bệnh” mới kể lể được những khổ sở của cái Tôi mang bệnh. Mà bệnh này đã mắc thì phi em ra vô phương cứu chữa! Trong câu thơ thây có cái giọng chấp nhận một thực tế, một quy luật tất yếu không cưỡng lại nổi. Tôi hiện ra vừa như một tình nhân đắm đuối vừa như một nạn nhân tự nguyện rước bệnh, rước khổ sở vào thân!

Có phải khi yêu, lời chân thành nào cũng hóa khôn ngoan thế chăng? Có phải thế là sự khôn ngoan của trái tim?

3. Hình như tương tư thường bắt đầu bằng kể lể, giãi bày và rồi chẳng mấy ai chịu dừng lại. Sẽ còn là trách móc, hờn giận, sẽ còn là giận dỗi đơn phương, khao khát... cũng đơn phương! Nghĩa là bệnh tương tư mỗi ngày một thêm trầm trọng. Mà “kì” nhất là cũng một không gian ấy thôi, nhưng khi đang kể lể nỗi khổ của mình thì nó bỗng dài ra vô tận, đến khi trách móc, “kể tội đối phương” thì lại thu hẹp đến kiệt cùng:

Hai thôn chung lại một làng,

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

Mở ra, thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông tưởng chừng nghìn trùng cách trở. Đến đây, té ra sự cách trở đã hoàn toàn triệt tiêu: tuy hai thôn nhưng thực ra chỉ có một làng. Quái lạ thay là tâm lí của người tương tư! Khoảng cách có vậy mà khéo co giãn, biến hóa làm sao!

Nhưng xem chừng, hay nhất vẫn là sự kể lể về thời gian:

Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Ngày trước, tả mối tương tư Kim-Kiều, Nguyễn Du cũng thấy cái nghịch lí trữ tình của thời gian:

Sầu đong càng lắc càng đầy

Ba thu dọn lại một ngày dài ghê.

Một ngày thôi mà ngỡ đã ba thu. Thế cũng đã quá ư trầm trọng! Dầu sao đó vẫn là nỗi tương tư được nói bằng giọng người trần thuật, ngoài cuộc. Còn lời thơ Nguyễn Bính vẫn nguyên sự sốt ruột, khắc khoải của người trong cuộc, y như lời lẽ của một người đang ngồi giở lịch đếm từng ngày chậm chạp, rề rà trôi qua một cách vô tình, thậm chí như cố tình trêu ngươi vậy! (Ngày qua ngày lại qua ngày, câu thơ đi nhịp 3/3, chia thành hai vế, vế này là sự lặp lại của vế kia theo lối trùng điệp. Chữ “lại” chứa đựng một sự ngán ngẩm, vừa hi vọng, vừa như thất vọng. Tất cả gợi được nhịp vận hành lặp đi lặp lại của những ngày đợi chờ, mong mỏi mà vô vọng vẫn hoàn vô vọng!). Câu thứ hai vẽ ra một người nóng lòng chờ đợi cùng với một cái cây (chẳng rõ là cây gì, chỉ biết nó cũng nặng trĩu tương tư! Hay đó là cây tương tư?!). Thời gian với người tương tư chẳng vô hình. Nó có màu: ấy là màu vàng héo! Mỗi ngày qua để lại một dấu vết nhỡn tiền trên vòm lá. Cái cây là một nhân chứng, một cuốn lịch thiên nhiên, một tri kỉ câm lặng, một kẻ đồng nạn. Anh đợi em khi cây hãy còn xanh, đến nay cây đã vàng hết cả rồi, vậy mà... Đợi chờ làm cây héo úa, làm người héo hon! Cái cây kia là hình ảnh khác của anh! Cái cây kia chính là anh. Tả cảnh ngụ tình là thế! Phải nói, chữ “nhuộm” thật đắt. Cũng viết về sự biến đổi sắc màu trên cây cỏ, khi Thúy Kiều tiễn biệt Thúc Sinh, Nguyễn Du viết:

Người lên ngựa kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Chữ "Nhuốm” rất động! Nói được sự biến đổi đang diễn ra, chưa hoàn tất. Nó cũng trực tiếp! Dường như sắc màu của chia li ở câu trên đã hắt sang câu dưới, đã phổ vào cảnh vật nên mới “nhuốm”. Nó là sự lây lan từ tinh thần con người xâm nhập vào cây cỏ. Còn chữ “nhuộm” của Nguyễn Bính gợi được thời gian. Bởi xem chừng nó tỉnh hơn! Quá trình biến đổi đã hoàn tất: lá xanh đã biến hẳn thành lá vàng rồi! sắc thái kể lể đậm hơn. Thời gian đợi chờ của anh đằng đẵng, dằng dặc đến nỗi đủ để nhuộm một cây xanh thành cây lá vàng hết cả rồi! Lời thơ vì thế mà khổ sở, khoắc khoải bội phần!

4. Có phải tương tư là một gánh nặng đơn phương, càng nặng bao nhiêu càng nghĩ đối phương vô tình bấy nhiêu, cho nên cung bậc tương tư cứ chuyển biến rất tự nhiên từ kể lể, thở than sang trách móc? Mà lời trách móc thì, chao ôi, đầy một lối “quy kết” khó mà “chạy tội” được:

Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Nhưng đây cách một đầu đình,

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...

Vẫn cái “luận điệu dễ ghét” ấy! Kể lể nông nỗi mình thì cũng một sự xa cách kia mà hóa muôn trùng, thăm thẳm. Còn ở đây thì “phủ định sạch trơn”', không hề có xa cách - không có cách trở đò giang, không phải không có đường, mà thực ra gần lắm, chỉ có một đầu đình thôi! Nhưng không thế thì làm sao có thể “quy chụp” người ta vô tình được! Sao những trái tim yêu lại có thể “ranh mãnh” một cách hồn nhiên đến thế! Vậy đấy, trong nỗi tương tư, trái tim thường cất lên những lời buộc tội thật dễ thương! Và khi “người ta” đã nhân danh nỗi khổ sở vì tương tư, thì những lời “buộc tội” vô cớ đến đâu cũng thật dễ chịu, chẳng phải thế sao?

Trách chưa hết đã lại hờn:

Tương tư thức mấy đêm rồi,

Biết cho ai hỏi ai người biết cho!

Hờn mát rồi lại khát khao:

Bao giờ bến mới gặp đò?

Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?

Và cuối cùng thì khẳng định đinh ninh:

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Tất cả đã sẵn sàng và đang nóng lòng chờ đợi. Chỉ còn em nữa thôi! Thôn Đoài đã hẳn là nhớ thôn Đông, điều ấy không còn bàn cãi nữa rồi. Vậy thì cau thôn Đoài còn biết nhớ giầu không của thôn nào được nữa đây. Câu thơ chứa trong nó một lôgic thật tài tình!

5. Vậy là trong thẳm sâu tâm lí, Tương tư chính là khao khát hạnh phúc lứa đôi. Khao khát ấy tràn ra trong giọng điệu khi kể lể, phân trần, khi giận hờn, trách móc. Khao khát ấy còn được kí thác vào những cặp đôi giấu mình suốt dọc cả bài thơ. Ban đầu những đôi ấy còn xa xôi, càng về sau càng xích lại gần:

Thôn Đoài - Thôn Đông

Một người - Một người

Tôi             - Nàng

Bên ấy       - Bên này

Bến           - Đò

Hoa          - Bướm

Nhà em     - Nhà anh

và cuối cùng là: Trầu - Cau. Kết như thế thật khéo!

Vòng vo, xa gần, cuối cùng vẫn cứ tụ lại ở điều cần nhất, khắc khoải nhất: ấy là trầu - cau! Nghĩa là chuyện nhân duyên. Tương tư ở Nguyễn Bính là mơ ước, khao khát chuyện nhân duyên! Thực ra, những cặp hình ảnh kia vẫn chưa thành đôi hẳn, mới chỉ ở dạng tiềm năng, để ngỏ và chờ đợi. Vâng, đợi chờ một vì “cứu tinh” duy nhất là Em. Em đến, trầu cau sẽ thắm lại và tất cả sẽ kết thành đôi. Bệnh tương tư sẽ được cứu chữa! Nỗi khổ sở hết giày vò! vân vân và vân vân...

Nhưng em có biết không, khi tất cả những điều kia đã thành thì cũng là lúc nỗi tương tư bắt đầu được giải tỏa...

(Chu Văn Sơn)

Viết bình luận