Soạn bài: Đọc thêm: Thái sư Trần Thủ Độ (trích Đại Việt sử kí toàn thư)

Gợi ý đọc thêm

Câu 1.

Nhân cách của Trần Thủ Độ

Bốn tình tiết trong đoạn trích góp phần thể hiện các khía cạnh trong nhân cách của nhân vật Trần Thủ Độ, đó là:

- Có người hại, tâu với vua về tội chuyên quyền của mình nhưng Trần Thủ Độ vẫn công nhận lời nói đó phải, chẳng chút biện bạch cho mình hay tơ lòng thù oán, tìm phương trừng trị kẻ hại mình. Ông còn lấy tiền lụa thưởng cho anh ta. Tình tiết này cho thấy ông là người bản lĩnh, biết phục thiện, công minh và độ lượng;

- Khi nghe vợ mình khóc và mách tên quân hiệu ngăn không cho đi qua chỗ thềm cấm, Trần Thủ Độ không bênh vợ trừng phạt tên quân hiệu mà gọi anh ta đến tìm hiểu rõ sự việc rồi lấy vàng lụa ban thưởng cho kẻ giữ nghiêm luật pháp. Qua đây cho thấy, ông không thiên vị người thân, luôn tôn trọng luật pháp, thật đúng là người chí công vô tư;

- Có kẻ chạy chọt nhờ vả vợ ông để được ông cho làm chức câu đương, Trần Thủ Độ đã dạy cho hắn một bài học đích đáng: tên này được ông tiến cử nên để phân biệt với người khác hắn phải chịu chặt một ngón chân. Tình tiết này cho thấy ông luôn giữ sự công bằng của phép nước, bài trừ tệ nạn chạy chức chạy quyền, dựa dẫm thân thích, đút lót để làm quan;

- Vua định phong tướng cho anh của Trần Thủ Độ là An Quốc nhưng Trần Thủ Độ thẳng thắn nói rõ quan điểm của mình là vua nên chọn người hiền nhất, hoặc là anh mình hoặc là mình, không nên trọng dụng cả hai mà rối cả việc nước. Qua đây cho thấy Trần Thủ Độ luôn đặt việc công làm trước, không gây bè kéo cánh, tư lợi cho mình.

Bốn tình tiết vừa nói đã góp phần nêu bật tính cách và bản lĩnh của Trần Thủ Độ. Ông là người thẳng thắn, công minh, độ lượng, luôn lấy việc nước làm trước, chẳng chút tự tư tự lợi cho bản thân mình và gia đình mình.

Trần Thủ Độ rất xứng đáng là viên tể tướng gương mẫu vì thế mà giúp nên nghiệp vương, giữ được tiếng tốt cho đến chết.

Câu 2

Nghệ thuật kể chuyện và khắc họa nhân vật đặc sắc

Cả bốn tình tiết vừa phân tích bên trên đều là những tình huống giàu kịch tính, có cách giải quyết thật bất ngờ gây nhiều thú vị cho người đọc.

Người đọc cũng có thể từ đó rút ra ý nghĩa sâu sắc của mỗi câu chuyện đó mường tượng ra chân dung tính cách của nhân vật.

- Tình huống đầu, khi Trần Thái Tông đem người hặc tội (đặt chuyện vu khống) đi theo mình đến gặp và kể lại lời hặc tội của hắn cho Trần Thủ Độ nghe xung đột đã đến cao trào. Ai cũng nghĩ là Trần Thủ Độ sẽ biện giải, sẽ phân trần hay ít ra cũng sẽ nổi giận và trừng trị kẻ đã hặc tội mình. Đâu thể tưởng tượng được việc quan Thái sư đã nhận lỗi và lấy cả tiền lụa thưởng cho kẻ đã vạch lỗi mình. Câu Trần Thủ Độ trả lời vua gây bất ngờ lớn cho bất kì ai đọc đoạn trích này.

- Tình huống thứ hai, khi vợ Trần Thủ Độ về nhà khóc lóc và nói khích ông về việc người quân hiệu ngăn không cho bà đi qua chỗ thềm cấm, xung đột đã đến cao trào. Thông thường ai cũng nghĩ là quan Thái sư sẽ bênh vợ, nghe lời vợ. Chính nhà viết sử cũng viết Thủ Độ giận, sai đi bắt. Người quân hiệu kia nghĩ chắc mình phải chết. Chẳng ngờ, sau khi vặn hỏi người này, quan Thái sư lại nói: “Người ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa”. Không những không trừng phạt mà còn lấy vàng lụa ban thưởng.

- Tình huống thứ ba: Khi thấy “Thủ Độ gật đầu và biên lấy họ tên què quán của người đó” ai cũng nghĩ mọi việc đã xuôi chèo mát mái, người này chắc chắn được làm chức câu đương đúng theo ý muốn của vợ ông. Bởi vậy ai cũng bất ngờ trước cách xử lí của ông, cách xử lí khiến kẻ chạy chức phải kêu van xin thôi hồi lâu ông mới tha cho.

- Tình huống thứ tư: Nhà viết sử khiến người đọc bất ngờ khi Trần Thủ Độ khác với thói thường. Thói thường ở tình huống đó phần lớn người ta hân hoan khi anh em người thân cùng được trọng dụng để dễ kéo bè cánh riêng, dễ dàng chi phối triều đình. Đằng này, Trần Thủ Độ lại thẳng thắn trình bày rõ chính kiến của mình trên tinh thần đặt việc lớn, việc chung lên trên hết.

Ngoài ra sức hấp dẫn của đoạn trích còn ở sự kiệm lời, nhà viết sử ở đây chỉ kể chứ không bình luận gì thêm, nhường việc này cho người đọc.

Viết bình luận