Soạn bài: Đọc thêm: Lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc lâu)

Lầu Hoàng Hạc xây dựng từ thế kỉ thứ V sau Công nguyên là một thắng cảnh ở góc Tây nam thành Vũ Xương. Đến nay ai đi qua cầu lớn Trường Sơn còn có dịp được ngắm. Sở đĩ có tên như vậy vì truyền thuyết nói Phí Văn Vi thành tiên, từng cưỡi hạc về nghỉ ở đây. Lí Bạch, thi bá đời Đường đánh giá bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu rất cao. Nghiêm Vũ, nhà thơ lí luận trong Thương long thi thoại, cũng coi Hoàng Hạc lâu là bài hay nhất đời Đường. Có nhà làm tuyển tập nói: nếu tính tác giả có thế không có Thôi Hiệu, nếu tính bài thơ nhất thiết phải có Hoàng Hạc lâu. Vì sao bài thơ được tôn sùng đến như vậy?

Đề thơ là Hoàng Hạc lâu nhưng chỉ có một câu nói về lầu “Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ”. Đến Hoàng Hạc lâu, tác giả có nhìn ngắm gì lầu đâu. Ông bâng khuâng suy nghĩ về chuyện người xưa, chuyện đời người - Chuyện tiên là mơ hồ hư ảo. Người xưa đã đi, là đi mãi không bao giờ trở lại (nhất khứ bât phục phản). Chỉ có những đám mây trắng lững lờ bồng bềnh kia là tồn tại mãi mãi.

Hạc vàng đi mất từ xưa,

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

Một nỗi trắc ẩn cảm thương về đời người (dù là những người lẫy lừng đến đâu cũng sẽ mất hút trong cái mênh mông trường tồn của vũ trụ).

Sao đang nói đến đời người, lại nói sang sông, bãi, cây cỏ?

Tác giả đứng trên tầm cao của lầu, phóng mắt nhìn toàn cảnh một không gian rộng lớn:

Hán Dương sông tạnh cây bày,

Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non.

Cảnh thì đẹp, nhưng càng lên cao, càng thấy mình như nhỏ lại, chơi vơi. Về chiều, sắc màu nhòa nhạt, không gian càng mênh mông. Buổi chiều gợi nhớ đến quê nhà, như nhớ về một chỗ dựa ấm áp về tinh thần trong cái cô quạnh, nhưng:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?

Buồn đây không chỉ là nỗi buồn của người xa xứ, nhớ quê. Đó còn là nỗi buồn về thân phận con người ngắn ngủi phù du trong thời gian vô tận, bé nhỏ mịt mù trong không gian vô cùng... Quả là bài thơ không chú tâm tả lầu, mà là bài thơ lên lầu cao suy ngẫm về đời người.

Hai câu cuối hay quá trong bản chính, và trong bản dịch: chân thật, phù hợp với nhân tình, được lưu truyền rộng rãi - Huy Cận trong bài Trường Giang cũng viết:

Lòng quê dờn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn củng nhớ nhà.

Một sự tiếp thu đầy sáng tạo mới mẻ. Thời đại đổi khác, quan niệm có thể đổi khác. Đọc Hoàng Hạc lâu là có dịp thêm một lần suy nghĩ nghiêm túc về đời người. Bài thơ có tầm cao, triết học, có ý nghĩa nhân loại phổ biến - Người xưa quả sành sỏi trong đánh giá thơ.

(Nguyễn Xuân Nam)

Viết bình luận