Soạn bài: Đọc thêm: Lai Tân

Lai Tân là một bài thơ, trích từ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, đả kích bản chất thối nát của bọn quan lại Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch.

Kết cấu của bài thơ gồm hai phần. Ba câu đầu là ba câu thơ tự sự:

Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc,

Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh;

Chong đèn, huyện trưởng làm công việc.

Với giọng thơ có vẻ bình thản, khách quan, có như thế nào thì nói như thế ấy thôi. Đó là ban trưởng ngày ngày đánh bạc. Cảnh trưởng thì giải tù và bóc lột tù kiếm ăn. Huyện trưởng đêm đêm chong đèn làm việc công (hẳn là hút thuốc phiện).

Ai cũng biết đánh bạc là vi phạm pháp luật, chính quyền đã bắt giam những người đánh bạc nhưng ban trưởng nhà lao, một chức vụ lớn trong Ban quản lí nhà lao lại chuyên đánh bạc, nghĩa là đánh bạc nhiều hơn bất kì ai. Tác giả tố cáo bản chất đồi bại giả dối của bọn quan chức chính quyền Tưởng Giới Thạch bằng cách vạch thẳng hành động của bọn chúng. Điều này không chỉ một lần. Người đọc còn bắt gặp ở nhiều bài khác trong tập thơ này:

+ Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội

Trong tù đánh bạc được công khai.

(Đánh bạc)

+ Hút thuốc nơi này cấm gắt gao

Thuốc ta nó tịch bỏ vào bao.

(Cấm hút thuốc)

Đó là hành động của ban trưởng. Còn cảnh trưởng thì giải tù và trấn lột ăn chặn của tù nhân thật bẩn thỉu, tàn nhẫn. Tù nhân là những kẻ khốn cùng nhưng cảnh trưởng vẫn không tha. Đương nhiên đây cũng là hành động phạm pháp đáng lên án.

Nếu ở hai câu đầu nghệ thuật đả kích châm biếm của tác giả là vạch thẳng sự việc để sự việc tự nói lên, đồng thời nhấn mạnh vào chức vụ của bọn chúng thì ở hai câu cuối thủ pháp châm biếm đả kích của Người kín đáo hơn: “Chong đèn huyện trưởng làm công việc”. Chong đèn làm công việc có thể hiểu là chăm chỉ làm “việc công”, cũng có thể hiểu là chong đèn hút thuốc phiện. Nhưng dù hiểu cách nào cũng dẫn đến cái cười mỉa mai:

“Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”. Dùng từ thái bình là mỉa mai nhất.

Sau khi kể các sự việc trên, kể một cách bình thản khách quan ở ba câu đầu thì ở câu cuối, nhà thơ phát biểu cảm tưởng của mình trước những hiện tượng vừa kể. Không cần nói gì người đọc cũng hiểu cái “thái bình" ở huyện ấy là như thế nào rồi! Hai tiếng y cựu trong câu thơ cho thấy cảnh thái bình ấy diễn ra đã từ lâu rồi, không có gì thay đổi cả. Nghĩa là bộ máy chính quyền thối nát kia vẫn cứ vận hành đều đều như vậy, rất đỗi yên ổn, rất đỗi thái bình. Tất cả đã trở thành nề nếp rồi, đến đỗi kẻ làm bậy mà thái độ cứ như không vậy.

Viết bình luận