Soạn bài: Đoàn thuyền đánh cá

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. - Nhà thơ Huy Cận (1919 - 2005), tên đầy đủ là Cù Huy Cận, quê ở làng Ân Phú, huyện Vụ Quang (trước đây thuộc huyện Hương Sơn, nay là Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Huy Cận nổi tiếng trong phong trào Thơ mới với tập thơ Lửa thiêng. Ông tham gia cách mạng từ trước năm 1945 và sau Cách mạng tháng Tám từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền cách mạng, đồng thời là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Huy Cận được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

- Hơn 60 năm hoạt động văn học nói chung và làm thơ nói riêng, với gần 20 thi phẩm đi từ nỗi buồn “từ ngàn xưa" đến niềm vui lớn hôm nay, Huy Cận luôn gắn liền với mạch đời chung của dân tộc. Thơ Huy Cận vừa bám lấy cuộc đời, vừa hướng tới những khoảng rộng xa của tạo vật và thời gian, vừa trăn trở với cái chết, vừa nâng niu sự sống trước quy luật sinh tử, vừa triết lí suy tư, vừa hồn nhiên thơ trẻ, vừa bay bổng lãng mạn, vừa hiện thực đời thường trong cái khoảnh khắc hữu hạn của đời người vẫn muốn hoá thân vào cái vĩnh cửu, trường sinh (Trời mỗi ngày lại sáng; Đất nở hoa ; Bài thơ cuộc đời; Những năm sáu mươi, Chiến trường gần đến chiến trường xa ; Ngày hằng sống, ngày hằng thơ, Ngôi nhà giữa nắng; Ta về với biển; Lời tâm nguyện cùng hai thế kỉ). Với ý thức vận động và sự chuyến hoá giữa nhiều yếu tố trong hình tượng cái tôi trữ tình, Huy Cận đã tạo cho mình một phong cách đặc sắc, độc đáo. Huy Cận đã tỏ ra sở trường về thể thơ lục bát và có đóng góp đáng kể trong sự mở rộng hình thức và nâng cao chất trí tuệ cho thơ theo hướng suy tưởng, vươn tới những khái quát rộng xa, giàu liên tưởng trong những bài thơ mở rộng khuôn khổ, kích thước.

- Các tác phẩm chính : Lửa thiêng (thơ, 1940) ; Vũ trụ ca (thơ, 1942) ; Kinh cầu tự (văn xuôi, 1942) ; Tính chất dân tộc trong văn nghệ (nghiên cứu, 1958) ; Trời môi ngày lại sáng (thơ, 1958) ; Đất nở hoa (thơ, 1960) ; Bài ca cuộc đời (thơ, 1963) ; Hai bàn tay em (thơ, 1967) ; Phù Đổng Thiên vương (thơ, 1968) ; Những năm sáu mươi (thơ, 1968); Cô gái Mèo (thơ, 1972); Thiếu niên anh hùng họp mặt (thơ, 1973); Chiến trường gần đến chiến trường xa (thơ, 1973); Những người mẹ, những người vợ (thơ, 1974) ; Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (thơ, 1975) ; Sơn Tinh, Thuỷ Tinh (thơ, 1976) ; Ngôi nhà giữa nắng (thơ, 1978) ; Hạt lại gieo (thơ, 1984); Tuyển tập (Thơ, 1986); Hồi kí song đôi (1997)

2. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá thể hiện sự kết hợp giữa cảm hứng lãng mạn và cảm hứng thiên nhiên, vũ trụ của nhà thơ Huy Cận.

Bài thơ được bố cục theo hành trình một chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá. Hai khổ đầu là cảnh lên đường và tâm trạng náo nức của con người, bốn khổ tiếp theo là hoạt động của đoàn thuyền đánh cá và khổ cuối là cảnh đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh của một ngày mới.

3. Về hoàn cảnh sáng tác, nhà thơ Huy Cận nhớ lại:

“Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của tôi được viết ra trong những tháng năm đất nước bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không khí lúc này thật vui, cuộc đời phấn khởi, nhà thơ cũng rất phấn khởi, cả tác phẩm vùng than, vùng biển đang hăng say lao động từ bình minh cho đến hoàng hôn và cả từ hoàng hôn cho đến bình minh. Đoàn thuyền đánh cá lấy thời điểm xuất phát khác với lệ thường, lúc mặt trời lặn và trở về trong ánh bình minh chói lọi. Khung cảnh trên biển khi mặt trời tắt không nặng nề tăm tối mà mang vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật trong quy luật vận động tự nhiên của nó. Ở đây, tôi đã miêu tả khung cảnh tạo vật với cảm hứng vũ trụ. Nếu trước Cách mạng, vũ trụ ca còn buồn thì bây giờ vui, trước là tách biệt, xa cách với cuộc đời thì hôm nay lại gần gũi với con người. Bài thơ của tôi là một cuộc chạy đua giữa con người và thiên nhiên, và con người đã chiến thắng. Tôi coi đây là khúc tráng ca, ca ngợi con người trong lao động với tinh thần làm chủ, với niềm vui. Bài thơ cũng là sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn. Chất hiện thực của khung cảnh lao động trên biển cả khi vùng biển đã về ta. Và chất lãng mạn thì cũng không cần phải tưởng tượng nhiều, ở giữa cảnh biển cao rộng đó, với gió, với trăng, rồi bình minh và nắng hồng, và đặc biệt là sức người trong lao động đều thực sự mang tính chát lãng mạn bay bổng "Thuyền ta lái gió với buồm trăng”; “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”, cảm hứng và hình ảnh ấy rất thích hợp với lao động trên biển. Tôi nghĩ rằng trong khung cảnh đó cũng không thể viết khác đi. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh đẹp của một ngày mới khi đoàn thuyền đang trở về, các khoang thuyền đầy ắp cá. Mở đầu bài thơ là hình ảnh “mặt trời xuống biển” và kết thúc là hình ảnh "mặt trời đội biển” nhô lên giữa sóng nước.

Thiên nhiên đã vận động theo một vòng quay của mặt trời và con người đã hoàn thành trách nhiệm của mình trong lao động. Không có gì vui bằng lao động có hiệu quả.

Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá nằm trong cảm hứng chung của thơ tôi trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tôi viết bài thơ tương đôi nhanh, chỉ vài giờ của một buổi chiều trên vùng biển Hạ Long. Bài thơ được viết liền mạch và ít phải sửa chữa. Tôi nghĩ rằng đó cũng không phải là chuyện ngẫu nhiên mà thực sự là cảm hứng đã được tích tụ trên một đề tài quen thuộc của tôi và được viết ra trong không khí rất vui của những năm tháng đầu xây dựng của chủ nghĩa xã hội.”

(Huy Cận, Tác phẩm văn học, NXB Văn học, Hà Nội, 2001)

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Bài thơ được triển khai theo trình tự chuyến ra khơi của đoàn thuyền đánh cá. Theo trình tự đó, có thể thấy bố cục của bài thơ :

- Đoạn 1 (hai khổ đầu): cảnh lên đường và tâm trạng náo nức của con người.

- Đoạn 2 (bốn khổ tiếp theo): cảnh hoạt động của đoàn thuyền đánh cá.

- Đoạn 3 (khổ cuối): cảnh đoàn thuyền trở về.

Trong bài thơ, thời gian là nhịp tuần hoàn của vũ trụ từ lúc hoàng hôn đến bình minh, không gian bao la rộng lớn (bao gồm cả trời, biển, trăng sao, mây gió).

2. Thủ pháp phóng đại và những liên tưởng sáng tạo, hình ảnh người lao động được đặt vào không gian rộng lớn,... đã làm tăng thêm vị thế của con người:

+ Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

+ Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

+ Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

- Sự hài hoà giữa con người lao động và thiên nhiên, vũ trụ thể hiện qua nhịp điệu lao động, nhịp điệu thiên nhiên và sự tuần hoàn của vũ trụ.

- Nổi bật trong biện pháp xây dựng hình ảnh của tác giả là người lao động được sáng tạo trong cảm hứng lãng mạn, hoà hợp giữa thiên nhiên và con người.

3. Bài thơ thể hiện một bức tranh lộng lẫy.

- Cảnh biển vào đêm vừa rộng lớn vừa gần gũi, thể hiện qua sự so sánh, sự liên tưởng bất ngờ và thú vị:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa

Đây là hình ảnh lạ, sáng tạo và có tính tượng hình.

- Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển :

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Những câu thơ thể hiện bút pháp lãng mạn và sức tưởng tượng phong phú, thể hiện niềm say mê hào hứng của con người trong lao động.

- Hình ảnh các loài cá trên biển :

+ Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.

+ Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,

+ Vẩy bạc đuôi vàng loé rạng đông,

+ Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Bằng trí tưởng tượng phong phú, nhà thơ đã chắp cánh cho hiện thực trở nên lộng lẫy, kì ảo.

4. Bài thơ có nhiều từ hát, cả bài cũng như một khúc ca. Đây là khúc ca lao động, do tác giả hoá thân vào người lao đông để thể hiện. Âm hưởng, giọng điệu của bài thơ sôi nổi, khoẻ khoắn ; cách gieo vần linh hoạt tạo nên âm hưởng hào hùng của bài thơ.

5. Những bức tranh về thiên nhiên và con người lao động trong bài thơ thế hiện cái nhìn cuộc sống tươi vui, cảm xúc say sưa, hào hứng của tác giả trước thiên nhiên, đất nước và con người lao động.

II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Viết một đoạn văn phân tích khổ thơ đầu của bài thơ. Bài viết tham khảo :
“Được sáng tác năm 1958 - thời kì miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong chuyến đi thực tế tại vùng mỏ Hồng Gai, bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận là khúc tráng ca ca ngợi con người lao động với tinh thần làm chủ và niềm vui, niềm tin trước cuộc sống mới trong nhũng năm đầu xây dựng đất nước.

Bài thơ là sự kết hợp của hai nguồn cảm hứng : cảm hứng lãng mạn, tràn đầy niềm vui, sự hào hứng trong thời kì miền Bắc bước vào xây dựng cuộc sống mới và cảm hứng vũ trụ vốn là nét nổi bật trong hồn thơ Huy Cận. Sự gặp gỡ, giao hoà của hai nguồn cảm hứng đó đã tạo nên những hình ảnh rộng lớn, tráng lệ, lung linh như những bức tranh sơn mài của bài thơ.

Đoàn thuyền ra khơi được miêu tả trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp :

Mặt trời xuống biển như ngọn lửa.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Nghệ thuật so sánh và nhân hoá được sử dụng thật độc đáo. Mặt trời được ví như hòn lửa đang lặn dần vào lòng biển. Vũ trụ như một ngôi nhà lớn, màn đêm xuống mau khép lại ánh sáng như đóng sập cánh cửa khổng lồ mà những lượn sóng là chiếc then cài. Ngày đã khép lại, vũ trụ như đang bước vào trạng thái thư giãn sau một ngày lao động thì chính lúc ấy một ngày lao động mới của người dân đánh cá lại bắt đầu :

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Khi vị chủ nhân thứ nhất của thiên nhiên là mặt trời đi ngủ thì vị chủ nhân thứ hai - những người dân chài của cuộc sống mới lại mở cửa đêm để ra biển đánh cá. Công việc của những người dân chài diễn ra như một nhịp sống đều đặn trở thành quen thuộc, nề nếp. Nếu như sức sống của thiên nhiên như ngưng lại thì sự có mặt của đoàn thuyền như nối tiếp nhịp sống đó. Dù đã “cài then”, “sập cửa” nhưng biển không chìm trong lạnh lẽo hoang vu mà trái lại biển đang là chứng nhân cho sự làm việc hăng say, không nghỉ của những người lao động :

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Câu thơ xuất hiện ba sự vật khác biệt “câu hát”, “cánh buồm” và “gió khơi” nhưng lại được gắn kết, hoà quyện với nhau. Tiếng hát khoẻ khoắn của cả tập thể hoà với tiếng gió thổi căng buồm đẩy con thuyền phăng phăng rẽ sóng. Câu hát là niềm tin, sự phấn chấn của người lao động. Sự kết hợp của nhịp điệu gấp gáp khẩn trương ở hai câu đầu với cái thanh thoát, đĩnh đạc của nhịp thơ hai câu sau đã vẽ nên bức tranh hào hùng về cảnh đoàn thuyền ra khơi. Khổ thơ còn là sự kết hợp của những liên tưởng táo bạo với những phép tu từ so sánh, nhân hoá đặc sắc đã giúp tác giả thể hiện khúc ca ra khơi hào hùng của người dân chài.”

(Bài làm của HS)

Viết bình luận