Soạn bài: Dấu gạch ngang

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Dấu gạch ngang còn được gọi là dấu ngang, dấu ngang cách..., là loại dấu câu viết dưới dạng một nét gạch ngang (-), là dấu câu của tiếng Việt.

2. Dấu gạch ngang có những công dụng khác nhau, tuỳ theo từng trường hợp sử dụng. Cụ thể:

- Dùng để phân cách thành phần chú thích với các thành phần khác (có thể thay bằng dấu ngoặc đơn), thường được đặt ở giữa câu.

- Dùng để đặt trước nhưng lời đối thoại (SGK gọi là đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật), được đặt ở đầu dòng.

- Dùng ở đầu những bộ phận liệt kê, cũng được đặt ở đầu dòng.

- Dùng ở giữa các tên riêng, để chỉ một liên danh.

3. Dấu gạch ngang giống và khác dấu gạch nối ở chỗ :

- Giống nhau : Cùng được viết theo chiều ngang.

- Khác nhau:

+ Dấu gạch nối (còn gọi là dấu ngang nối, dấu nối) không phải là dấu câu, chỉ dùng để nối các tiếng trong các từ phiên âm, gốc nước ngoài.

+ Về độ dài, dấu gạch nối ngắn hơn dấu gạch ngang.

(Chú ý : Một số dấu ngang được sử dụng trong các trường hợp sau :

Dùng ở giữa các tên riêng, dưới dạng liên danh. Ví dụ :

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Xô viết Nghệ - Tĩnh,...

Dùng ở giữa các ngày, tháng, năm. Ví dụ :

Ngày 2 - 9 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập)

II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Muốn nhận biết được công dụng của dấu gạch ngang trong từng trường hợp sử dụng, em đọc kĩ từng câu, rồi đối chiếu với các công dụng của loại dấu này. Cụ thể:

a) Trong câu của nhà văn Vũ Bằng, dấu gạch ngang được dùng để đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích (- mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội -).

b) Dấu gạch ngang cũng dùng để đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích (- cái anh chàng ranh mãnh đó -).

c) Dùng để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhận vật ( - Quan có cái mũ hai sừng trên chóp sọ ! và - Ồ ! Cái áo dài đẹp chửa !)

Bên cạnh đó, dấu gạch ngang còn được dùng để đánh dấu bộ phận chú thích, giải thích ( - Một chú bé con thầm thì và - Một chị con gái thốt ra).

d) Dùng để nối các bộ phận trong một liên danh (Hà Nội - Vinh).

e) Cũng dùng để nối các bộ phận trong một liên danh (Thừa Thiên - Huế).

2. Trước hết, em đọc kĩ câu nói này, xem dấu gạch nối được sử dụng trong những từ ngữ nào (trong các từ chỉ địa danh nước ngoài). Sau đó, em nói rõ công dụng của các dấu gạch nối trong các tên riêng này.

3. Tham khảo một số câu sau :

a) Nói về một nhân vật trong vở chèo Quan Âm Thị Kính :

Thị Kính - nhân vật chính của vở chèo "Quan Âm Thị Kính" - là một người phụ nữ dịu dàng, hiền thục, một người vợ thương chồng.

b) Nói về cuộc gặp mặt của đại diện học sinh cả nước :

Những gương mặt tiêu biểu của học sinh khắp ba miền Bắc - Trung - Nam đã tụ hội về đây trong niềm hân hoan, phấn khởi.

Viết bình luận