Soạn bài: Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Thế nào là câu chủ động và câu bị động ?

a) Câu chủ động là câu có chủ ngữ chỉ người, vật thực hiện một hoạt động hướng vào người khác, vật khác.

Ví dụ: Vào năm ngoái, những người công nhân đã xây dựng xong cây cầu này.

Trong ví dụ này :

- Bộ phận chủ ngữ là : những người công nhân. Đây là chủ ngữ chỉ người thực hiện hoạt động.

- Bộ phận vị ngữ là : đã xây dựng xong. Đây là vị ngữ chỉ hoạt động của chủ ngữ hướng vào đối tượng khác.

- Bộ phận bổ ngữ là : cây cầu này. Đây là phụ ngữ chỉ đối tượng hướng tới của hành động thể hiện ở chủ ngữ.

b) Câu bị động là câu có chủ ngữ chỉ người, vật được hoạt động của người, vật khác hướng vào.

Ví dụ : Vào năm ngoái, cây cầu này đã được xây dựng xong bởi những người công nhân.

Trong ví dụ này :

- Bộ phận chủ ngữ là : cây cầu này. Đây là chủ ngữ chỉ vật được hoạt động của người khác hướng vào {những người công nhân).

- Bộ phận vị ngữ là : đã được xây dựng xong.

- Bộ phận phụ ngữ là : những người công nhân.

c) Câu chủ động và câu bị động tương ứng (như ở ví dụ nêu trong mục a, b) là hai kiểu câu có quan hệ mật thiết với nhau. Thường thì, chỉ khi nào trong câu chủ động mà vị ngữ là động từ đòi hỏi phải có phụ ngữ để câu được trọn nghĩa thì câu đó mới có câu bị động tương ứng.

2. Về nội dung và cấu tạo của câu chủ động và câu bị động

a) Về mặt nội dung, câu chủ động và câu bị động về cơ bản là giống nhau.

Ví dụ :

Câu chủ động : Thầy Hiệu trưởng khen ngợi Lan.

Câu bị động : Lan được thầy Hiệu trưởng khen ngợi.

Hai câu này được coi như có sự giống nhau về nghĩa.

Tuy vậy, giữa hai câu này cũng có nét khác biệt tinh tế về nội dung. Nếu câu chủ động có sự tập trung chú ý nhiều vào thầy Hiệu trưởng, thì trong câu bị động lại có sự hướng nhiều vào Lan hơn.

b) Về mặt cấu tạo, câu bị động thường có các từ được, bị như một dấu hiệu hình thức để phân biệt câu bị động với câu chủ động. Tuy vậy, các em cũng cần chú ý có hai loại câu bị động :

Câu bị động có dùng được, bị.

Ví dụ : Chiếc xe máy đã được sửa xong.

Câu bị động không dùng được, bị.

Ví dụ : Ngôi đền xây từ thời Lí.

3. Tác dụng của việc chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động

Câu bị động thường được dùng trong các trường hợp sau :

- Khi cần nhấn mạnh tình trạng, trạng thái của đối tượng.

- Khi không cần nhấn mạnh chủ thể của hành động.

- Dùng trong văn phong khoa học.

Liên kết câu trong văn bản để văn bản trở nên mạch lạc hơn.

II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Để tìm được câu bị động trong hai đoạn trích của bài tập, các em có thể tiến hành lần lượt theo trình tự sau :

- Tách câu bị động ra khỏi các câu khác.

Để tách được câu bị động ra, các em cần nắm được đặc điểm sau của câu bị động :

+ Là câu thường dùng bị, được.

+ Chủ ngữ của câu được hoạt động của người, vật khác hướng vào.

- Dựa vào nội dung của câu bị động và của chung đoạn văn, xác định tác dụng của câu bị động.

a) Các câu bị động được in nghiêng đậm như sau :

- Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm.

- Người đầu tiên chịu ảnh hưởng thơ Pháp rất đậm là Thế Lữ. Những bài thơ có tiếng của Thế Lữ ra đời từ dầu năm 1933 đến 1934. Giữa lúc người thanh niên Việt Nam bấy giờ ngập trong quá khứ đến tận cổ thì Thế Lữ đưa về cho họ cái hương vị phương xa. Tác giả "Mấy vần thơ" liền được tôn làm đương thời đệ nhất thi sĩ.

b) Tác dụng của các câu bị động :

- Tạo sự đa dạng cho việc sử dụng các kiểu câu trong một bài viết, tránh được sự nhàm chán, trùng lặp.

- Tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các câu cùng đứng trong một văn bản.

Viết bình luận