Soạn bài: Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh (Trích Vũ trung tùy bút)

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Tác giả của Vũ trung tuỳ bút là Phạm Đình Hổ (1768 - 1839), quê huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng, từng dạy học ở nhiều nơi.

Những tác phẩm mà Phạm Đình Hổ để lại gồm nhiều loại, nhiều lĩnh vực, từ biên soạn cho đến khảo cứu (triết học, lịch sử, địa lí...), sáng tác văn học. Riêng sáng tác văn học có : Vũ trung tuỳ bút; Tang thương ngẫu lục (viết chung với Nguyễn Án) ; Đông Dã học ngôn thi tập; Tùng, cúc, trúc, mai tứ hữu, tất cả đều được viết bằng chữ Hán.

2. Tuy chỉ là những ghi chép tản mạn nhưng Vũ trung tuỳ bút lại có giá trị văn học lớn. Một mặt, tác phẩm phơi bày hiện thực xã hội đen tối lúc bấy giờ với nỗi thống khổ của nhân dân, mặt khác, thể hiện tài năng của tác giả. Dù tác giả không chủ ý xoáy sâu vào một vấn đề nào nhưng qua những từ ngữ gợi tả, qua những lời bình luận tưởng như rất bâng quơ, hiện thực cuộc sống cứ hiển hiện chân thực, sống động trước mắt độc giả.

Trong tác phẩm này, phần đầu tác giả miêu tả cung cách ăn chơi xa hoa của đám quan quân trong phủ chúa Trịnh, phần sau tác giả đề cập đến nỗi thống khổ của dân chúng trước sự nhũng nhiễu của đám quan quân. Phần cuối, tác giả điểm qua một vài ý về gia đình mình. Mọi chi tiết đều có tác dụng phơi bày sự mục rỗng của chính quyền phong kiến Lê - Trịnh ở thời kì sắp suy tàn.

3. Nói tuỳ bút là thể văn ghi chép sự việc một cách cụ thể, sinh động nhưng tuỳ hứng không có nghĩa là văn bản được sắp xếp lộn xộn, không theo trật tự nào. Thực ra, điều đó chỉ có nghĩa rằng văn tuỳ bút không phụ thuộc vào một khuôn mẫu cố định nào (ví dụ như thơ Đường luật). Tuỳ theo từng hoàn cảnh cụ thể, tác giả lựa chọn, sắp xếp các chi tiết, sự kiện theo những trật tự nhất định nhằm làm nổi bật vấn đề.

4. Đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh miêu tả cuộc sống xa hoa, ăn chơi xa xỉ, không màng đến quốc gia đại sự, áp bức, bóc lột nhân dân,... của vua chúa, quan lại phong kiến thời Thịnh Vương Trịnh Sâm.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Thói ăn chơi xa xỉ, vô độ của chúa Trịnh và các quan lại hầu cận trong phủ được miêu tả thông qua những cảnh và những việc cụ thể :

- Xây dựng đình đài và thú ngao du vô độ ;

- Những cuộc bài trí dạo chơi của chúa Trịnh ;

- Thu sản vật, thú quý ;

- Bày vẽ trang trí trong phủ gây phiền nhiễu, tốn kém.

Tác giả kín đáo bộc lộ thái độ chủ quan của mình trước việc ăn chơi xa xỉ của chúa Trịnh khi miêu tả cảnh vườn trong phủ Chúa : “Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn, kẻ thức giả biết đó là triệu bất tường.”, cảm nhận của tác giả về cái “triệu bất tường” mang ý nghĩa như sự phê phán, cảnh báo về thói ăn chơi, hưởng lạc xa hoa trên mồ hôi, xương máu của nhân dân sẽ dẫn đến cảnh suy tàn, đổ vỡ tang thương.

2. Bọn quan lại hầu cận trong phủ Chúa đã “nhờ gió bẻ măng”, nhũng nhiễu, vơ vét của dân bằng những thủ đoạn trơ tráo, trắng trợn, vừa ăn cướp vừa la làng : “Họ dò xem nhà nào có chậu hoa cây cảnh, chim tốt khiếu hay, thì biên ngay hai chữ “phụng thủ” vào. Đêm đến, các cậu trèo qua tường thành lẻn ra, sai tay chân đem lính đến lấy phăng đi, rồi buộc cho tội đem giấu vật cung phụng để doạ lấy tiền. Hòn đá hoặc cây cối gì to lớn quá, thậm chí phải phá nhà hủy tường để khiêng ra. Các nhà giàu bị họ vu cho là giấu vật cung phụng, thường phải bỏ của ra kêu van chí chết, có khi phải đập bỏ núi non bộ, hoặc phá bỏ cấy cảnh để tránh khỏi tai vạ.”.

Kết thúc bài tuỳ bút, tác giả ghi lại việc có thực đã từng xảy ra trong nhà mình : “Nhà ta ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, trước nhà tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xoá thơm lừng ; trước nhà trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp, bà cung nhân ta sai chặt đi”. Câu chuyện thực xảy ra ở chính gia đình tác giả có tác dụng làm tăng thêm tính xác thực, sinh động cho những chứng cứ lên án chúa Trịnh và quan lại.

3. So sánh đặc điểm của thể tuỳ bút với thể truyện qua Chuyện cũ trong phủ chúa TrịnhChuyện người con gái Nam Xương, có thể rút ra nhận xét về sự khác nhau giữa hai thể văn này như sau :

- Tuỳ bút là thể văn dùng để ghi chép về những con người và sự việc cụ thể, có thực, qua đó người viết chú trọng bộc lộ thái độ, cảm xúc, suy tư, nhận thức đánh giá của mình về con người và cuộc sống. Truyện là thể văn phản ánh hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống ; qua các sự kiện, biến cố xảy ra trong cuộc đời con người.

- Truyện thường phải có cốt truyện và nhân vật ; cốt truyện được trình bày có mở đầu, diễn biến, kết thúc ; nhân vật được xây dựng có đặc điểm ngoại hình, chi tiết miêu tả nội tâm, diễn biến tâm lí,... Tuỳ bút là sự ghi chép tuỳ hứng, có khi tản mạn, không theo một cốt truyện nào mà chủ yếu nhằm bộc lộ tình cảm, thái độ của tác giả.

III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Căn cứ vào bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh và bài đọc thêm trong SGK, có thể viết một đoạn văn ngắn trình bày những điều em nhận thức được về tình trạng đất nước ta vào thời vua Lê - chúa Trịnh cuối thế kỉ XVIII. Đoạn văn có thể gồm các ý chính như sau :

- Vua chúa ăn chơi xa xỉ, không quan tâm đến đời sống người dân ;

- Quan lại tham tàn, nhũng nhiễu dân ;

- Xã hội rối ren, loạn lạc ;

- Đời sống nhân dân hết sức khổ cực.

Viết bình luận