Soạn bài: Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử là một văn bản nhật dụng (xem thêm chú thích ★ trang 125, sách giáo khoa).

2. Nắm được ý nghĩa và giá trị “chứng nhân lịch sử” của cầu Long Biên.

3. Nắm được mối quan hệ hữu cơ giữa các yếu tố nghệ thuật (bố cục, chi tiết, cảm xúc...) tạo nên sức hấp dẫn của bài bút kí.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HlỂU VĂN BẢN

1. Bài văn có thể chia ba đoạn:

- Đoạn 1 (Từ đầu đến nhân chứng sống động, đau thương và anh dũng của thủ đô Hà Nội): Giới thiệu chung về cầu Long Biên qua một thế kỉ tồn tại.

- Đoạn 2 (Từ Cầu Long Biên khi mới khánh thành ... đến nhưng vẫn dẻo dai, vững chắc): Cầu Long Biên như một nhân chứng sống động, đau thương và anh dũng.

- Đoạn 3 (Từ Bây giờ cầu Long Biên... đến hết): Cầu Long Biên trong đời sống hiện tại và cảm nghĩ của tác giả.

2. Đoạn văn từ Cầu Long Biên khi mới khánh thành... đến hàng nghìn người Việt Nam bị chết trong quá trình làm cầu cho thấy:

- Từ điểm nhìn của ngôi thứ ba, tác giả dùng phương thức thuyết minh để cung cấp cho người đọc những hiểu biết về lai lịch tên của cầu, độ dài, cấu tạo, trọng lượng của cầu, mối quan hệ giữa sự xuất hiện của cầu với đời sống lịch sử - xã hội; qua đó khẳng định vai trò “chứng nhân lịch sử” của cầu Long Biên.

- So sánh với tư liệu được cung cấp qua hai đoạn đọc thêm (trang 128 - 129, SGK) về cầu Thăng Long và cầu Chương Dương, có thể thấy quy mô của cầu Long Biên tuy nhỏ hơn, song nó có vai trò thật quan trọng về nhiều mặt trong suốt gần 100 năm trước khi có hai cây cầu nói trên.

3. Trong đoạn văn từ Năm 1945... đến nhưng vẫn dẻo dai, vững chắc.

a) Những cảnh vật và sự kiện đã được ghi lại: cầu Long Biên trong kí ức của tác giả khi đi học và hai hướng nhìn (từ phía nội thành và từ phía Gia Lâm); cầu Long Biên đầu năm 1947 - khi Trung đoàn thủ đô rút khỏi Hà Nội hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ; cầu Long Biên những năm tháng giặc Mĩ trút bom xuống Hà Nội.

b) Việc trích dẫn một bài thơ và lời một bản nhạc có tác dụng gây ấn tượng mạnh mẽ, chân thực và cụ thể về một sự kiện lịch sử mà cầu Long Biên là một nhân chứng sống.

c) Cách kể của đoạn này so với đoạn từ Cầu Long Biên khi mới khánh thành đến hàng nghìn người Việt Nam bị chết trong quá trình làm cầu khác nhau:

- Về ngôi kể: đoạn trước tác giả nhập vai ngôi thứ ba để kể, đoạn này tác giả trực tiếp xưng “tôi” (ngôi thứ nhất).

- Về phương thức biểu đạt: đoạn này chủ yếu tác giả dùng phương thức thuyết minh.

- Về cách sử dụng từ ngữ, ở đoạn này tác giả sử dụng các từ ngữ có sắc thái biểu cảm mạnh mẽ như: nhớ như in, trang trọng, nằm sâu trong trí óc, say mê ngắm nhìn, yêu thương, quyến rũ, khát khao, bi thương, hùng tráng, nhói đau, oanh liệt, oai hùng, thân thương, tả tơi, ứa máu...

Nhờ thế, trong đoạn này, tình cảm của tác giả bộc lộ rõ ràng và tha thiết hơn so với ở đoạn trên.

4. Đọc đoạn đầu và đoạn cuối của bài văn.

a) Tác giả đặt tên cho bài viết là Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử, không thể thay chứng nhân bằng chứng tích, bởi vì: cách dùng chứng nhân là dùng thủ pháp nhân hoá. Cách này giúp người đọc có cảm giác tác giả đã thổi hồn vào sự vật, coi cầu Long Biên là người đương thời của những thăng trầm lịch sử:

Những sự kiện lịch sử mà cầu Long Biên đã “chứng kiến”:

- Cuộc kháng chiến chống Pháp với sự kiện đầu năm 1947 - khi Trung đoàn thủ đô rút khỏi Hà Nội hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ;

- Năm 1972, cầu Long Biên bị giặc Mĩ trút bom đánh phá.

Cầu Long Biên với quá trình tồn tại của mình đã trở thành chứng nhân sống động, đau thương và anh dũng của lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và cả của thủ đô Hà Nội nói riêng.

b) So với câu cuối bài vãn với câu rút gọn: Còn tôi, tôi cố gắng truyền tình yêu cây cầu của mình vào trái tim họ, để du khách ngày càng xích lại gần với đất nước Việt Nam. Câu cuối trong bài văn tuy dài hơn nhưng có sắc thái biểu cảm rõ hơn nhờ cách diễn đạt gợi những liên tưởng thú vị (nhịp cầu vô hình).

Sở dĩ có thể nói nhịp cầu bằng thép của cầu Long Biên lại có thể trở thành nhịp cầu vô hình nối những con tim bởi vì: cầu Long Biên là chứng nhân lịch sử “sống động, đau thương và anh dũng" của người Việt Nam khiến khách du lịch nước ngoài phải “trầm ngâm", “đứng ở nhiều góc độ, ghi lại hình ảnh chiếc cầu” mỗi khi đến thăm nơi đây.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Lựa chọn một di tích có thể gọi là chứng nhân lịch sử của địa phương, ghi lại giá trị hoặc ý nghĩa của di tích đó.

Viết bình luận